Những thiết bị gia dụng nào đang dần bị loại bỏ? Bạn hãy tìm hiểu xem nhé.
Công nghệ đang phát triển nhanh chóng và các thiết bị gia dụng liên tục được cập nhật. Những sản phẩm từng được ưa chuộng có thể đang âm thầm bị khai trừ. Vậy những thiết bị gia dụng nào từng gây sốt nhưng hiện đang bị thay thế bởi những sản phẩm mới?
1. Máy giặt sấy
Khi mức sống được nâng cao, máy giặt đã trở thành thiết bị gần như không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngày càng có nhiều loại máy giặt hơn, đa dạng từ mẫu mã tới công năng. Từ chức năng giặt, vắt ban đầu đến những chiếc máy giặt tích hợp sấy khô, mang tới sự tiện lợi vô cùng lớn cho con người.
Máy giặt sấy thường được thiết kế như một chiếc máy giặt lồng ngang thông thường. Nó là trợ thủ đắc lực cho những gia đình có không gian nhỏ, những người thích sự gọn gàng, ngăn nắp và không muốn việc treo phơi quần áo gây mất mỹ quan. Đồng thời giúp tiết kiệm thời gian phơi đồ.
Tuy nhiên, sự phát triển của bất kỳ món đồ công nghệ nào cũng có nhược điểm và máy giặt sấy cũng không phải là ngoại lệ. Khi sử dụng máy giặt sấy, quần áo dễ bị nhàu hơn. Thậm chí, nếu không chọn nhiệt độ sấy phù hợp với từng loại đồ thì quần áo có thể bị hỏng, biến dạng.
Có người từng phàn nàn rằng, chị từng rất hào hứng khi mua một chiếc máy giặt sấy. Không ngờ sản phẩm tưởng chừng như công nghệ cao này lại khiến chị thất vọng. “Nó làm khô quần áo khá chậm so với máy sấy thông thường. Điều tệ hơn nữa là quần áo sau khi sấy luôn nhăn nheo khiến tôi đau đầu”, người phụ nữ nói.
Không chỉ vậy, chị còn phát hiện chiếc máy giặt sấy này còn có vấn đề nghiêm trọng về chất lượng. Một vài chiếc áo len của chị đã bị co lại và biến dạng.
Có người thì kêu ca hiệu quả sấy của máy giặt sấy rất kém với những quần áo lớn, dày. Quần áo khó khô hẳn, thường để lại hơi ẩm, lâu ngày sẽ bị ẩm mốc và có mùi hôi. Chính vì sự bất tiện này mà máy giặt sấy đang dần dần bị loại bỏ.
Nhiều người khuyên rằng, nên mua tách biệt máy giặt và máy sấy. Như vậy không chỉ có tác dụng giặt tốt, tốc độ sấy nhanh mà còn bảo vệ được kết cấu của quần áo. Tuy nhiên, khi mua 2 máy thì giá thành hơi cao và tốn diện tích hơn.
2. Tủ lạnh trực tiếp
Có 2 loại tủ lạnh phổ biến trên thị trường hiện nay là tủ lạnh trực tiếp và tủ lạnh gián tiếp. Tủ lạnh trực tiếp là tủ lạnh trang bị hệ thống làm lạnh trực tiếp với các dàn lạnh được gắn ngay bên trong thành tủ. Dựa vào cơ chế đối lưu gió, hơi lạnh được đưa trực tiếp tới các cửa dẫn, sau đó đưa đến ngăn tủ để làm lạnh thực phẩm.
Trước đây, tủ lạnh trực tiếp là sản phẩm chủ lực của tủ lạnh gia đình, nhưng ngày nay nó dần bị loại bỏ khỏi thị trường. Vì nhược điểm của dòng tủ lạnh này là đóng băng nhiều. Sau một thời gian sử dụng, một lớp sương dày sẽ tích tụ ở thành trong của tủ lạnh, khiến không gian lưu trữ bị thu hẹp lại và bạn không thể cất giữ nhiều thực phẩm.
