Ngày càng có nhiều người tận dụng ban công để trồng rau sạch trong các thành phố lớn. Nếu bạn đang băn khoăn thì có thể tham khảo 2 loại rau đại bổ là “khắc tinh” của ung thư, vừa dễ trồng lại sớm thu hoạch.
I. Cách trồng lá hẹ thu hoạch quanh năm
Lá hẹ không chỉ là nguyên liệu nấu ăn ngon mà còn có dược tính mạnh, được sử dụng nhiều trong y học: bổ thận, giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy tiêu hóa. Loại rau này cũng chứa nhiều vitamin và chất xơ thô, có tác dụng trị táo bón, ngăn ngừa ung thư ruột kết. Đồng thời, lá hẹ cũng có công dụng làm tan huyết ứ, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải độc.
1. Cách gieo hạt cây hẹ
- Bước 1: Xử lý hạt trước khi gieo bằng cách ngâm vào nước ấm 35-37 độ C hoặc pha nước theo tỉ lệ 2 sôi : 3 lạnh trong 4-5 giờ.
- Bước 2: Sau khi gieo hạt, rải nhẹ một lớp đất mặt và ủ lên một lớp rơm rạ mỏng rồi tưới đủ ẩm.
- Bước 3: Sau khi cây hẹ mọc 5-10 ngày, nên bón thêm phân urê cho hạt tiếp tục phát triển.
- Bước 4: Khi cây hẹ cao 10-15cm, có thể nhổ mang đi trồng.
2. Cách trồng lá hẹ từ thân/củ
- Bước 1: Chọn kỹ các nhánh củ khỏe và chuẩn bị đất trồng tơi xốp cho vào trong dụng cụ trồng.
- Bước 2: Trồng hẹ vào đất theo từng nhánh, cách nhau 8-10cm, vun và lấp đất vừa kín, dùng tay ấn đất cho chặt
- Bước 3: Phủ rơm rạ mục và tưới nước.
- Bước 4: Sau khoảng 5-7 ngày, nhánh hẹ sẽ mọc mầm.
3. Cách chăm sóc cây hẹ sau khi trồng
- Sau khi trồng hẹ 7-10 ngày, tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ. Nếu có các loại phân trùn quế, phân gà, phân chuồng... thì bạn cũng có thể tận dụng.
- Thường xuyên nên nhổ tỉa cây mọc quá dày để chuyển sang trồng vào chỗ thưa.
- Phải tưới nước 3 lần/ngày trong thời gian đầu sau khi trồng. Đến khi nào cây hẹ bén rễ và phát triển tốt thì giảm lại còn 2 lần/ngày.
- Thường xuyên xới đất, vun gốc và nhỏ bớt cỏ để tập trung dinh dưỡng vào cây hẹ.
- Khoảng sau 55-60 ngày, bạn có thể thu hoạch được lá hẹ. Khi cắt lá, bạn nên chừa lại một đoạn cách mặt đất 2-3cm, rồi sau đó tiếp tục tưới phân thúc cây hẹ phát triển lá và củ.
4. Cách thu hoạch lá hẹ
Đối với trồng hẹ ở quanh nhà, trong chậu thì có thể thu hoạch quanh năm. Nếu chỉ lấy lá, thì phải cắt ngang thân hẹ (cách gốc 2-3cm) và tiếp tục tưới nước để hẹ ra lá non rồi lại phát triển lại bình thường. Còn nếu thu hoạch cả cây thì phải tỉa từng cây một, sau làm thành bó.
5. Phương pháp để giống hẹ cho mùa vụ sau
- Để giống bằng củ:
+ Giữ lại cây khỏe và bón thêm lân, tro bếp, vun gốc, tưới nước để củ phát triển thêm.
+ Chờ cho đến khi củ hẹ già, chắc, lá xanh tán bớt thì nhổ cả cụm rồi buộc túm treo lên.
+ Phơi hẹ giống trong bóng râm rồi mới phơi nắng.
+ Củ hẹ rất dễ bị thối nên phải thường xuyên kiểm tra, không nên dồn củ hẹ thành đống vì dễ làm thối củ.
- Để giống bằng hạt:
Đợi cho đến khi quả già thì hái về, chà vỡ quả để lấy hạt phơi khô, để nguội rồi cho vào chai lọ đậy kín để giành cho vụ sau.
Phương cách này ít được áp dụng vì thời gian đợi chờ cây ra trái kết quả rất lâu và không thể giải phóng đất cho các cây khác.
