Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị “lạm dụng"?

Ngày 01/07/2013 06:25 AM (GMT+7)

Nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại tiền nhàn rỗi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có thể bị lạm dụng trong những thời điểm chưa được huy động vào mục đích bình ổn giá.

Tuy chưa có quyết định cuối cùng về việc duy trì hay bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định tại kỳ họp Quốc hội vừa qua rằng sắp tới sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc công khai tình hình trích lập, sử dụng quỹ này trên trang thông tin điện tử của bộ, mỗi quý một lần vào tháng đầu quý.

Sử dụng quỹ chưa đúng mục đích

Thực chất của quỹ bình ổn vận hành lâu nay là khoản tiền người sử dụng “ứng trước” cho doanh nghiệp (DN) và “nhờ” DN cân đối khi có biến động. “Quỹ do dân góp nhưng dân không biết được sử dụng thế nào, không biết giám sát ra sao. Thực tế, nhiều thời điểm đã có hiện tượng DN lỗ ít mà xả quỹ cao. Như thế là không công khai, minh bạch” - TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng không thể nói quỹ này không minh bạch vì thực chất trích lập bao nhiêu, sử dụng và còn lại bao nhiêu thì kiểm toán hoàn toàn nắm được. Nói một cách chính xác là quỹ đã bị sử dụng chưa đúng mục đích. Trong khi chưa sử dụng đến phần tiền nhàn rỗi đã trích lập thì DN có thể sử dụng quỹ vào việc khác, sau này vẫn sẽ hoàn lại khi có yêu cầu xả quỹ để bình ổn giá xăng dầu.

Nhiều ý kiến cho rằng số tiền này có thể đã bị các thương nhân đầu mối “chiếm dụng” để biến thành nguồn vốn lưu động không phải trả lãi trong hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy, nhà nước bị thiệt hại mà người tiêu dùng cũng bị “lợi dụng”.

DN nên chia sẻ

Tuy thừa nhận những tác dụng nhất định trong việc bình ổn giá khi có biến động trên thị trường xăng dầu thế giới nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cần xem xét lại cách trích lập và sử dụng nguồn tiền này.

“Nhiều người cho quỹ bình ổn là không cần thiết nhưng theo tôi là cần vì trong nền kinh tế thị trường thì hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh xăng dầu đối mặt với rủi ro lớn. Đúng ra phải có hợp đồng kỳ hạn bảo hiểm về giá nhưng chúng ta không làm được thì cần thiết phải lập ra quỹ bình ổn” - ông Ngô Trí Long nói. Ông cũng lưu ý khi tiếp tục duy trì quỹ phải làm rõ nguồn hình thành từ đâu. Hiện nay mới chỉ buộc người tiêu dùng đóng quỹ thông qua giá thành nhưng câu hỏi đặt ra là DN có nên tham gia đóng góp không? Cần làm rõ khi nào được sử dụng quỹ, lúc chưa sử dụng thì phải làm sao cho nguồn tiền đó sinh lời và phải quản lý được.

Nhiều chuyên gia cho rằng với quy mô quỹ lên tới hàng trăm tỉ đồng nhàn rỗi chưa được huy động vào mục đích bình ổn giá xăng dầu, nếu không được huy động để tạo ra của cải vật chất thì sẽ là thiệt hại rất lớn. “Một lượng lớn tiền mặt nằm im một chỗ, không lưu thông sẽ tạo ra ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế” - một chuyên gia kinh tế nhận định và cho rằng nếu tiếp tục duy trì quỹ thì có thể cho phép DN sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi làm vốn để phục vụ mục đích kinh doanh nhưng phải trả lãi bằng lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, hình thức này chỉ có giá trị khi DN được phép hoạt động theo cơ chế thị trường thực sự, có sự điều tiết của nhà nước chứ không phải theo kiểu mệnh lệnh hành chính xin - cho như hiện nay.Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì nhà nước nên cố định thuế nhập khẩu bằng giá trị tuyệt đối trong 1 năm, sau đó trích một phần từ nguồn thuế đó để tạo lập quỹ. Giải pháp này có ưu điểm là tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, giúp thực hiện tốt chính sách an dân, giảm bức xúc xã hội về mặt hàng thiết yếu này.

Theo Phương Nhung (Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giá xăng, giá gas