Cây nha đam không chỉ được trồng làm cây cảnh trang trí trong nhà, chúng còn mang lại nhiều công dụng hữu ích cho các chị em phụ nữ trong việc làm đẹp, bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách trồng sao cho hợp lý.
Cây nha đam có tên khoa học là Aloe Vera, là loài thực vật vốn có nguồn gốc từ khu vực vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm các quốc gia ở châu Phi và bán đảo Ả Rập. Tuy nhiên, ngày nay nó đã được trồng và phân bố rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt là trong các khu vực có khí hậu ấm áp như Việt Nam.
Cây nha đam có ngoại hình rất dễ nhận biết với phần lá cây mập mạp, mọng nước, chiều dài từ 30 đến 50cm, cạnh bên có nhiều gai nhọn và mọc xếp thành từng lớp. Chiều cao của nha đam không tới 1m, nếu trồng đúng cách có khả năng ra hoa rất đẹp. Tuy nhiên người ta thường chỉ quan tâm đến loại gel đặc biệt bên trong lá cây mà thôi.
Tuy khá dễ trồng và chăm sóc, thế nhưng vẫn còn nhiều người vẫn mắc phải những sai lầm “cơ bản”, khiến cho nha đam không lớn nhanh, cành lá không mập mạp, thậm chí dễ khô héo và thối cây. Nắm rõ những nguyên tắc sau đây để giúp việc trồng cây trở nên dễ dàng hơn.
1. Không tưới nước quá nhiều
Cây nha đam không hề ưa thích việc tưới nước quá nhiều, bởi điều đó có thể khiến làm gia tăng lượng nước trong đất trồng, khiến rễ cây dễ bị ngập úng và thối nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. Do đó bạn chỉ nên tưới từ 3-4 lần mỗi tuần, tưới bằng bình phun sương trên các lá, tránh tưới quá nhiều trực tiếp lên gốc.
2. Không đặt ở nơi ánh sáng quá mạnh
Mặc dù nha đam vẫn cần có ánh sáng mặt trời để thuận tiện cho quá trình quang hợp. Tuy nhiên nếu ánh sáng quá gay gắt như mùa hè chiếu vào quá nhiều có thể khiến tình trạng cháy lá dễ dàng xảy ra, khiến lá mau héo khô. Do đó mà bạn chỉ nên đặt cây ở nơi thoáng mát, có ánh sáng nhưng không quá mạnh. Đặc biệt nếu mùa hè nơi bạn đang sinh sống quá khắc nghiệt, hãy đặt chậu cây nha đam vào trong nhà để tránh làm chết cây.
3. Không sử dụng đất chua để trồng cây
Cây nha đam ưa thích các loại đất nhiều mùn hoặc đất sét, có thể thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng. Vậy nên loại đất trồng phù hợp ở đây nên có độ pH trung tính hoặc là đất kiềm, nếu sử dụng đất chua để trồng cây có thể khiến cây nha đam khó phát triển, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
4. Không đặt cây ở nơi nhiều gió và lạnh giá
Cây nha đam không chịu được thời tiết lạnh và có gió mạnh, đặc biệt là đối với những cây còn non. Vậy nên nếu khu vực bạn đang sống trong thời tiết lạnh giá, hãy bảo vệ cây khỏi sự lạnh lẽo bằng việc cho chúng vào trong phòng ấm, kín gió. Cây có thể sẽ sinh trưởng chậm đi, tuy nhiên chúng vẫn sẽ tồn tại được mà không bị héo tàn.
5. Không trồng cây ở cạnh nhiều cây cối, cỏ dại khác
Cây nha đam rất cần không gian riêng để có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Do đó bạn chỉ nên trồng chúng trong các chậu riêng biệt thay vì trồng chung trong cụm với một số loại cây, cỏ dại khác. Bởi lẽ các loại cây, cỏ dại khác có thể hút ngược lại dinh dưỡng từ cây nha đam, khiến nó khó có thể mọc cao lớn và xanh tốt được. Bên cạnh đó, thường xuyên phát hiện cỏ dại hoặc các loại sâu, côn trùng xuất hiện “bất ngờ” trong chậu nha đam của bạn nhé.
Nếu quá trình trồng và chăm sóc thuận lợi, chỉ sau 6 tháng thì cây nha đam sẽ đạt mức phát triển đầy đủ và có thể thu hoạch lá để lấy gel được rồi. Sau mỗi đợt thu hoạch, hãy bón thêm phân để cải thiện thêm dinh dưỡng đất trồng, nhờ đó bạn sẽ thu hái được lá cây đều đặn hàng tháng để phục vụ mục đích làm đẹp, ẩm thực,...