Bàn thờ ông Công ông Táo không chỉ thờ một vị thần mà thờ ba vị thần với ba danh hiệu khác nhau. Trong bài vị người ta để cả danh hiệu của ba vị thần này.
Theo quan niệm từ xưa truyền lại, mỗi gia đình có riêng một Thổ công (tức Táo quân) là vị thần có nhiệm vụ ghi chép mọi việc tốt xấu xảy ra trong mỗi gia đình. Vị Thổ công này mỗi năm đều được thay thế vào ngày 23 tháng Chạp. Ngày này ở Việt Nam gọi là ngày ông Táo chầu trời hoặc là ngày Tết ông Công ông Táo.
Trong ngày này, các gia đình làm cỗ cúng rồi đốt bài vị cũ thay bài vị mới. Sau khi cúng xong, ông Táo lên chầu Thượng đế để báo cáo những điều tai nghe mắt thấy ở trần thế mà mình đã ghi chép được.
Để chuẩn bị cho ông Táo lên trời, thời xưa các gia đình sẽ đốt vàng mã, mũ áo, hia và phóng sinh một con cá chép để làm “ngựa” cho ông Táo cưỡi. Người ta tin rằng sau khi cúng, cá sống cùng tro của vàng mã mũ áo được đổ ra sông hay ao hồ thì ông Công sẽ nhận được. Con cá sau khi phóng sinh sẽ hóa rồng để đưa ông Công lên trời.
Do ý nghĩa của lễ là như vậy nên để sắm lễ cúng ông Táo, trước hết phải mua mũ, áo, hia. Mũ Thổ công phải có 3 chiếc gồm 1 chiếc đàn bà và 2 chiếc đàn ông. Màu sắc của mũ thì tùy theo nạp âm ngũ hành của năm mà chọn.
Mũ Thổ công có 3 chiếc gồm 1 chiếc đàn bà và 2 chiếc đàn ông. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho biết: “Lễ vật cúng Táo quân bao gồm: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc, trong đó có 2 mũ đàn ông, 1 mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo có 2 cánh chuồn, mũ Táo bà không có cánh chuồn.
Những mũ này được trang trí với các gương nhỏ hình trong lóng lánh cùng giấy kim tuyến sặc sỡ. Ngày nay, người ta đã giản tiện hơn bằng cách cúng tượng trưng 1 cỗ mũ ông Công kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy”.
Bàn thờ ông Công ông Táo rất đơn giản, chỉ có một hương án (tức là cái bàn thờ) kê liền với tường sau. Trên hương án đặt một bàn hoặc cái kệ nhỏ để đặt 3 đài rượu. Đằng sau chiếc bàn thờ nhỏ này là bài vị được kê cao, có khi gia chủ không đặt bài vị thì dùng 3 cỗ mũ.
Các mũ này gồm 1 mũ đàn bà ở giữa và hai mũ đàn ông ở hai bên. Cũng có khi bàn thờ hẹp thì gia chủ chỉ đặt một mũ. Ở phía trước kệ nhỏ đặt bát hương hoặc đỉnh trầm. Hai bên bát hương là đôi nến hoặc cây đèn dầu, cũng có thể đặt đôi ống hương.
Bàn thờ ông Công ông Táo. (Ảnh minh họa)
Bàn thờ ông Công ông Táo không chỉ thờ một vị thần mà thờ ba vị thần với ba danh hiệu khác nhau. Trong bài vị người ta để cả danh hiệu của ba vị thần này. Mỗi vị thần trông coi một công việc riêng biệt. Thổ công trông coi việc bếp núc, Thổ địa trông coi việc trong nhà, Thổ kỳ trông nom việc chợ búa cho phụ nữ hoặc việc sinh sản các vật ở vườn đất.
Bài vị của ba vị thần viết như sau:
Bản gia đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân.
Bản gia Thổ Địa Long mạch tôn thần.
Bản gia Ngũ phương ngũ thể phúc đức chính thần.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cũng cho hay, sau khi tiễn Táo quân, gia chủ bắt đầu được quét dọn hay còn gọi là “quét tàn tinh”. Tuy nhiên, nhà nào năm đó có tang thì không được quét, kiêng khói bụi bay vào mắt người đã chết.
Quét dọn xong, gia chủ sẽ tiến hành “lau rửa”. Không chỉ có ý nghĩa làm vệ sinh môi trường xung quanh, nó còn có ý nghĩa tạo sự thanh tịnh trong thâm tâm, phản tỉnh những sai lầm mắc phải trong cả năm.
*Thông tin trong bài viết mang tính tham khảo!