Lưỡi hổ có 2 điểm yếu chí mạng là thừa nước và nhiệt độ quá thấp (dưới 5 độ C).
Mẹ đảm Đà Nẵng cải tạo sân thượng 20m2 để trồng rau sạch, chỉ tốn 5 triệu đồng
Vì khu vườn không quá lớn, chỉ khoảng 20m2 nên chị phải phân chia khu vực trồng rau thật hợp lý để tận dụng tối đa diện tích.
Ngắm nhìn những vườn rau xanh mướt chắc hẳn ai cũng thích thích mê, ao ước bản thân cũng có một vườn rau như vậy. Và, chị Cao Thị Minh Ngọc (38 tuổi, sống ở Đà Nẵng) cũng bị “lây nhiễm” đam mê làm vườn, trồng rau khi tham gia các hội nhóm trồng rau sạch trên mạng xã hội rồi bắt tay vào làm “nông dân sân thượng”.
“Mình bắt đầu trồng rau củ khi nhìn được hình ảnh dàn cà chua, dưa lưới và những hàng rau thẳng tắp ngăn nắp, sạch gọn trên sân thượng trong các hội nhóm trồng rau. Ước mơ làm vườn cứ thế lớn dần lên và sau đó mình đã học hỏi kinh nghiệm trồng rau, chăm sóc rau củ quả từ các hội nhóm hàng ngày để xây dựng, vun đắp cho khu vườn của mình”, chị Minh Ngọc chia sẻ.
Chị Minh Ngọc bắt đầu làm vườn trên sân thượng từ tháng 3/2023.
Mẹ đảm cho biết, chị bắt đầu làm vườn trên sân thượng vào tháng 3/2023. Khu vườn của chị nằm ở tầng 2, diện tích sử dụng là 20m2. Vì khu vườn không quá lớn nên chị phải phân chia khu vực trồng rau thật hợp lý để tận dụng tối đa diện tích.
Cụ thể, chị trồng các loại cây dây leo như bầu, bí, mướp, khổ qua (mướp đắng), dưa,… ở sát bờ tường rồi làm giàn cho cây leo lên. Phía dưới giàn, chị trồng các loại rau ăn lá, rau gia vị và các loại rau ngắn ngày theo mùa như rau cải, mồng tơi, rau dền, rau ngót, rau lang, cải ngọt, xà lách, rau đay, rau muống, bắp cải, cải xoăn, củ cải, ớt,.... Nhà thích ăn loại rau gì thì ưu tiên trồng loại rau đó.
Khu vườn đầy màu sắc của gia đình chị Minh Ngọc.
Về chi phí làm vườn, chị Minh Ngọc ước tính tốn khoảng 5 triệu đồng, chủ yếu là tiền mua sắt làm giàn và kệ kê chậu. Khi mua sắt về rồi, ông xã chị sẽ đích thân làm giàn sắt, kệ kê chậu nên tiết kiệm được kha khá chi phí. “Kê chậu cao lên để chậu thoát nước dễ dàng hơn, hạn chế được tình trạng nước thấm sàn, giúp sàn thông thoáng, dễ quét dọn hơn. Ngoài ra, việc kê chậu lên cao cũng là để vừa với tầm với, giúp việc gieo hạt, chăm sóc rau, thu hoạch dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, mình còn làm lỗ thoát nước cẩn thận để tránh nước đọng trên sân thượng, gây thấm sàn”, mẹ đảm chia sẻ.
Chị Minh Ngọc cho biết, bắt tay vào làm vườn rồi mới thấy trồng rau trên sân thượng có nhiều cái khó. Ngoài tốn sức lực khi khuân đất từ bên dưới lên sân thượng, chị còn phải đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.
Chị cho hay: “Nắng thì nắng rất gắt, gió ở miền Trung lại rất mạnh. Vào mùa mưa bão, mưa rất to và kéo dài. Do đó, vào mùa hè mình phải đảm bảo tưới nước thường xuyên để giữ cho đất ẩm. Để đối phó với mưa gió, mình dùng mái che bằng nilong, nhưng để che chắn cẩn thận vào mùa mưa bão thì rất khó. Vì thế mình ưu tiên trồng những loại cây phù hợp theo mùa mới mong có rau sạch ăn quanh năm được”.
