Các nội dung như video, game online hiện nay đều có chất lượng tương đối cao. Song đi kèm với điều đó là nó sẽ ngốn dung lượng dữ liệu rất nhanh.
Mới chuyển nhà nhưng chưa lắp được Internet, công việc lại thường xuyên yêu cầu phải làm thêm ở nhà nên chị Nguyễn Hoàng Trang (Hà Nội) đã đăng ký 4G kèm mua bộ phát wifi để dùng tạm. Mới đầu, chị thấy khá ổn bởi mọi người trong nhà đều dùng được Internet mà cũng chỉ mất 200.0000đ một tháng, tương đương với gói cước cáp quang chị dùng trước đây.
Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày thì vấn đề bắt đầu phát sinh. Cả nhà không thể vào mạng được nữa bởi đã dùng hết sạch 20 GB dữ liệu gói cước chị đã mua. Giật mình kiểm tra lịch sử sử dụng thì toàn chủ yếu xuất phát từ các video phim online, clip online. Hỏi thì hóa ra hai ông con đang được nghỉ hè ở nhà suốt ngày xem phim, xem hoạt hình trên mạng.
“Do công việc yêu cầu, tôi lại phải đăng ký thêm một gói 20 GB nữa. Song lần này rút kinh nghiệm, tôi phải đưa ra thiết quân luật ở nhà: Cấm hai đứa xem phim trên mạng. Chồng tôi cũng phải hạn chế xem các clip thể thao trên mạng. Tất cả đều chỉ được xem trên TV thôi. Bao giờ lắp được internet cáp quang mọi người mới được xem trở lại.” - chị Trang nói.
Dù đặt ra quy định mọi người trong không được dùng Internet để xem video online song chị Trang vẫn cứ vừa dùng vừa lo, không biết gói cước mua thêm này có trụ được đến cuối tháng hay không?
“Lúc đầu nghĩ dùng 4G như thế này mà một tháng mà cũng chỉ mất 200.000đ thì có khi tôi dùng luôn, không cần cáp quang nữa. Nhưng mới dùng có hai tuần mà đã mất 400.000đ rồi, còn vừa dùng vừa lo hết dung lượng phải mua thêm. Tình hình thế này thì lắp được cáp quang là tôi chuyển ngay thôi.” - Chị Trang chia sẻ.
Các nội dung như video, game online hiện nay đều có chất lượng tương đối cao. Song đi kèm với điều đó là nó sẽ ngốn dung lượng dữ liệu rất nhanh. Để bắt kịp xu hướng ngày càng xem nhiều video trực tuyến của người dùng di động, các nhà mạng đã tung ra những gói cước có dung lượng lớn hơn, tới cả chục GB. Tuy nhiên, nếu tính ra thì kể cả gói dung lượng tới 20 GB như ở trên thì cũng cũng chỉ xem được khoảng 40 tập phim (tương đương với khoảng 30 tiếng) hoặc 400 video (thời lượng 10 phút/video) có chất lượng trung bình (360 - 480 px). Nếu xem các nội dung video chất lượng cao thì thời gian còn ngắn hơn nữa.
Đại diện một nhà mạng cho biết, các gói 4G dung lượng lớn nhưng giới hạn dung lượng nên chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu người dùng. Nó có thể thay thế Internet trong 1 số trường hợp tuy nhiên với những người vào mạng chủ yếu để xem video trực tuyến thì nên chuyển sang sử dụng wifi để xem ở những nơi có wifi. Còn với những trường hợp buộc phải dùng tạm 4G thay cho internet băng rộng cố định như của chị Trang, để tránh phụ trội cước không mong muốn, người dùng nên hạn chế các nội dung video online, đặc biệt là các video chất lượng HD.
Thực tế ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi 4G được triển khai từ rất sớm và hiện 70 - 80% thuê bao di động ở hai quốc gia này là thuê bao 4G. Tuy nhiên, mạng băng rộng cố định vẫn rất được chú trọng. Nguyên nhân là do tại hai quốc gia này, các nội dung video, game trực tuyến vô cùng phổ biến. Nếu chỉ sử dụng 4G để xem các nội dung này thì sẽ chi phí sẽ rất cao. Vì vậy, 4G chủ yếu được sử dụng ở các khu vực công cộng, trên tàu điện. Còn khi truy cập Internet để xem các nội dung này tại nhà, người dùng di động vẫn lựa chọn mạng băng rộng cố định bởi không giới hạn dung lượng, tốc độ cao, ổn định nên tính ra giá thành rất rẻ, không phát sinh thêm chi phí.
Xu hướng phát triển 4G tại Việt Nam cũng không ngoại lệ so với xu hướng chung của thế giới. Để đạt được mức thâm nhập thuê bao 4G như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam có lẽ sẽ mất tới cả chục năm nữa. Chính vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ Internet cố định trong nước vẫn đang tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng mạng cáp quang để phục vụ nhu cầu người dùng.