Năm 2015, kinh tế sẽ tăng trưởng 6,2%

Ngày 16/02/2015 07:13 AM (GMT+7)

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing - nhận định như vậy trong cuộc trao đổi cuối năm với phóng viên Báo Người Lao Động

Phóng viên: Thưa ông, với vai trò là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay?

- PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Trước năm 2011, nước ta có nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô: Lạm phát tăng cao, tỉ giá liên tục biến động, nhập siêu bình quân mỗi năm khoảng 13 tỉ USD, thậm hụt cán cân vãng lai lên tới 8% GDP (giai đoạn 2007-2010). Thế nhưng, trong 3 năm qua (2012-2014), kể từ khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, cán cân thương mại từ nhập siêu đã chuyển sang xuất siêu.

Năm 2015, kinh tế sẽ tăng trưởng 6,2% - 1

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing

Cụ thể, năm 2012, Việt Nam xuất siêu 780 triệu USD, năm 2013 tiếp tục xuất siêu 830 triệu USD và năm 2014 xuất siêu lên tới 2 tỉ USD, đồng thời cán cân thanh toán thương mại thặng dư 10 tỉ USD. Nhờ đó, dự trữ ngoại hối được cải thiện, tăng lên mức cao kỷ lục hơn 36 tỉ USD, giúp Chính phủ điều hành tỉ giá hối đoái theo ý muốn của mình...

Như vậy, chúng ta đã có đủ cơ sở để năm 2015 kinh tế tăng trưởng 6,2%. Tuy nhiên, lạm phát  phải được kiểm soát trong phạm vi 5%-7% bởi đây là mức hỗ trợ cho kinh tế tăng trưởng.

Những nhiệm vụ cốt lõi để kinh tế tăng trưởng, thị trường tiền tệ ổn định, trong đó vai trò hệ thống ngân hàng (NH) sẽ thể hiện như thế nào?

- Để thực hiện mục tiêu trên, trước  hết Chính phủ tiếp tục tăng thêm đầu tư công và tăng cường giám sát để phát huy hiệu quả. Tiếp đến là tín dụng cần được mở rộng theo hướng nới lỏng chính sách tiền tệ bởi lạm phát đã được kiểm soát ở mức 5%-7%. Cụ thể, NH Nhà nước nên giảm thêm các mức lãi suất điều hành, tăng thêm thời hạn vay, tạo điều kiện cho hệ thống NH thương mại có thêm nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, khi NH đã bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì mức  dự phòng rủi ro từ 20%/năm nên giảm xuống 10%/năm để các NH tích tụ thêm vốn, hỗ trợ nền kinh tế.

Năm 2015, kinh tế sẽ tăng trưởng 6,2% - 2

Ngân hàng Nhà nước nên giảm thêm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng thương mại có thêm nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ sản xuất - kinh doanh Ảnh: TẤN THẠNH

Năm 2015, NH Nhà nước cần hoàn thành cơ bản việc tái cơ cấu các NH thương mại, NH lớn nhận sáp nhập NH nhỏ là chính; tiếp tục kéo giảm thêm 1%-1,5% lãi suất cho vay trung và dài hạn; tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và những rào cản pháp lý trong việc xử lý tài sản thế chấp vay vốn NH.

Cuối năm 2014, NH Nhà nước đã nới rộng biên độ tỉ giá VNĐ/USD thêm 1% và chưa tác động sâu đến nền kinh tế, có lợi cho xuất khẩu... Vậy tỉ giá có khả năng sẽ phải nới thêm trong thời gian tới?

- Với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong thời gian qua, NH Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, ổn định tỉ giá và điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Trong năm 2015, NH Nhà nước sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu này và tỉ giá sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế không quá 2%, góp phần ổn định vĩ mô và tiếp tục cải thiện cán cân thanh toán thương mại.

Thủ tướng vừa chỉ đạo NH Nhà nước kéo giảm nợ xấu năm nay còn 3% (mức hiện nay là 3,8%). Theo ông, mục tiêu này có khả thi, nhất là khi vướng mắc quá nhiều, VAMC đã mua 123.000 tỉ đồng nợ xấu và chưa biết bán cho ai?

- Từ năm 2012-2014, nợ xấu NH tăng cao, chủ yếu tập trung vào món nợ cho vay bất động sản và tài sản thế chấp cũng là bất động sản. Do thị trường nhà đất đóng băng quá dài, thanh khoản và tính an toàn hệ thống NH thương mại bị đe dọa nên việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải có kịch bản đặc thù riêng cho thị trường Việt Nam.

Theo tôi, cách xử lý nợ xấu theo mô hình NH thương mại bán nợ xấu cho VAMC và nhận trái phiếu đặc biệt là giải pháp an toàn và tốt nhất so với nhiều phương án khác. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở đi, khi thị trường bất động sản ấm dần thì NH Nhà nước cần hoàn thiện thêm phương án mở rộng thị trường mua bán nợ xấu một cách căn cơ và hiệu quả hơn song phải bảo đảm an toàn hệ thống NH.

Theo Quang Thơ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh tế