Vì hay đóng băng nên bạn cũng mất nhiều thời gian để xả tuyết và vệ sinh tủ. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh trực tiếp bị mất dưỡng chất, không giữ được độ tươi ngon.
Ngược lại, tủ lạnh gián tiếp là tủ lạnh sử dụng hệ thống làm lạnh gián tiếp, ẩn sâu bên trong thân tủ có quạt dàn lạnh giúp thổi hơi lạnh lan tỏa đều khắp nơi. Nhờ đó, hơi lạnh được dẫn từ dàn lạnh tới các ngăn tủ để làm lạnh thực phẩm.
Với loại tủ lạnh này, bạn không cần lo bị đóng tuyết vì tủ có khả năng xả tuyết tự động 6 giờ/lần, giúp bảo quản thực phẩm tươi ngon hơn, hạn chế mất chất dinh dưỡng, ít bị đóng đá và không gian lưu trữ không bị thu hẹp. Tuy nhiên, loại tủ lạnh này tiêu hao nhiều điện năng hơn so với tủ lạnh trực tiếp, vì vậy bạn nên chọn những dòng tủ lạnh gián tiếp mà tiết kiệm điện.
3. Lò vi sóng
Cách đây hơn chục năm, lò vi sóng còn là thứ mới lạ, ở nông thôn lại càng hiếm, nhà nào có một chiếc thì được coi là nhà giàu. Thiết bị này giúp hâm nóng đồ ăn một cách dễ dàng, tiện lợi, chỉ cần cho vào bên trong, xoay nút rồi đợi vài phút là được, không cần phải mất công bật bếp và đổ thức ăn vào nồi để nấu lại.
Tuy nhiên, thiết bị này chỉ có chức năng hâm nóng và rã đông chứ không thể nướng hoặc hấp. Vì vậy so với những thiết bị đa chức năng thì “khả năng” của lò vi sóng còn khá hạn chế.
Ngoài ra, không phải tất cả các nguyên liệu, chất liệu đều có thể cho vào lò vi sóng. Chẳng hạn như trứng tươi, ớt, đồ inox, nhựa, giấy nhôm,… đều không thể cho vào trong lò vi sóng, vì có thể gây nguy cơ phóng điện và nổ, làm chảy nhựa gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ, lò vi sóng đã “hết thời” và được thay thế bằng những thiết bị cao cấp hơn. Ví dụ như lò nướng tích hợp lò vi sóng, nồi chiên không dầu,… những thiết bị này vừa có thể chế biến món ăn, vừa có thể hâm nóng và rã đông thực phẩm, giúp tiết kiệm không gian và tiện lợi hơn khi sử dụng.
4. Máy hút mùi
Máy hút mùi giúp hút khói dầu tạo ra trong quá trình nấu nướng, tránh để khói dầu tích tụ xung quanh khu vực bếp cũng như gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng ngày nay, máy hút mùi truyền thống không còn được sử dụng rộng rãi nữa vì nó tạo ra tiếng ồn trong quá trình sử dụng.
Đồng thời, nó đòi hỏi phải vệ sinh, bảo trì thường xuyên, nếu không máy hút mùi sẽ bị tích nhiều dầu và bụi bẩn, ảnh hưởng đến hiệu suất của thiết bị. Khi một lượng lớn khói dầu được tạo ra trong quá trình nấu, máy hút mùi truyền thống cũng không thể hấp thụ khói dầu một cách hiệu quả.
Ngày nay, máy hút mùi truyền thống dần được thay thế bằng bếp tích hợp. Thiết bị này tiết kiệm diện tích hơn, giúp căn bếp gọn gàng và có tính thẩm mỹ hơn. Ngoài ra, hiệu quả hút khói dầu tốt hơn, dễ vệ sinh và bảo trì.