Sau hơn một năm trồng rau trên sân thượng, chị Minh Ngọc đã “quen tay” và đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Chị chia sẻ: “Thực ra, để có một vườn rau củ quả xanh sạch tươi tốt cũng không quá khó, điều khó khăn nhất là khi bạn chưa bắt đầu làm mà đã sợ cái nọ sợ cái kia, khi bắt đầu rồi lại không hiểu cây cần gì. Còn một khi đã hiểu cây cần gì thì không quá khó đâu”.
Theo chị Minh Ngọc, để rau xanh tốt thì đất trồng rất quan trọng. Khi trộn đất trồng rau, chị luôn trộn theo công thức 50% đất : 20% phân chuồng hoai mục (như phân gà, phân bò, trùn quế, phân dơi) : 30 % chất tạo xốp (như là trấu hun, xơ dừa, vỏ đậu xay đã qua xử lý). Ngoài ra, thêm một ít trichoderma để ngăn chặn sự phát tán và lây lan của nấm bệnh, khống chế các bệnh do nấm. Sau khi trộn thì mang đất đi ủ tầm 10-15 ngày rồi mang đi trồng.
Về phương pháp phòng trừ sâu bệnh, chị Minh Ngọc ưu tiên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chị ngâm dung dịch tỏi, ớt với rượu để trị sâu bọ; nước vôi trong trị nấm; tinh dầu nem và hun trấu để đuổi bọ phấn trắng; chế phẩm sinh học Bio trị trĩ, côn trùng hút chích. Trung bình 7 - 10 ngày/lần, chị phun xen kẽ các dung dịch này để kháng bệnh cho cây. Bên cạnh đó, chị tỉa lá già liên tục ở cây leo giàn để cây thông thoáng, phát triển tốt hơn cũng như phòng trừ sâu bệnh gây hại.
Về bón phân, đối với các loại cây có quả như cà chua, dưa, khổ qua bầu bí, chị sẽ sử dụng phân đạm (như đạm cá, bánh dầu, đạm tôm, phân dơi, trùn quế, phân gà,…) khi cây nuôi thân và bộ lá. Trong giai đoạn ra hoa, bổ sung canxi cho cây từ vỏ trứng hoặc thêm canxiBo giúp tỷ lệ cây ra hoa đậu quả cao hơn. Chị còn bón dịch chuối để bổ sung kali, nhằm tạo ngọt cho quả. “Bạn chỉ cần chú ý một loại cây ăn quả sẽ hiểu được cây cần gì, bón đúng chu kì sẽ giúp cây phát triển tốt hơn”, chị Minh Ngọc nói.
Nông sản thu được từ vườn rau trên sân thượng nhà chị Minh Ngọc.
Làm “nông dân trên sân thượng” tuy mệt nhưng rất vui, khu vườn này không chỉ là nơi cung cấp nguồn rau sạch cho gia đình chị Minh Ngọc mà nó còn mang lại nhiều giá trị tinh thần khác. “Khu vườn trên sân thượng là lá phổi xanh của gia đình mình. Làm vườn với tiêu chí xanh – sạch – đẹp nên mình cố gắng chăm sóc, vun vén cho nó mỗi ngày. Điều khiến mình vui nhất là mình đã lan toả được việc thú vui làm vườn tới nhiều bạn bè, người thân để họ trồng rau sạch cho gia đình và có niềm vui mỗi ngày sau giờ làm việc, giúp gia đình gắn kết và yêu thương nhau nhiều hơn”, chị Minh Ngọc hạnh phúc nói.
Ngoài vườn rau trên sân thượng, chị Minh Ngọc còn có một vườn sen đá nhỏ.
Tin liên quan
Sau 7 năm làm vườn, chị Thêu nhận thấy việc trồng rau làm vườn không khó, điều quan trọng là phải đam mê.
Mùa hè đã bắt đầu, bạn nên trồng ở ban công hoặc bậu cửa sổ với 5 loại cây cảnh rẻ, đẹp lại dễ chăm sóc này để ban công luôn rực rỡ.
Đừng sợ những loại cây này bị thiếu nước mà tưới nhiều, muốn chúng phát triển tốt thì tốt nhất bạn nên hạn chế tưới nước.
Tin bài cùng chủ đề Vườn xinh của mình
Sau 7 năm làm vườn, chị Thêu nhận thấy việc trồng rau làm vườn không khó, điều quan trọng là phải đam mê.