Trái cây tết miền Tây sốt giá

Ngày 12/01/2013 05:51 AM (GMT+7)

Giá nhiều loại trái cây Tết tại miền Tây đã tăng gấp rưỡi, số đông nhà vườn đang hy vọng một năm ăn tết lớn nhờ trúng giá.

Tuy nhiên, không ít chủ vườn luyến tiếc vì đã trót “bán trái non” hoặc không có trái cây để đón mùa sốt giá.

Lão nông Nguyễn Văn Ba ở ấp Phú Lễ A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nói rằng năm nào cũng vậy, cứ cuối tháng 11 âm lịch là ghe của lái mua bưởi dập dìu, chộn rộn cả con rạch Ngã Lá từ Phú Lễ A xuống tận xã Xuân Hoà, huyện Kế Sách, Sóc Trăng gần cả chục cây số. Vậy mà năm nay, giá bưởi gần như ở mức cao suốt cả năm nhưng con “rạch bưởi” này lại vắng vẻ.

Khó mua, giá cao

Ông Ba có 1,2ha trồng bưởi, song đã phải đốn bỏ từ hồi năm ngoái để trồng mía. Ông giải thích: “Bưởi có giá, nhưng vườn bưởi già cỗi quá đành phải cải tạo lại nhằm giảm bớt mầm bệnh và dùng cây mía để cải tạo đất”.

Chủ nhiệm hợp tác xã Phú Thành (xã Phú Tân) Võ Trường Hận, nói: “Nhiều vườn bưởi đã trên 50 năm, đang có dấu hiệu lão dần, sản lượng thấp, chất lượng trái giảm sút. Các loại bệnh trên cây có múi, cũng như sâu đục trái làm mất đi 1/3 sản lượng. Do vậy, các chủ vườn đã mạnh tay đốn bỏ để cải tạo lại”.

Theo ông Hận, hợp tác xã Phú Thành có 269ha đất chuyên canh bưởi Năm Roi, tới thời điểm này đã có trên 200ha bưởi được các chủ vườn cải tạo lại. Chính vì vậy, sản lượng bưởi tết trong nội bộ xã viên hiện ước chỉ còn khoảng 600 tấn. Hiện tại, giá bưởi chưng tết (cho thu hoạch sau 20 tháng chạp) loại 1,2kg/trái trở lên, mẫu mã, cành lá đẹp… lái mua khoảng 20.000 đồng/kg. Ai có bưởi, lái tới đặt tiền cọc liền.

Tại xứ sở bưởi Năm Roi thuộc tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ nhiệm hợp tác xã bưởi Năm roi Mỹ Hoà (xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh) cho biết: “Tình trạng sâu đục trái khiến sản lượng bưởi tết năm nay giảm chỉ còn bằng phân nửa năm rồi”. Đây là nguyên nhân chính khiến giá bưởi trái càng cận tết càng tăng. Nếu cách nay một tháng, giá bưởi cắt cành loại 1 (trọng lượng 1,2kg/trái trở lên) được thương lái mua tận vườn với giá 17.000 – 18.000 đồng/kg, thì nay muốn mua được bưởi đẹp phải trả 20.000 – 22.000 đồng/kg hoặc cao hơn. Giá bưởi mua sô (bao kích cỡ) ở mức 14.000 – 15.000 đồng/kg trở lên, nhưng rất khó tìm mua.

Ông Phạm Văn Lành ở xã Tân Thành, Lai Vung, Đồng Tháp trồng sáu công (6.000m2) quýt đường. Với giá quýt hiện 28.000 – 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so cách nay một tháng, ông Lành nói: “Giá quýt này nhà vườn kiếm sống được!” Kiếm sống theo cách nói của ông Lành là khoảng chênh lệch cao hơn 2/3 so với giá thành. Huyện Lai Vung có khoảng 700ha quýt đường, trong đó 500ha đang cho trái, năng suất khoảng 25 – 30 tấn/ha.

Thất mùa, trái xấu

Ông Nguyễn Thanh Tâm, nhà vườn ở xã Xuân Hoà, huyện Kế Sách, Sóc Trăng năm nào cũng đón dịp chợ tết với khoảng 5 tấn bưởi Năm Roi. Tuy nhiên, theo ông Tâm, trái bưởi năm nay không đẹp lắm do vỏ xấu, cuống trái thiếu lá, bình quân trọng lượng chỉ khoảng 1kg/trái. vậy mà ông Tâm cho hay: “Cách nay hơn tháng, thương lái đến ngã giá mua cả vườn bưởi tết với giá 40 triệu đồng, nhưng tui không chịu bán. Hai tuần trước thương lái quay trở lại nâng giá lên 44 triệu đồng và xin được đặt tiền cọc trước. Ai ngờ mình bán rồi mà giá vẫn tiếp tục lên!”

Mất mùa, khiến lái cũng vất vả trong việc săn tìm bưởi tốt cho mùa tết này. Vựa bưởi của ông Lý Tâm Ý (ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) mùa này mọi năm mỗi ngày mua gom 40 – 50 tấn, trong đó có gần phân nửa bưởi đẹp. Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngày chỉ gom được khoảng 10 tấn bưởi, trong đó lựa ra cũng chỉ được khoảng 1/3 bưởi đẹp.

Riêng đặc sản quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cách nay một tháng, thương lái tìm đến các chủ vườn đặt cọc mua quýt tết (thu hoạch sau 23 tháng chạp) 20.000 – 22.000 đồng/kg. Hiện tại giá quýt hồng đang cạnh tranh mua ở mức trên 25.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tăng. Sản lượng quýt hồng dịp tết năm nay, theo ước tính của ngành nông nghiệp huyện, chỉ khoảng 1/3 năm rồi khiến không ít chủ vườn bối rối trong việc lựa chọn: có nên tiếp tục neo trái chờ giá lên thêm nữa hay không.

Tin tức đang được đọc nhiều nhất:

Theo Ngọc Tùng (SGTT)
Nguồn: