Chợ xây tiền tỷ xong bỏ hoang không chỉ ở các thành phố lớn mà phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước...
Hàng loạt chợ bỏ hoang
Nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều chợ được đầu tư tiền tỷ nhưng bị bỏ hoang. Đứng trước chợ trung tâm xã Thuận, thuộc huyện Hướng Hóa, chúng tôi không khỏi xót xa cho sự hoang tàn của nó. Chợ được xây dựng năm 2001 từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ dành cho vùng đặc biệt khó khăn, trên diện tích 2.300m2, với kinh phí 1,12 tỷ đồng, phục vụ đồng bào 3 xã biên giới xã Thuận, Hướng Lập và xã Thanh. Nhưng từ đó đến nay, chợ này đã bị bỏ hoang.
Tương tự, năm 2009, chợ Gio Hải được UBND xã Gio Hải đầu tư xây dựng 1,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang. Sau gần 3 năm đưa vào hoạt động, chợ cá Gio Hải không một bóng người. Nghịch lý là ngay trước mặt chợ Gio Hải lại có một chợ tạm chỉ với những căn lều xập xệ nhưng tấp nập người mua bán, hàng hoá ở đây không thiếu thứ gì.
Chợ Già ở xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) khánh thành tháng 10/2012, đến nay vẫn cửa đóng then cài.
Tỉnh Bến Tre có hàng chục chợ tiền tỷ bỏ hoang. Cách đây hơn 1 năm, Công ty cổ phần Thương mại, tư vấn thiết kế và thi công xây dựng Đông Đô tổ chức lễ khánh thành chợ mới Quới Sơn (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành). Theo ông Huỳnh Hữu Lợi - Giám đốc Công ty Đông Đô, chợ được xây dựng trên diện tích gần 5.000m2 với hơn 400 kiốt, sạp hàng, số vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng. Tất cả các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải, chiếu sáng… đều được tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn chợ nông thôn mới. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ngôi chợ này vẫn vắng người mua, bán.
Cách đó gần 5 km là chợ mới xã Long Hòa (huyện Bình Đại) đã đi vào hoạt động gần 2 năm nay nhưng vẫn vắng khách. Chủ đầu tư là ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc DNTN Quản lý khai thác chợ Thành Long cho biết, đã đầu tư vào ngôi chợ này hơn 5 tỷ đồng phải chịu cảnh bỏ không gần 2 năm nay. Nguyên do là các tiểu thương trong khu vực chợ cũ (cách chợ mới hơn 1 km) không chịu di dời. Ông Dũng buồn giọng: “Tôi quyết định đầu tư xây dựng chợ sau khi UBND xã Long Hòa công bố quy hoạch di dời trung tâm hành chính xã và UBND huyện Bình Đại kêu gọi. Và theo kế hoạch thì trung tâm hành chính xã sẽ được di dời tới vị trí gần ngôi chợ tôi đã xây dựng, nhưng đã mấy năm qua chưa có động tĩnh gì. Bà con tiểu thương không chịu dời sang chợ mới mua bán nên chợ mới khang trang hoang vắng…”.
Giải quyết loanh quanh
Trả lời câu hỏi tại sao chợ xây ra nhưng không có người mua bán, bỏ hoang, ông Hồ Tà Cô - Chủ tịch UBND xã Thuận (Hướng Hoá, Quảng Trị), nói: Ngày chợ trung tâm xã Thuận hoàn thành, xã cho phép 24 hộ đấu giá mua lô, nhưng chỉ có 5 người mua. Được một thời gian, do lượng khách hàng ít, không bán buôn gì được nên các hộ kinh doanh buộc phải đóng cửa. Chợ không có khách là vì xã Thuận có nhiều người chở hàng bằng xe máy đi rao bán tận nhà, dần dần người dân quen mua bán kiểu đó. Chỉ cần một cuộc điện thoại là cần hàng gì có hàng đó.
“Xã cùng với huyện đã có 3 lần vận động bà con vào chợ buôn bán nhưng cả 3 lần người dân chỉ vào bán được vài tháng, có khi vài tuần, rồi lại bỏ đi vì không có khách. Chúng tôi đang chuẩn bị đợt vận động lần thứ tư. Nếu không được nữa thì xã sẽ có kiến nghị lên cấp trên chuyển đổi mục đích sử dụng” – ông Cô nói.
Ông Trần Thanh Chương - Chủ tịch UBND xã Gio Hải cho biết, lãnh đạo xã đã 2 lần vận động người dân vào chợ nhưng đều không thành. Sắp tới lãnh đạo xã Gio Hải sẽ tiếp tục vận động người dân vào chợ buôn bán, kêu gọi các hộ kinh doanh ở các xã khác tới. Được biết, chợ Gio Hải không có người mua bán là vì chợ nằm cách xa đường, sức mua của người dân kém nên tiểu thương ở đây không vào chợ để đỡ tốn tiền thuê. |
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận: Chất lượng quy hoạch chợ nông thôn chưa tốt, số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bổ không đều. Hệ thống chợ chủ yếu là chợ bán lẻ, đa số chợ có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất - kỹ thuật còn sơ sài, lạc hậu (hiện còn khoảng 28% số chợ ở trong tình trạng lều lán, tạm bợ, thậm chí tới 15% chợ họp ngoài trời). Chợ đầu mối quy mô lớn còn ít (cả nước chỉ có 84 chợ đầu mối, chiếm 0,98% tổng số chợ). Vì vậy, hệ thống chợ chưa tương xứng với vị trí và vai trò của chợ và chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tình trạng chợ hoạt động kém hoặc không hiệu quả chiếm 3% ở một số địa phương, trong đó có những chợ được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình 135…
Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần phải đổi mới khi thực hiện đầu tư cải tạo chợ, không nên bao cấp, dùng ngân sách để xây dựng chợ to, đẹp mà không phù hợp, người kinh doanh không vào chợ, bỏ chợ gây lãng phí. Việc xây dựng chợ phải phù hợp với điều kiện từng địa phương, khu vực, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tự bỏ vốn đầu tư xây dựng cải tạo chợ (nhà nước hỗ trợ 50%, 50% của doanh nghiệp, hợp tác xã, người kinh doanh). Quy hoạch xây dựng cải tạo hệ thống các chợ phải được bàn định với người dân kinh doanh, kích thích sản xuất. Tránh dập khuôn máy móc, đầu tư lớn mà không hiệu quả. Việc di chuyển thay đổi chợ phải cân nhắc kỹ...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết, để giải quyết vấn đề chợ tiền tỷ ở nông thôn bỏ hoang, Bộ đã đề nghị các địa phương cần hạn chế xây chợ mới vào những địa điểm không phù hợp. Vấn đề xã hội hóa các chợ, xây dựng mới hoặc cải tạo các chợ phải đáp ứng được yêu cầu cho cả người bán và người mua...