Tội gì không trồng rau đay siêu nhanh siêu sạch tại nhà, vừa chữa bệnh vừa đảm bảo mâm cơm ngon miệng!
Rau đay là loại rau quen thuộc trong bữa cơm người Việt, nó không chỉ là món thực phẩm bổ dưỡng, mà còn có những công dụng hết sức quý báu đối với sức khỏe.
Về phương diện y học, rau đay có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tẩm bổ, giải nhiệt, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, lợi hô hấp, tiêu đờm, kháng viêm, cầm máu, lợi sữa và an thai. Do đó, rau đay thường được dùng làm loại rau làm thuốc có tác dụng chữa trúng nắng, phòng ngừa say nắng, trị táo bón, bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu ra máu.
Hơn nữa, rau đay có thể chế biến thành các món ăn phổ biến vừa rẻ tiền, vừa dễ chế biến và lại có giá trị dinh dưỡng cao, ví dụ như canh cua rau đay, canh cá rô rau đay, canh rau đay nấu tôm khô,...
Rau đay phát triển trên mọi mọi đất, dễ trồng, ít sâu bệnh. Rau có thể trồng quanh năm nhưng cho năng suất cao và phát triển tốt nhất vào mùa hè – từ tháng 3 âm lịch đến tháng 9.
Dưới đây là hướng dẫn cách trồng rau đay tại nhà cực kỳ đơn giản mà ai cũng có thể làm được.
Bước 1: Chuẩn bị
Dụng cụ trồng
Thùng xốp, thau chậu… có kích thước 40x60x12cm. Dưới đáy khay phải đục lỗ để nước có thể thoát ra ngoài, phòng trường hợp tưới quá nhiều nước gây thối rễ. Bạn cũng có thể trồng rau đay ở mảnh đất trống trong vườn.
Đất trồng
Chọn loại đất thịt nhẹ, thịt trung bình, đất cát pha, pH từ 6-6,7. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…
Hạt giống
Hiện trên thị trường có bán 2 loại hạt giống rau đay là rau đay đỏ và rau đay trắng. Rau đay đỏ ăn ngon hơn, nhưng lại phát triển chậm hơn so với rau đay trắng. Tại siêu thị hoặc các cửa hàng bán đồ nông sản đều có bán hai loại hạt giống này.
Bước 2: Ngâm ủ và gieo hạt
Trước khi gieo, ngâm hạt vào nước ấm có nhiệt độ từ 45-50 độ C. Ủ hạt qua đêm đợi hạt nứt. Sau khi hạt nứt nanh, tiến hành gieo hạt với khoảng cách giữa các cây là 10cm. Sau khi gieo hạt xong, tiến hành lấp 1 lớp đất mỏng và tưới nước bằng vòi phun nhẹ.
Giống rau đay đỏ ngon hơn rau đay trắng, nhưng khó trồng hơn.
Bạn cũng có thể bỏ qua công đoạn ngâm ủ hạt giống và gieo hạt trực tiếp. Tuy nhiên, ngâm hạt thì tỷ lệ nảy mầm cao hơn và cây sẽ nhanh mọc hơn.
Bước 3: Chăm sóc
Tiến hành tưới nước thường xuyên cho cây vì rau đay chịu hạn kém. Tuy nhiên, không nên tưới quá nhiều nước vì rễ cây rất dễ bị thối.
Rau đay có nhiều công dụng chữa bệnh và là loại rau rất tốt cho sức khỏe.
Sau khi rau đay ra được 4-5 lá, tiến hành bón lót bằng phân bò, phân trùn quế, phân gà, phân dê hoặc phân hữu cơ. Cứ 2 tuần bón 1 lần.
Lưu ý cách phòng trừ sâu bệnh: Sâu hại rau đay chủ yếu là sâu khoang và một số sâu ăn lá nhưng không nghiêm trọng, chỉ cần sử dụng biện pháp thủ công như bắt sâu và ngắt ổ trứng sâu.
Bước 4: Thu hoạch
Sau 40-45 ngày trồng là rau đay có thể thu hoạch đợt đầu tiên. Khi thu hoạch, dùng dao hoặc kéo cách gốc khoảng 20-30cm.
Cắt thường xuyên sẽ giúp rau non hơn
Chúc bạn thành công với cách trồng trên!