Áp dụng phương pháp thủy canh, cây dưa lưới nhà anh Hậu (TP.HCM) cho ra trái khủng nặng vài kg.
Thủy canh là kỹ thuật trồng cây không cần đất mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng. Công nghệ này giải quyết được nhiều vấn đề mà phương pháp bình thường không thể so sánh được như ít tốn nước, không lệ thuộc vào nguồn đất, năng suất cao, chất lượng cao nên đặc biệt phù hợp với đô thị.
Dung dịch thủy canh được pha chế cung cấp dưỡng chất cho cây ở từng thời điểm và được chuẩn hóa quốc tế nên không hề gây độc hại cho người sủ dụng. Ở các quốc gia có nền nông nghiệp gắn liền với công nghệ cao như Nhật Bản thì thủy canh đã có từ rất lâu. Thái Lan cũng đón đầu công nghệ trồng rau này từ 20 năm trước. Tại Việt Nam, phương pháp trồng rau thủy canh mới bắt đầu nhen nhóm trong vài năm trở lại đây.
Tuy đầu tư thuỷ canh khá tốn kém ban đầu nhưng rất tiện dụng và sử dụng được lâu bền. Tất cả các loại cây rau, cây hoa, cây cảnh đều hoàn toàn có thể áp dụng mô hình trồng rau thủy canh. Ví dụ như hệ thống trồng salad và dưa lưới có tuổi thọ lên đến 20 năm.
Anh Hậu (TP.HCM) đã áp dụng phương pháp trồng rau thủy canh tại nhà được hai năm và đạt được những kết quả đáng ngưỡng mộ. Thậm chí, có những dịp anh còn sang Thái Lan để học hỏi phương pháp trồng rau mới để phát triển khu vườn nhà cũng như chia sẻ được cho nhiều người mong muốn có rau sạch tự trồng.
Dưới đây là hướng dẫn trồng dưa lưới thủy canh tại nhà của anh Hậu (TP.HCM) để cho nhiều trái, quả khủng.
Chuẩn bị:
1. Bồn nước
Bồn nước chứa dinh dưỡng và máy bơm. Nhiều gia đình kết hợp nuôi cá để tận dụng luôn máy bơm và nước hồ cá.
Máy bơm công suất nhỏ tiết kiệm điện và sử dụng bền lâu
2. Dụng cụ ươm hạt
Viên nén ươm hạt gồm mụn dừa, chất dinh dưỡng và vi sinh có sẵn được bán với giá 55.000 đồng/hộp 72 viên. Để sử dụng, bạn chỉ cần đổ nước vào, viên nén sẽ nở lên gấp 5 lần.
3. Giá thể - rọ trồng
- Rọ trồng bảo đảm có đủ chỗ để rễ phát triển.
- Giá thể được chọn là đất nung giúp giữ ẩm tốt và thoát nước tốt. Bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán cây cảnh.
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể sử dụng gạch nung xây nhà để làm giá thể, và ly nhựa để làm rọ trồng.
4. Dinh dưỡng thuỷ canh
- Dinh dưỡng thủy canh giúp cung cấp đủ các chất dinh dưỡng đa vi lượng và các axit amin cần thiết cho cây trồng. Có hai lọ bổ sung cho nhau là A và B với giá hai lọ khoảng 140.000 đồng, pha được 300 - 400 lít nước. Khi sử dụng, bạn pha riêng 2ml dung dịch A với một lít nước và 2ml dung dịch B vào một lít khác, tránh trộn lẫn với nhau.
Dinh dưỡng thuỷ canh có thể tìm mua ở các shop bán cây cảnh, shop thủy canh
5. Dụng cụ đo pH - dinh dưỡng (dành cho những gia đình thích chuyên nghiệp)
- Nồng độ dinh dưỡng được điều chỉnh nhiều hay ít tùy thuộc vào nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây. Cây con thì nhu cầu sử dụng ít dinh dưỡng hơn cây đang ra trái. Dụng cụ E.C giúp đo dinh dưỡng. Độ E.C của dưa lưới dao động khoảng từ 1,2 (cây con) - 2,5 (ra trái).
- Độ pH quyết định sự sinh trưởng của cây. Mức pH lý tưởng cho dưa lưới là 6,2 - 6,5.
6. Nguồn nước - Nguồn điện
Nguồn nước trồng phải là nguồn nước sạch. Nguồn điện nên ổn định để máy bơm hoạt động tốt.
Thực hiện:
- Viên nén ươm hạt sau khi ngâm vào nước 5 phút sẽ nở ra gấp 5 lần. Ngoài ra các bạn có thể tìm xơ dừa, tro trấu hoặc các giá thể khác để ươm cây. Sau khi gieo hạt khoảng một tuần, mầm ươm được bốn lá thì bắt đầu đem ra giỏ trồng.
- Hàng ngày tưới dung dịch thủy canh. Bạn có thể dùng dụng cụ đo pH, độ dinh dưỡng hoặc tính toán theo tỉ lệ sau đây:
Cây non |
A + B 2ml / 1 lít nước |
2 tuần |
2,5ml / 1 lít nước |
4 tuần |
3,5ml / 1 lít nước |
6 tuần |
3 ml / 1 lít nước |
8 tuần |
3,5 ml / 1 lít nước |
Phía trên cần có giàn khung để buộc dây cho dưa leo lên khi phát triển và để treo giữ khi trái lớn
Giai đoạn cây con phát triển sẽ sinh ra các nhánh xung quanh rất nhiều. Các bạn tỉa hết và chỉ chừa lại một nhánh chính
Cây phát triển đến khi ra lá thứ 5-7 tính từ gốc lên các bạn có thể để trái...
Nếu không có ong bướm đến vườn, các bạn phải tự ngắt hoa đực để thụ phấn cho hoa cái đậu trái.
Việc thiết kế hệ thống bảo đảm nước được cung cấp đủ đến từng chậu và có lối thoát
Lượng nước dinh dưỡng chưa sử dụng hết sẽ được thu hồi về bể chứa và được bơm tuần hoàn cấp lại cho cây. Điều này giúp tiết kiệm lượng nước khá lớn và tận dụng được hết các chất dinh dưỡng nhờ được bơm đi, bơm lại nhiều lần.
Trước thu hoạch một tuần, các bạn có thể thêm một 100g phân kali vào bồn dinh dưỡng để tăng độ ngọt cho trái.
Những trái dưa trồng thủy canh khủng trong vườn sân thượng thủy canh nhà anh Hậu
Ngoài ra, anh còn trồng nhiều loại cây thủy canh khác như dưa leo, dưa hấu, cà chua,...
Con trai anh hồ hởi bên những trái dưa leo bố trồng
Khổ qua to bằng bắp tay người lớn
Anh Hậu bên trái dưa hấu trồng theo phương pháp thủy canh của mình