Tiền hỏng được tiêu hủy như thế nào?

Ngày 28/04/2014 00:04 AM (GMT+7)

Cắt làm ít nhất 3 miếng, rộng không quá 1 cm, buộc bằng dây không mối nối, đảm bảo chỉ bán được phế liệu sau khi cắt… là những quy định nghiêm ngặt về tiêu hủy tiền in, đúc hỏng.

Với tiền giấy và kim loại, hỏng đồng nghĩa với việc không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Ngay từ chất liệu để in là giấy, kim loại, nếu không đạt chuẩn, thì khi in ra đồng tiền cũng bị coi là hỏng.

Giấy in tiền bị ẩm, kết dính, rách mất góc, nhăn nheo, quấn lô, nghiền nát, dây bẩn… được cho là các dấu hiệu của hư hỏng, không đủ tiêu chuẩn in. Với tiền xu, các dấu hiệu đó là kim loại bị cong vênh, oxi hóa, hoen gỉ, bết cục…

Tại Việt Nam, có 3 chất liệu để in tiền, là giấy cotton, nhựa polymer và kim loại.

Tiền hỏng được tiêu hủy như thế nào? - 1

Với tiền xu bị hỏng trong quá trình in, đúc, việc tiêu hủy phải đảm bảo quy định về kích thước. Mỗi đồng  được cắt làm ít nhất 3 miếng, không thể tái sử dụng.

Theo quy chế về tiêu hủy tiền in, đúc hỏng của Ngân hàng Nhà nước, cần 3 giai đoạn để tiêu hủy một đồng tiền là giao nhận, kiểm đếm, cắt hủy. Với tiền cotton và tiền xu, chỉ cần 3 công đoạn là có thể tiêu hủy. Sau khi tổ giao nhận nhận tiền, tổ kiểm đếm sẽ đếm số lượng rồi bàn giao cho tổ cắt hủy cắt tiền thành các mảnh nhỏ. 

Nhưng riêng với tiền bằng chất liệu polymer, việc tiêu hủy được thực hiện với 4 công đoạn, gồm giao nhận, kiểm đếm, cắt hủy và hủy hoàn toàn. Công đoạn hủy hoàn toàn tiền polymer in hỏng sẽ do cơ sở in, đúc tiền thực hiện.

Các loại tiền hỏng, giấy in tiền hỏng sau khi kiểm đếm, bàn giao sẽ được đưa vào máy cắt hủy. Kích thước tối đa sau khi cắt xong là 1 cm với chiều rộng, 20 cm với chiều dài với tiền giấy. 

Riêng tiền xu, kích thước sau khi cắt xong không được quy định cụ thể, song ít nhất mỗi đồng cần được cắt thành 3 mảnh.

Tiền giấy hỏng sẽ được đóng gói theo bó. Mỗi bó gồm 10 thếp, mỗi thếp 100 miếng. Còn với giấy in tiền, cách đóng gói sẽ là 500 tờ to xếp thành một gói. Với chất liệu giấy, sau khi đã đóng gói, tiền sẽ được buộc một vòng ngang, một vòng dọc bằng dây không có nối, dán niêm phong đè lên nút buộc. Niêm phong có đầy đủ các thông tin về ngày tháng năm, loại, số lượng tiền, họ tên và chữ ký người kiểm đếm.

Riêng với tiền xu, quy cách đóng gói sẽ là 1.000 miếng đóng vào túi, 10 túi đóng thành 1 bao. Dây buộc miệng túi không có mối nối, dán niêm phong lên nút buộc. Các thông tin trên giấy niêm phong ghi như đối với tiền giấy.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, những người tham gia trực tiếp việc tiêu hủy tiền in, đúc hỏng cần chấp hành một số nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là mặc đồng phục do hội đồng tiêu hủy quy định, không mang túi xách, ví tiền, đồ dùng cá nhân. Ngoài ra, theo quy định, tất cả những người tham gia tiêu hủy tiền phải ra khỏi phòng làm việc trong giờ nghỉ trưa. Cửa phòng cũng phải được khóa, niêm phong.

Với tiền đã cắt và được tiêu hủy, các cơ quan thực hiện cần đảm bảo hoàn toàn chúng sẽ trở thành phế liệu và không thể sử dụng lại. Với các loại tiền polymer, trước khi bán cho các cơ sở thu mua phế liệu, cần đảm bảo đã được tiêu hủy hoàn toàn, bằng cách thủy phân hoặc nung ở nhiệt độ cao.

Theo Kim Ngân (Zing.vn)
Nguồn:

Tin liên quan