Sản lượng dưa Tết giảm do thời tiết không thuận lợi cộng với việc thương lái gom hàng xuất sang Trung Quốc nhưng tiểu thương vẫn lo dưa hấu dội chợ như các năm trước
Mọi năm, ông Võ Văn Bình (ngụ ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vẫn trồng dưa hấu loại chưng Tết nhưng năm nay chuyển hẳn sang trồng dưa hấu thường vì ít tốn thời gian và công chăm sóc hơn.
Sản lượng sụt giảm
Tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, mặc dù diện tích xuống giống dưa hấu phục vụ Tết năm nay đạt gần 310 ha, tăng gần 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sản lượng sụt giảm so với dự tính lúc đầu vì thời tiết lạnh kéo dài đúng vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.
Một điểm bán dưa hấu Tết trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Xã Lý Văn Lâm của TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có trên 50 ha dưa hấu đã bị giảm sản lượng gần 30% cũng vì thời tiết. Trong khi đó, tại huyện Duyên Hải (Trà Vinh), diện tích trồng dưa hấu Tết năm nay giảm đến 1/3 so với năm rồi. Một cán bộ của ngành nông nghiệp huyện Duyên Hải cho biết: “Do nhu cầu của thị trường ngày càng giảm nên địa phương khuyến khích bà con không tập trung trồng dưa hấu mà nên trồng xen các loại hoa màu khác phục vụ Tết”.
Tương tự, toàn tỉnh Tiền Giang năm nay xuống giống khoảng 1.100 ha dưa hấu tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây… Ước sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 310.000 tấn, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Tại Long An, một trong những vùng đất trồng dưa hấu nổi tiếng, dù tăng diện tích gần 30% so với năm rồi nhưng sản lượng thu hoạch ước giảm đáng kể.
Sản lượng dưa hấu giảm nhưng theo các thương lái, nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng mạnh vào dịp Tết nên một lượng lớn dưa hấu được tập kết ra phía Bắc để đưa sang thị trường này. Do đó, nhiều khả năng thị trường trong nước sẽ khan hàng.
Đã bắt đầu thấy lo
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 13-2 (25 tháng chạp), dưa hấu Tết từ các tỉnh bắt đầu đổ dồn về TP HCM. Tuyến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) xuất hiện hàng loạt vựa bán dưa Tết, xe tải chở dưa tấp nập xuống hàng cho các xe ba gác chở vào nội thành tiêu thụ.
Về giá cả, dưa hấu dài thường ngày từ 6.000-8.000 đồng/kg; dưa hấu An Tiêm (tròn, trên 5 kg/quả) từ 17.000-18.000 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với Tết năm trước. Tại vựa dưa trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8), chủ vựa chào giá chỉ 15.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, chủ vựa dưa gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), đang tất bật điêu khắc trên dưa để mang đi giao sỉ, cho biết hồi đầu tháng chạp, nhà vườn chào giá dưa khá cao từ 18.000-22.000 đồng/kg nhưng đến nay giảm chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg do nguồn cung lớn.
Theo nhiều tiểu thương, năm ngoái dưa hấu bị dội chợ, hàng bán qua giêng vẫn chưa hết, giá hạ chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Năm nay, nhà vườn tiếp tục tăng sản lượng nên mới đầu mùa Tết nhưng người buôn dưa về TP HCM đã bắt đầu thấy lo.
Với loại dưa hấu chưng Tết, trên đường Nguyễn Văn Giai (quận 1), nơi nổi tiếng bán dưa hấu “khủng” tại Sài Gòn, những quả dưa đen bóng, tròn, trọng lượng lên đến 15-20 kg/quả được rao bán 750.000 đồng/cặp nhưng chủ yếu chỉ có khách tham quan. Song song với đó, nhiều điểm bán dưa hấu thư pháp nghệ thuật cũng đã trình làng với nhiều mẫu mới liên quan đến chủ đề Xuân Ất Mùi như hình dê và các chữ “An”, “Phát”, “Lộc”, “Tài… cũng kén người mua vì giá cả cao.
Ở miền Tây, dưa hấu “khủng” cũng được bày bán nhiều nhưng khá ế ẩm dù giá rẻ hơn nhiều so với ở TP HCM. Tại một điểm bán trên đường Nguyễn An Ninh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), dưa hấu “khủng” gần 20 kg mỗi trái được chào bán với giá 350.000 đồng/cặp. Đây là giống dưa ghép với dây bầu và được trồng ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Chị Võ Thị Hai, một người dân ngụ ở quận Cái Răng, cho rằng những năm gần đây, dưa hấu chưng Tết được ghép với các loại dây khác cho tăng trọng lượng nên ruột dưa khi bổ ra không có màu đỏ, ăn rất nhạt và không có vị thơm vốn có của dưa hấu. “Dưa Tết bây giờ chỉ chưng cho đẹp, được vài ngày rồi đem bỏ chứ chẳng ai dám ăn. Trước đây, dưa hấu xuất xứ từ Hà Tiên, Long An... chưng trên bàn thờ tổ tiên đến hạ niêu mới bổ ra nhưng vẫn còn màu đỏ thẫm, vị ngọt thanh rất ngon chứ không như bây giờ” - chị Hai nhận xét.
Bưởi bàn tay Phật cháy hàng Bưởi bàn tay Phật (hay còn gọi là bưởi Cát Tường) những ngày qua đã vắng bóng ở miền Tây do các thương lái vét sạch đem ra thị trường Hà Nội và TP HCM tiêu thụ. Ngay cả vùng đất “nắn” được bưởi bàn tay Phật là Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng cũng không có hàng để mua. Anh Bùi Thanh Tòng, một hộ dân sống ở vùng bưởi Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), tiếc nuối: “Là dân xứ bưởi nên cứ nghĩ đến cận Tết hãy mua loại bưởi mới này đem tặng người thân. Ai dè khi tìm mua thì những nhà vườn sản xuất được loại bưởi này đều lắc đầu vì đã hết sạch”. |