Chiếc vỏ bình trà giữ ấm bằng trái dừa, xưa là vật dụng gắn bó lâu đời với người dân miền Tây Nam bộ trong những năm khốn khó.
Nay, kinh tế phát triển, đời sống vật chất được đầy đủ hơn, chiếc bình thủy đẹp đẽ, đắt tiền đã thay thế hẳn chiếc vỏ bình trà bằng trái dừa. Bỗng, một hôm…
Tôi đi ngang qua cầu Rạch Miễu (Bến Tre) thấy có một gian hàng bán toàn đồ thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ dừa. Vào trong gian hàng thấy có chiếc vỏ bình trà, tôi chợt nhớ về nội trong những năm khó khăn. Nội hay ngồi một mình trầm ngâm bên chiếc vỏ bình trà.
Quê tôi xã Giao Long, tỉnh Bến Tre, trước giải phóng là nơi chịu nhiều bom đạn chiến tranh. Sinh ra và lớn lên trong vùng quê nghèo khó, nhà tôi khi ấy có 2 công đất trồng dừa. Gia đình tôi rất khó khăn, ba phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày đề nuôi anh em chúng tôi ăn học. Thế rồi, gia đình tôi rời quê lên thành phố làm lao động phổ thông kiếm sống. Riêng nội vẫn “bám trụ” giữ gìn mảnh đất quê của cha ông để lại.
Chiếc vỏ bình trà bằng trái dừa do nội tôi làm từ ngày nào, nay vẫn được bác Hai sử dụng (ảnh: BCT)
Hòa bình lập lại, mọi người tất bật trở về quê cũ, trong đó có gia đình tôi. Mừng rỡ khi gặp lại nội, và càng hạnh phúc hơn khi thấy sức khỏe và tinh thần nội vẫn cường tráng. Nhưng thấy nội quá quá vất vả, suốt ngày lầm lũi bên mấy gốc dừa, tôi khuyên ông nên giữ gìn sức khỏe. Nội cười khà, nói:”Làm lao động, ông thấy khỏe người ra, nếu ở không sinh bệnh đó, cháu ạ!”. Và, ông còn cho biết, để có “đồng ra, đồng vào”, ngoài hoa lợi từ vườn, hiện nay ông còn làm những chiếc vỏ bình trà bằng vỏ dừa để bán nữa.
Như để chứng minh điều đó, nội liền cho tay vào tủ lấy ra gần chục cái vỏ bình trà bằng trái dừa cho tôi xem. Nhìn những chiếc vỏ bình trà bằng trái dừa xinh xắn, tôi rất thán phục tài khéo léo của ông. Thấy tôi thật sự ngưỡng mộ, nội xoa đầu tôi nói: “Thích không, nếu thích, cháu xin phép ba má xuống đây ở hẳn với ông vài tuần, ông sẽ truyền nghề cho”. Chiếc vỏ bình bằng trái dừa nhìn bề ngoài tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất hữu ích vì giữ được độ ấm khá lâu. Nhờ thế mà nội tôi cũng luôn có được miếng trà nóng uống trong đêm khuya lạnh lẽo, mà lại có thêm thu nhập trong lúc đời sống khó khăn.
Giữ y lời hứa với nội, sau khi thu xếp công việc, tôi quay về cùng nội hàng ngày ra vườn làm những công việc lặt vặt, mang những vật dụng (đục, cưa, búa nhỏ…) ra trước hàng hiên để “sản xuất vỏ bình trà. Nội hướng dẫn tôi tỉ mỉ từng công đoạn, từ việc phải leo lên cây dừa chọn trái dừa khô (da đã chuyển màu nâu) tròn trịa, gáo to (thường là dừa bị), 3 cạnh đáy phải đều nhau, tránh loại dừa rụng, da bị giập. Dùng phấn (hoặc bút chì) phân mực trên trái dừa, dùng cưa cắt phần nắp và phần đáy cho thẳng đều để khi đặt vỏ bình không bị nghiêng. Đây là khâu quan trọng nhất, nếu cắt sai coi như hỏng tất cả.
Kế đến, dùng bàn nạo (hay dao) lấy cơm dừa ra phơi khô (hoặc thắng dầu) bán. Tiếp đến, dùng đục xởi bỏ phần gáo dừa bên trong sao cho cho vừa vặn với bề hoành bình trà có sẵn (loại: ½ lít, 1 lít, v.v...), và nên nhớ giữ lại một phần gáo trong vỏ để vỏ bình khô không nứt. Riêng phần tay cầm trên nắp, chọn những trái dừa non cắt lấy núm, đục lỗ phần giữa nắp dán keo vào. Cuối cùng, dùng dầu bóng (hoặc vec-ni) phủ lên bề mặt vỏ là xong!. Nhưng theo nội, để giữ được hồn cốt của trái dừa khô nguyên thủy, mang nét đẹp dân dã đáng yêu không nên khắc vẽ những hoa văn, họa tiết hoặc phủ lên những lớp sơn lòe loẹt!...
Nghề làm vỏ bình trà bằng trái dừa tuy không vất vả lắm, nguyên liệu lại có sẵn nhưng cũng chỉ phát triển ở vùng quê tôi khoảng vài năm, sau này do công ít nên gần như bỏ nghề.
Vừa mới đây, tôi lại về thăm quê. Gặp bác Hai - người kế thừa chăm sóc mảnh vườn dừa và ngôi nhà thờ tổ. Bác ngồi nơi bàn uống trà, bên cạnh đó là chiếc vỏ bình trà bằng trái dừa do chính tay nội làm từ ngày nào và vẫn được gia đình sử dụng đến bây giờ, khiến đôi mắt tôi ươn ướt lúc nào không hay biết vì nỗi nhớ nội!...