Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức khi nhiều thương lái không hợp tác, tìm đủ chiêu trò để biến heo trôi nổi thành heo có nguồn gốc truy xuất…
Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ than khó
Trong buổi họp báo mổ xẻ những khó khăn của Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo diễn ra vào sáng 18/10 tại Sở Công thương TP.HCM, đại diện các chợ đầu mối, cơ quan quản lý đã phản ánh thực trạng của đề án này khi áp dụng vào thực tế.
Nói về sự chậm chạp trong việc tuân thủ các quy định truy xuất nguồn gốc thịt heo của các thương lái, ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền cho hay, chợ Bình Điền nằm ở cửa ngõ phía Tây Thành phố, do đó nơi đây chủ yếu nhập heo từ các tỉnh miền Tây Nam bộ như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long…
Phần lớn số heo này được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các quy định trong đề án truy xuất nguồn gốc. Những hộ nuôi này không được phổ biến thông tin một cách chi tiết.
Ông Tsàn A Sìn (giữa) nói về những khó khăn cuả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo.
“Như ở huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc thuộc tỉnh Bến Tre, các hộ nuôi heo nói họ gặp nhiều khó khăn khi mua vòng truy xuất, lúng túng trong việc tích hợp thông tin. Ngoài ra, họ phải tốn thêm chi phí cho việc truy xuất thông tin này nên đa số không mặn mà”, ông Sìn nói.
Ông Sìn cho hay, một số chủ lò mổ ở các tỉnh cũng không quyết liệt thực hiện tích hợp thông tin trên vòng truy xuất. Đơn cử như lò mổ Đ.A, chủ lò này cho biết, bình quân mỗi ngày họ mổ 1.000 con heo, nhưng nếu làm đúng quy trình họ chỉ mổ tối đa được khoảng 300 con.
Đại diện chợ Bình Điền còn cho rằng, có trường hợp cán bộ thú y ở một số lò mổ tỉnh Long An không phối hợp tích hợp thông tin lên vòng truy xuất. Điều này dẫn đến heo thịt nhập từ các tỉnh miền Tây về chợ Bình Điền không có đầy đủ thông tin cần thiết.
Về vấn đề các lò mổ ở tỉnh chưa tự giác tuân thủ các quy định truy xuất nguồn gốc thịt heo, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, ông có đi thực tế hai lò mổ ở Long An. Hai lò này đều có heo nhập về chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. Tuy nhiên khi xuất heo về chợ Hóc Môn thì được tích hợp thông tin trong khi đó heo về chợ Bình Điền lại không.
“Tôi có hỏi lý do tại sao nơi làm nơi không thì họ trả lời là do chợ Bình Điền chưa bắt buộc. Trong khi đó ban quản lý chợ Bình Điền đã triển khai công tác tuyên truyền từ lâu”, ông Hoà nói.
Thương lái đủ chiêu đối phó
Nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ than khó, không đáp ứng được các tiêu chuẩn của đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo do TP.HCM đề ra, điều này dẫn đến các thương lái thu mua heo muốn tiêu thụ được đã làm mọi cách để hợp thức hoá nguồn heo trôi nổi.
Ông Tsàn A Sìn cho biết, có trường hợp thương lái đối phó bằng cách mua vòng truy xuất của heo ở các tỉnh miền Đông nhưng lại đưa về miền Tây gắn cho heo mua trôi nổi ở đây. Khi Ban quản lý chợ kiểm tra thì phát hiện heo ở miền Tây lại được “gắn mác” miền Đông.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, với mỗi con heo, người nuôi phải tốn thêm 6.000 đồng mua vòng truy xuất đã khiến họ không mấy mặn mà với chương trình. Ngược lại, có trường hợp người nuôi “bắt tay” với thương lái mua vòng truy xuất ở trang trại có đăng ký rồi đeo cho heo ở nơi không đăng ký.
TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ Cao TP.HCM, cho biết: "Những lỗ hổng của đề án được Hội Công nghệ Cao TP.HCM nhận ra từ 8 tháng trước, và khi tiến hành các biện pháp nhắc nhở thì các chủ thể vi phạm đã cam kết không thực hiện nữa.
Chúng tôi muốn cung cấp công nghệ thực hiện truy xuất nguồn gốc ngay từ giai đoạn con giống cho đến khi thành phẩm, để người tiêu dùng có thể biết được con heo được nuôi bằng thức ăn gì, quá trình lớn lên như thế nào? Về công nghệ thì đã sẵn sàng, chỉ chờ sự đồng ý của UBND Thành phố”.