Thuế, phí khiến ô tô đắt gấp 3 lần giá gốc

Ngày 23/08/2013 06:10 AM (GMT+7)

Nguyên lãnh đạo Tổng cục thuế thừa nhận, làm phép tính cộng đơn giản đối với xe ô tô nhập khẩu, loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 bằng cách lấy: giá nhập khẩu ( + ) thuế nhập khẩu ( + ) thuế tiêu thụ đặc biệt ( + ) thuế GTGT ( + ) lệ phí trước bạ thì giá bán chênh lệch nhiều so với giá gốc.

Trả lời thắc mắc của bạn đọc tại buổi trực tuyến về chính sách ô tô sáng 22/8, Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên lãnh đạo Tổng cục Thuế nêu quan điểm.

Dư luận cho rằng, chính sách thuế, phí cao đối với ngành công nghiệp ô tô trong thời gian qua đã đẩy giá bán ô tô lên cao (gấp 3 lần so với giá gốc) và hạn chế sức mua, bảo hộ lớn cho các DN sản xuất trong nước...?

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, tham gia làm chính sách thuế về ô tô từ những ngày đầu, đối thoại với nhiều DN ô tô. Với vai trò tư vấn cần hài hòa giữa DN và Nhà nước… Về ý kiến trên, tôi thấy chưa hoàn toàn đúng.

Thuế, phí khiến ô tô đắt gấp 3 lần giá gốc - 1

Theo bà Cúc, nếu làm phép tính cộng đơn giản đối với xe ô tô nhập khẩu, loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 bằng cách lấy: giá nhập khẩu ( + ) thuế nhập khẩu ( + ) thuế tiêu thụ đặc biệt ( + ) thuế GTGT ( + ) lệ phí trước bạ thì giá bán đúng là chênh lệch nhiều so với giá gốc.

Nhưng nếu coi đó nguyên nhân dẫn đến hạn chế sức mua, bảo hộ lớn cho các DN sản xuất trong nước thì cần phải phân tích kỹ càng mới có thể có câu trả lời xác thực.

Thứ nhất, chủ đề tọa đàm của chúng ta hôm nay là phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Vậy sản phẩm ô tô nói chung bao gồm cả xe từ 24 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải, không chịu thuế TTĐB chứ không chỉ là loại chịu thuế cao nhất.

Thứ hai, khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO thì chúng ta đã thực hiện cam kết không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu nên việc bảo hộ lớn các DN sản xuất trong nước là không thể tồn tại.

Thuế TTĐB mang tính chất giai đoạn lịch sử, như thời điểm này hạ tầng giao thông ta còn kém, mức sống người dân… Nhưng sau này sẽ khác.

Thứ 3: Đối với mặt hàng chiụ thuế TTĐB là đã nhằm tới chủ trương định hưởng sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đối với đối tượng sử dụng hàng hóa này: Ví dụ loại xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 thì chịu đến mức thuế suất 60 % thuế TTĐB, theo đó Nhà nước không khuyến khích sử dụng loại xe này, tuy nhiên trên thực tế có xe nhập khẩu, ở Việt Nam đang sử dụng có giá trên vài ba chục tỷ đồng/chiếc thì phải nộp đầy đủ tiền thuế cho NSNN để điều tiết cho các khoản chi cần thiết khác của NSNN...

Riêng đối với ô tô sản xuất trong nước, thì không bị ảnh hưởng nhiều đến thuế nhập khẩu, song vẫn chịu thuế TTĐB phân theo tiêu thực số lượng chỗ ngồi và dung tích xi lanh... theo quy định của Luật thuế TTĐB; thuế GTGT thì chúng ta không nên đề cập nhiều vì hầu hết các sản phẩm tiêu dùng ở Việt Nam đều áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

Tại sao tỉ lệ nội địa hóa công nghiệp của chúng ta thấp? Việc áp thuế hướng đến khuyến khích DN tăng tỉ lệ nội địa hóa. Phát triển công nghiệp ô tô, hướng đến xuất khẩu…

Theo đó các doanh nghiệp cần cố gắng tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, hạch toán đúng giá thị trường để phấn đấu đưa giá thành sản xuất ô tô tương đương và phấn đấu thấp hơn các nước trong khu vực, góp phần giảm giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó số lượng sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, chi phí sản phẩm: sản xuất nhiều sản phẩm thì giá thành sẽ hạ, Mặt khác nếu sản xuất được sản phẩm xuất xuất khấu ra nước ngoài như đề án của các nhà máy sản xuất ô tô... đặt ra thì không phải nộp thuế TTĐB, không phải nộp thuế GTGT khi xuất khẩu mà cong được hoàn thuế GTGT đầu vào... là lợi thế cho nhà sản xuất.

Như vậy chúng ta có thấy: sản xuất loại xe nào, số lượng bao nhiêu, bao nhiêu xe xuất khẩu được, chi phí sản xuất kinh doanh như thế nào?.... đó là những vấn đề liên quan đến giá thành, giá bán xe ô tô... chỉ không đơn giản là thuế bao nhiêu cho một chiếc xe.

Về tình hình cung - cầu trên thị trường hiện nay và dự báo dung lượng thị trường đến năm 2020, ông Dương Đình Giám- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp- Bộ Công Thương:

Đến năm 2012, có 56 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, trong đó 18 doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Các doanh nghiệp sản xuất ô tô tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp sản xuất ô tô cả nước có tổng công suất sản xuất lắp ráp xe khoảng 458.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, các doanh nghiệp trong nước chiếm 53%.

Tình hình cung cầu trên thị trường: Năm 2010, cả nước sản xuất 112,3 ngàn xe các loại, cao gấp gần 2 lần năm 2005 và 8,4 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm là 17,44%/năm. Năm 2011, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, sản xuất lắp ráp xe trong nước giảm, chỉ đạt 107,9 ngàn xe, giảm 4% so với năm 2010. Năm 2012 tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, số lượng xe lắp ráp trong nước giảm còn 72.749 xe, giảm 31% so với năm 2011.

Năng lực sản xuất chưa lớn, nhu cầu nhỏ cho nên về cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cụ thể: Số lượng ô tô sản xuất trong nước chiếm khoảng trên 70% thị trường ôtô bán ra năm 2012. Trong đó xe ô tô đến 9 chỗ chiếm 64,16%, xe ô tô trên 10 chỗ chiếm 94,49% và xe tải chiếm 76,85%. Riêng xe chuyên dụng và xe khác chiếm 9,74%.

Dự báo dung lượng thị trường đến năm 2020, theo các phương án khác nhau là từ khoảng 2 triệu đến 3,5 triệu xe ô tô các loại; trong đó tổng lượng xe dưới 10 chỗ là khoảng 250.000 xe, năm 2025 là khoảng trên 750.000 xe. 

Theo Thu Nguyễn (Infonet.vn)

Tin liên quan