Rau nhút từ lâu đã là món ăn quen thuộc trong những nồi lẩu, nồi canh chua nóng hổi ở mỗi gia đình hoặc quán nhậu ở miền Nam bởi vị dai, giòn giòn đặc trưng và thanh mát.
Nếu như trước đây rau nhút cung cấp cho Sài Gòn chủ yếu ở miền Tây thì những năm gần đây, thương lái không cần phải đi xa nữa mà có thể đến cánh đồng rộng mênh mông ở phường Thạnh Xuân, quận 12 để thu mua rau nhút. Từ đây, rau nhút không chỉ có mặt ở các chợ Sài Gòn mà còn tỏa đi các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và các khu vực lân cận.
Người trồng rau nhút đa phần là người miền Bắc di cư vào Nam sinh sống, một số khác là người gốc Khmer ở miền Tây. Vì đã vốn quen với ruộng đồng nên công việc trồng rau nhút dù có cực nhọc, quanh năm ngâm mình dưới nước, bùn sình vẫn làm họ hài lòng. Quan trọng hơn, họ kiếm được nguồn thu nhập kha khá để tằn tiện gửi về gia đình và nuôi các con ăn học.
Một cánh đồng rau nhút rộng lớn ở phường Thạnh Xuân, quận 12.
Như dịp tết vừa rồi, gia đình nào cũng cắt cử người ở lại để thu hoạch rau nhút bỏ cho các lái buôn. “Rau nhút thu hoạch quanh năm. Về quê ít ngày không thu hoạch kịp thì rau già hết phải vứt bỏ đi tiếc lắm nên phải nhờ thằng em trông hộ” - anh Hiền (quê Hà Bắc, Bắc Giang) chia sẻ.
Hơn năm năm trước, anh Hiền vào Sài Gòn mưu sinh bằng đủ thứ nghề như chạy xe ôm, làm mướn cho chủ đất. Anh lân la thuê đất rồi trồng rau nhút bằng cách học hỏi những người đi trước. Nhờ trồng rau nhút mà anh nuôi khỏe bốn đứa con ăn học ở quê. “Một bó rau nhút 6-7 kg có giá 30.000 đồng. Mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 30 đến 35 bó, trừ đi các chi phí thuê đất thì dư khá, khỏe hơn làm ruộng ở quê nhiều” - anh Hiền cho hay.
Rau nhút nổi trên mặt nước nhờ những cái phao trắng bao bọc phía ngoài. Khi chế biến, người ta lột bỏ cái phao để lại cọng rau xanh mướt bên trong. Ruộng rau nhút luôn luôn có bèo để làm ấm rau, nuôi rau cho đẹp, tránh bị ốc ăn.
Còn ở ven cánh đồng rau nhút ở tổ 33, khu phố 2 tập trung vài chục người gốc Khmer quê Trà Vinh sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rau nhút. Dịp tết vừa qua, họ cũng ở lại đây để thu hoạch rau nhút chứ không về quê bởi lẽ tết cổ truyền của dân tộc họ sẽ diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch.