Đang là thời điểm giao mùa, thời tiết có mưa phùn và nồm ẩm khiến muỗi và các loại côn trùng bùng phát mạnh. Theo đó, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM… sản phẩm chống muỗi đã rất “nóng”.
Màn chống muỗi đang khá hot trên thị trường. Ảnh: N.H
Tràn lan đồ chống muỗi
Thị trường đồ chống muỗi, côn trùng trên thị trường Hà Nội hiện khá phong phú. Tại cửa hàng Mẹ & bé Tận Tâm, phố Bạch Mai (Hà Nội) máy đuổi muỗi tinh dầu giá từ 105.000 – 200.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, để sử dụng chiếc máy này có hiệu quả, cần phải mua thêm một lọ tinh dầu chống côn trùng, giá 105.000 đồng, có thể chống muỗi, gián, kiến, vắt, bọ chét… Nhiều mẫu xe đẩy cho trẻ bé, như các loại xe đẩy 2 chiều, có nhạc, màn chống muỗi, bàn đồ chơi nhựa loại tốt, giá 790.000 đồng/chiếc.
Đèn bắt muỗi năm nay có loại mới, tích hợp cả đèn led, quạt hút, tiết kiệm điện và không phát sinh mùi khó chịu. Theo nhân viên tư vấn của Công ty Việt Thống (Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM), năm nay Việt Thống ra mắt loại đèn bắt muỗi và côn trùng thông minh, dễ mở/tắt, chạy nhiều giờ không bị nóng, không gây ồn, vệ sinh dễ, muỗi và côn trùng chết khô nên không hôi như một số loại đèn cũ, giá từ 150.000 – 250.000 đồng/chiếc, tùy loại. Chất lượng, hiệu quả của các loại đèn chống muỗi chưa thể khẳng định, nhưng người tiêu dùng nên tháo đáy đèn hàng tháng để đổ xác muỗi, dùng khăn ẩm lau sạch để không bị hôi.
Màn đuổi muỗi trước chỉ có cho trẻ nhỏ, nhưng năm nay rộ lên các loại màn vuông, chữ nhật, màn tròn thời trang, màn chụp, màn cũi… chất liệu bằng tuyn, voan, Polyester… có thể chống muỗi và côn trùng, Màn đệm chống muỗi thông minh, màu sắc tươi tắn, hợp với trẻ nhỏ ưa màu sắc giá 140.000 - 190.000 đồng. Cao giá hơn là màn che chống muỗi Ikea giá 299.000 đồng, vì các bộ phận đều bằng nhựa polypropylene, vải Polyester 100%, đường kính 50 cm, cao 240 cm, giá 299.000 đồng/chiếc. Các màn chống muỗi thời trang rất đẹp, có thể treo trần nhà, gắn tường với màu trắng, vàng, hồng cánh sen, xanh. Giá rẻ nhất từ vài trăm nghìn đồng, hàng bình dân có giá là 930.000 đ/chiếc còn hàng cao cấp tới 1,4 – 2,2 triệu đồng/chiếc tùy chất liệu vải.
Hàng bảo vệ gia đình tự nhiên
Nhiều gia đình đang phải tìm cách chống muỗi và côn trùng, nhất là những gia đình có con nhỏ để tránh mắc bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét, dị ứng… Những phụ nữ mang thai, người hay uống rượu bia, chất kích thích cũng phải đề phòng vì họ có khả năng bị muỗi “tấn công” cao gấp đôi người bình thường.
Xu hướng bảo vệ gia đình tự nhiên, không độc hại được nhiều người hướng tới những năm gần đây là cửa lưới chống muỗi vừa thoáng khí, vừa hạn chế đáng kể bụi bẩn. Có nhiều loại cửa lưới chống muỗi dạng lùa, cửa không ray, cửa mở, cửa cố định, cửa tự cuốn, dạng xếp… kiểu dáng, màu sắc phù hợp thẩm mỹ với các căn phòng, kể cả nhà hiện đại, cao cấp và nhà có thu nhập trung bình. Được chuộng nhất là cửa chống muỗi dạng lùa, cửa chống muỗi không ray vì có ưu điểm tiết kiệm không gian, dễ di chuyển, vệ sinh, tháo lắp. Các phòng trẻ, nhà trẻ, trường mầm non rất cần mở cửa sổ, nên lắp đặt cửa lưới chống muỗi cho trẻ thoải mái vui chơi, không sợ bị muỗi và côn trùng gây hại, cũng không có mùi hóa chất. Loại cửa lưới sợi thủy tinh cao cấp có thể dùng được gần 10 năm.
Tuy nhiên, giá cả các loại hàng bảo vệ tự nhiên này khá cao. Cụ thể, giá lưới chắn muỗi dao động khoảng 1,5 triệu đ/m2. Cửa lưới xếp thích hợp lắp đặt ở mọi khu vực, kể cả cửa chính. Cửa lưới tự cuốn kéo lên xuống dễ dàng, có thể thay đổi độ chiếu ánh sáng vào phòng. Loại cửa lùa 1 cánh, 2 cánh hợp với biệt thự, chung cư cao cấp, các không gian nhỏ. Cửa lưới cố định hợp với diện tích nhỏ (nhà bếp, cửa phòng ngủ…), hoặc nơi nhà xưởng dùng để tránh muỗi mòng côn trùng. Những người bán nước giải khát được tư vấn nên dùng loại cửa lưới chống muỗi dạng tự cuốn vừa dễ thao tác, vừa chống được ruồi muỗi, nhặng bu quanh. Dù dùng cửa lưới chống muỗi nào thì hàng chính hãng cũng được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tư vấn, thi công thiết kế, được bảo hành, bảo trì, sửa chữa khi cần.
Những nguy cơ từ hóa chất trừ muỗi
Các bác sĩ cho rằng, dùng sản phẩm chống muỗi cần thận trọng nếu không muốn rước họa vào thân. Bác sĩ Quang Tùng (Bệnh viện E Hà Nội) lưu ý khi sử dụng các sản phẩm chống muỗi, chọn loại nào đầu tiên cũng cần phù hợp và an toàn với sức khỏe. Theo bác sĩ Tùng, thuốc xịt, kem chống muỗi… giữ hiệu quả không lâu. Đã có những sản phẩm chứa thành phần gây kích ứng cho da trẻ nhỏ, khiến nốt muỗi đốt bị sưng, trầy xước sẽ càng thêm tổn thương, ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em, của thai nhi. Do đó nên hạn chế dùng.
Với các sản phẩm thuốc phun muỗi, GS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên, các loại thuốc diệt côn trùng tổng hợp có thể phun hoặc dùng ngâm chăn màn, nhưng nên chọn dùng dòng thuốc tốt, được nhiều nước sử dụng. Nên đốt, xịt thuốc 30 phút trước khi vào nhà. Tìm hiểu cách sử dụng đúng và luôn cất nơi an toàn để người nhà và trẻ nhỏ không vô tình dùng nhầm.
Các sản phẩm chống muỗi, diệt côn trùng có hóa chất có thể gây hại cho da và đường hô hấp nếu bôi lên da trực tiếp. Các sản phẩm vòng đeo đuổi muỗi, miếng dán đuổi muỗi, nhang muỗi… có loại có xuất xứ, nhưng nhiều loại xuất xứ không rõ ràng, giá cả chênh lệch nhiều và chất lượng thì chưa thể kiểm định. Đặc biệt nhang đuổi muỗi không có xuất xứ đã từng được khuyến cáo là có thể gây ung thư, mù mắt nếu dùng nhiều và lâu dài. Với thuốc phun diệt muỗi và côn trùng trong vài phút, nhưng các chất hóa học tồn dư sẽ bám vào tường và các vật dụng, ngóc ngách góc nhà từ 3 - 6 tháng. Đây là môi trường độc hại dẫn đến bệnh hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe, nhất là trẻ em. Vì vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ công dụng các sản phẩm này để giảm bớt độc hại, nhất là với trẻ em và người cơ địa mẫn cảm dễ bị viêm da dị ứng.
GS Nguyễn Lân Dũng (Viện Nghiên cứu sinh học, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, năm nay Viện ra mắt sản phẩm thuốc chống muỗi, côn trùng bằng chế phẩm sinh học, mỗi gói giá 10.000 – 20.000đ, có tác dụng chống muỗi an toàn cho người sử dụng. |