II. Cách trồng nấm sạch tại nhà
Nấm được mệnh danh là "đệ nhất thực phẩm chống ung thư" với hoạt chất polysaccharide có thể thúc đẩy sản sinh các kháng thể có tác dụng ngăn ngừa nhiều loại ung thư như: ung thư gan, ung thư bạch huyết và ung thư đường ruột. Nấm hương không chỉ chứa nhiều β-D-Glucosidase mà còn có thành phần của chất cảm ứng interferon có thể xâm nhập vào tế bào ung thư ức chế sự phát triển của khối u.
1. Chuẩn bị nguyên liệu trước khi trồng
- Rơm khô (Đã được ngâm nước vôi qua đêm).
- Meo nấm (Lựa chọn giống nấm tốt để đạt năng suất và chất lượng tốt nhất).
- Rổ nhựa có lỗ xung quanh.
- Bột mì, cám gạo, bèo tây.
2. Các bước trồng nấm sạch tại nhà
- Bước 1: Trộn nấm với 1 thìa cà phê bột mì. Sau đó, chia hỗn hợp thành 2 phần đều nhau để trồng vào 2 rổ.
- Bước 2: Bỏ rơm vào rổ cao khoảng 2-3 cm và nhấn thật chặt. Tiếp theo, rắc một lớp mỏng cám gạo đã xay nhuyễn lên rơm.
- Bước 3: Rắc meo nấm vào giữa rổ để hoàn thành lớp thứ nhất. Mỗi rổ sẽ cần 3 lớp nên bạn tiếp tục thực hiện công đoạn bỏ rơm, rắc cám gạo và rắc meo nấm thêm 2 lần nữa.
- Bước 4: Phủ lên một lớp rơm khô cuối cùng là đã hoàn thành một rổ trồng nấm.
- Bước 5: Tưới nước lên rổ nấm sao cho nước ngấm vào rổ để giữ ẩm.
- Bước 6: Treo rổ nấm ở nơi thông thoáng, sạch sẽ, cao khoảng 8-10cm so với mặt đất. Không nên để rổ nấm nằm sát mặt đất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của meo nấm.
- Bước 7: Sử dụng khung tre hay lưới để che phủ rổ nấm để giữ ẩm.
3. Cách chăm sóc nấm sau khi trồng
- Rổ nấm cần được duy trì độ ẩm thường xuyên để giúp cho meo nấm phát triển.
- Ngày gieo thứ 4, vào buổi tối, bạn nên mở khung tre hay lưới che phủ để không khí được lưu thông trong khoảng 30 phút. Sự lưu thông không khí sẽ kích thích các sợi nấm phát triển mạnh mẽ.
- Từ ngày thứ 5 trở đi, mỗi tối, bạn hãy mở khung tre hay lưới che ra để rổ nấm được thông khí trong vòng 15 phút rồi đậy lại.
4. Cách thu hoạch và bảo quản nấm
- Nấm phát triển từ ngày thứ 7 nên bạn có thể thu hoạch nấm vào ngày thứ 9-12. Mỗi vụ bạn sẽ thu hoạch được từ 5-6 lần.
- Ngâm rơm khô qua đêm rồi xếp lên mặt đất để phơi khô. Tiếp tục, trộn 1 thìa bột gạo vào 1kg nấm rồi trải lên lớp rơm phơi khô. Sau đó, dùng túi nilon đen phủ lên nấm sao cho gió không lùa vào trong. Thường xuyên kiểm tra đống ủ.
+ Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, nên mở túi nilon ra từ 3-4 ngày để thông thoáng hơn.
+ Nếu độ ẩm thấp, nên tưới nước cho đống ủ để duy trì độ ẩm.
5. Những lưu ý khi trồng và chăm sóc nấm
- Lựa chọn meo giống chất lượng, có màu trắng, và mùi của nấm. Đồng thời, lựa chọn nguyên liệu trồng nấm chất lượng, không bị thối đen, nhiễm phèn hay mục nát.
- Tưới nước sạch. Tránh nước phèn, nước mặn hay nước bẩn sẽ làm meo nấm bị hư hỏng.
- Khi xuất hiện các tơ trắng: Nên tưới nước để cung cấp độ ẩm, giúp nấm phát triển mạnh mẽ.
- Khi nụ nấm phát triển lớn hơn: Nên tưới ít nước lại và tưới vào lúc chiều mát là tốt nhất.
- Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm của nấm để xử lý kịp thời các tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng nấm.