Công khai quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công mới tạo được niềm tin cho cộng đồng, từ đó mới có thể thu hút đầu tư giúp nền kinh tế hồi phục.
Đó là ý kiến chung của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) tại buổi hội thảo với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2014: Vấn đề và giải pháp cho DN” do Thời báo Kinh Tế Việt Nam tổ chức ngày 21-2, tại TP.HCM.
Kỳ vọng vào tái cấu trúc
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết mặc dù trong năm 2013 nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn đang còn ở trong giai đoạn trì trệ, chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trở lại. Lạm phát tuy thấp nhưng có nguyên nhân quan trọng là do tổng cầu của nền kinh tế giảm, giá lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn nhiều so với chỉ số giá cả chung. Mất cân đối ngân sách, nợ công gần đến giới hạn cho phép, khối lượng nợ phải trả ngày càng lớn gây áp lực cho ngân sách.
Ông Lịch chia sẻ: “Chính sách tài khóa, tiền tệ xài hoài sẽ không có hiệu quả mà phải tái cơ cấu trong đầu tư, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nếu không nhanh chóng tái cơ cấu, đổi mới, kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, đây mới chính là vấn đề sống còn”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ cần nhanh chóng tái cơ cấu nhiều lĩnh vực mới có thể đảm bảo vực dậy nền kinh tế. Ảnh: QH
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ, cho rằng trong năm 2014 phải đẩy nhanh tái cấu trúc ngân hàng, sáp nhập hoặc phá sản. Đặc biệt phải tăng kỷ luật ngành ngân hàng, thiết lập hệ thống ngân hàng kỷ cương có trật tự và được giám sát cẩn trọng, chặt chẽ. Củng cố và xử lý sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn. Và quan trọng nhất là tái cấu trúc DNNN, điểm yếu của nền kinh tế đó là đầu tư nhiều nhưng lợi thu về rất ít.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng kinh tế hiện nay có ba loại DN, thứ nhất là DN không thể cứu được nữa thì ta nên để cho nó tự chết. Thứ hai là DN đang chống chọi và phát triển, chỉ cần hỗ trợ chính sách sẽ cứu được, bằng chứng là trong năm 2013 đã cứu được 12.000 DN trở lại hoạt động. Còn loại thứ ba là những DN lớn, phát triển mạnh và đang thôn tính DN khác, Chính phủ chỉ việc hỗ trợ để tiếp đà phát triển. Chính phủ không thể cứu được DN mà chỉ đóng vai trò làm “bà đỡ” đưa ra những chính sách vĩ mô để thị trường tự điều chỉnh.
Cơ hội mua bán tài sản
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết năm 2014, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khả quan hơn những ngành sụp đổ nhanh nhất sẽ là những ngành phục hồi nhanh nhất. Cụ thể như các ngành công nghiệp chế tạo, dệt may, da giày và điện tử… sẽ tăng trưởng nhanh. Ngành viễn thông với hoạt động tái cơ cấu sẽ được nhà đầu tư quan tâm nhiều. Đặc biệt ngành dịch vụ sẽ là ngành phục hồi nhanh nhất.
“Theo tôi, đây chính là cơ hội mua bán tài sản tốt nhất không lặp lại trong 50 năm nữa khi có quá nhiều DN phá sản muốn bán tống bán tháo tài sản của mình. Đây là thời điểm thích hợp để DN mua lại DN hoặc hợp tác, thị trường này chắc chắn sẽ sôi động nhất. Nếu xảy ra mua bán thì cơ bản vốn đã chảy vào thị trường này và chắc chắn nền kinh tế sẽ chuyển động tích cực hơn” - ông Nghĩa tiết lộ.
Hành động thứ hai mà DN cần làm trong năm 2014 được ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đưa ra là DN phải tái cấu trúc tư duy chiến lược. DN phải lựa chọn những phân khúc kinh doanh phù hợp với DN. Tập trung nguồn lực vào thị trường có nguồn lợi lớn nhất và DN có lợi thế cạnh tranh nhất. Phân tán nguồn lực, vay ngắn hạn đi đầu tư dài hạn là DN đi tìm chỗ chết. Chính sách chính phủ chỉ là vĩ mô, chính bản thân DN phải biết quản lý tài chính, quản trị DN và thay đổi.
Sẽ có gói 100.000 tỉ đồng hỗ trợ bất động sản Sắp tới, bốn ngân hàng quốc doanh sẽ hợp tác với Ngân hàng Xây dựng thành lập gói hỗ trợ 70.000-100.000 tỉ đồng cho ngành xây dựng, bất động sản. Năm ngân hàng trên sẽ thuê một đơn vị đứng ra tổ chức mạng lưới xây dựng toàn quốc. Gói hỗ trợ này sẽ dùng để phát triển hạ tầng, phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ nhu cầu xây dựng của nhiều đối tượng phổ biến hơn. Bên cạnh đó đối với gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng sẽ được sửa đổi lại thủ tục linh hoạt hơn, thay đổi tên nhà ở xã hội. Đồng thời thành lập cơ chế quản lý giá và giảm mạnh lãi suất để người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn. Dự kiến đề xuất này sẽ hoàn thành trong quý I-2014 để trình lên Quốc hội xem xét phê duyệt. TS LÊ XUÂN NGHĨA, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh Tăng tín dụng lên 12%-14% Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì ổn định lãi suất, tỉ giá như năm 2013, lãi suất tiềm năng có thể giảm 1%-2%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 12%-14% nhưng sẽ linh hoạt tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn, tăng cho vay ngoại tệ. Bên cạnh đó sẽ thiết lập thị trường vàng, giảm tình trạng vàng hóa, đôla hóa. Ông NGUYỄN VIẾT MẠNH, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước |