Chia luống, thâm canh và dựng khung là những phương pháp cơ bản giúp bạn thiết kế một khu vườn trồng rau trong mơ.
Hiện nay, rau sạch đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi trên thị trường rau quả, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với các loại rau củ quả có sử dụng dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, vi khuẩn, hóa chất gây bệnh…bởi lẽ đằng sau đó là sự lo lắng về chất lượng ,về sức khoẻ cho bản thân và gia đình.
Do đó, nhiều người bắt đầu quan tâm đến phương pháp trồng rau sạch trong nhà vừa hiệu quả, tiết kiệm lại vô cùng an toàn khi sử dụng.
Trong phần đầu Tập trồng rau tại nhà như chuyên gia, Nhà đẹp đã chỉ những yếu tố cơ bản nhất để bắt đầu khởi tạo một khu vườn trồng rau sạch tại nhà. Hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm hiểu những phương pháp phổ biến nhất để tạo nên một khu vườn tại gia.
1. Phương pháp chia/bổ luống
Đây chắc là điều xuất hiện đầu tiên trong đầu khi bạn nghĩ về một vườn rau xanh, đó là tạo các luống rau trong vườn. Cách bổ luống rất phù hợp với những khu vườn rộng và nó cho phép bạn dễ dàng di chuyển cũng như sử dụng một số thiết bị máy móc như máy xới cỏ, làm tơi đất trước khi gieo hạt hoặc trồng cây.
Nhược điểm của cách phân chia khu vườn thành các luống là bạn không trồng được nhiều loại rau trong một không gian nhỏ vì phần đất được sử dụng làm đường đi nhiều hơn phần đất dành để trồng cây. Vì thế, hình thức này không được yêu thích.
Gợi ý: Bạn nên để khoảng cách giữa các luống rau ít nhất từ 40 – 50 cm, như vậy bạn mới có không gian di chuyển và làm việc. Khi bạn “phác thảo” khu vườn của mình, hãy đặt những cây cao ở phía Bắc của khu vườn. Điều này bao gồm cả những cây cao tự nhiên như cà chua và các loại cây có thể phát triển nhờ những hỗ trợ như đậu Hà Lan, dưa chuột và đỗ quả.
2. Phương pháp thâm canh
Phương pháp thâm canh có nghĩa là trồng cây trên một dải đất rộng, thông thường khoảng 30cm đến 1m2 tùy trường hợp. Phương pháp này giảm được một lượng lớn phần đất dùng cho đường đi, nhưng các cây trồng có khoảng cách gần hơn buộc bạn phải chăm sóc chúng bằng tay, nhổ cỏ và xới đất bằng tay thay vì sử dụng máy.
Vì phương pháp này đòi hỏi cách làm thủ công nên điều quan trọng là không để những ô đất quá to để bạn có thể tiếp cận và thao tác dễ dàng.
Phương pháp thâm canh cho phép bạn thiết kế khu vườn của mình, đặc biệt khi bạn muốn làm một khu vườn trong sân trước nhà. Một giải pháp tuyệt vời để trồng xen lẫn các loại rau với cây cảnh khác.
Một phiên bản đặc biệt của phương pháp thâm canh là “phương pháp mét vuông”, phân chia khu vườn thành những ô đất có kích thước khoảng 1 – 1.2 mét. Cách làm này cho phép bạn trồng được nhiều cây hơn cùng một lúc.
3. Kiểm tra và khắc phục đất trồng
Bạn nên tiến hành kiểm tra đất trồng trước khi bắt đầu xới đất. Kiểm tra khả năng thoát nước của đất bằng cách phun nước làm ngập đất, để qua một ngày sau đó đào lên một nắm đất. Dùng tay bóp nắm đất đó. Nếu thấy đất cứng có nghĩa nước đã thoát hết ra ngoài và bạn sẽ phải bón thêm một vài chất hữu cơ.
Tiếp theo, mở tay của bạn ra. Nếu nắm đất không còn dính chặt vào nhau như một quả bóng hoặc rời rạc ngay sau khi bạn không nắm chặt nữa, điều này có nghĩa đất trồng quá nhiều cát. Đối với đất nhiều cát, chúng rất “thèm khát” các chất hữu cơ để có thể cải thiện chất lượng đất.
Nếu nắm đất vẫn liên kết với nhau, ngay cả khi bạn dùng vật nào đó tách rời nó cũng rất khó khăn thì có nghĩa đất trồng có nhiều đất sét. Bạn sẽ cần đến các chất hữu cơ dành riêng cho loại đất nhiều sét.
Vậy, thế nào là đất trồng lý tưởng? Bạn có thể vui mừng nếu nắm đất trên tay bạn vỡ vụn khi bạn chọc vào nó.
Trong trường hợp bạn đất trồng không thực sự tốt, bạn có thể chuyển sang trồng vườn theo phương pháp dựng khung.
4. Phương pháp dựng khung
Trước tiên, bạn phải xới tơi số đất định dùng để trồng cây. Sau đó, trải đều chúng ra và bón phân hữu cơ. Bước làm này giúp bạn tránh được việc bón phân trong quá trình cây sinh trưởng.
Đối với phần dựng khung, bạn có thể tiến hành dễ dàng chỉ với vài miếng gỗ, kích thước tùy bạn lựa chọn. Khi đã có phần khung chắc chắn, bạn xúc phần đất vào bên trong khung, dàn đều chúng ra xung quanh. Bạn nên để đất trồng nghỉ ngơi sau khi bón phân vài ngày trước khi bắt đầu gieo hạt hoặc trồng cây.
Với cách làm này, bạn có thể đặt các khung trồng cây trên nền sân bê tông, trên sân thượng, hoặc bất kỳ nơi nào bạn muốn.
Mời các bạn đón đọc phần 3 vào lúc 5:30 ngày 28/7 trên chuyên mục Nhà đẹp!