Dã quỳ là loài hoa đẹp nổi tiếng của Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Không chỉ khiến người ta mê đắm bởi vẻ đẹp bên ngoài, hoa dã quỳ còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc trong tình yêu và cuộc sống.
I. Nguồn gốc của hoa dã quỳ
Hoa dã quỳ hay còn có tên gọi khác là sơn quỳ, cúc quỳ, quỳ dại, cúc Nitobe, hướng dương dại, hướng dương Mexico. Tên khoa học của hoa là Tithonia diversifolia, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Loài hoa này chủ yếu phân bố tại các nước khu vực cận nhiệt hoặc nhiệt đới.
Hình ảnh hoa dã quỳ vô cùng cuốn hút
Dã quỳ xuất hiện ở Việt Nam do người Pháp đã đưa hoa vào Lâm Đồng. Điều kiện môi trường ở Đà Lạt rất thích hợp cho sự phát triển của loài hoa này nên sau đó chúng được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
II. Đặc điểm của hoa dã quỳ
Dã quỳ là loài cây thân thảo, có chiều cao trung bình từ 1-2m, cá biệt nhiều loại có thể cao đến 3m. Thân cây khi mới trưởng thành có màu xanh lá, xanh đậm, tuy nhiên khi chuyển hóa từ thân thảo sang thân gỗ thì lại có màu xám nâu.
Lá và hoa dã quỳ có nhiều nét tương đồng với hoa cúc. Phiến lá khá nhẵn, mặt dưới lá nổi gân và lá được bao phủ một lớp lông nhỏ xung quanh. Hoa dã quỳ có cánh dài mỏng, màu vàng rực rỡ đặc trưng cùng hình dạng vừa giống hoa cúc vừa giống hoa hướng dương. Hoa mọc đơn lẻ, đôi khi xuất hiện theo chùm, thường có 13 cánh, khi nở tỏa tròn với đường kính khoảng 8-10cm.
Hoa dã quỳ vừa giống hoa cúc vừa giống hoa hướng dương
III. Có bao nhiêu loại dã quỳ?
Hoa dã quỳ được phân chia theo đặc điểm màu sắc gồm: vàng, đỏ và trắng. Trong đó, màu trắng và đỏ rất hiếm, loại hoa màu vàng lại phổ biến vô cùng và có mặt ở khắp mọi nơi.
Hoa dã quỳ vàng
Hoa dã quỳ đỏ
Hoa dã quỳ trắng
IV. Địa điểm check-in hoa dã quỳ nổi tiếng
Tại Việt Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến hoa dã quỳ Đà Lạt. Có thể kể tên một vài địa điểm ngắm hoa dã quỳ đẹp như: núi Voi, núi LangBiang, Thung Lũng Vàng, cung đường Trại Mát – Cầu Đất, đèo D’ran, đường vào Làng Hoa Vạn Thành…
Hoa dã quỳ Đà Lạt (Lâm Đồng)
Ở miền Bắc, địa điểm ngắm hoa dã quỳ nổi tiếng nhất chính là Vườn quốc gia Ba Vì cách nội thành Hà Nội khoảng 40-50km. Những bạn trẻ thường lập nhóm, rủ nhau đi xe máy tới ngắm hoa dã quỳ Ba Vì vào những ngày cuối tuần.
Hoa dã quỳ Ba Vì (Hà Nội)
Ngoài ra, còn có rất nhiều những địa điểm ngắm hoa tuyệt đẹp khác như Chư Đăng Ya (Gia Lai), đường vào Mường Phăng (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La), Đèo Sài Hồ (Lạng Sơn)…
Hoa dã quỳ Chư Đăng Ya (Gia Lai)
Hoa dã quỳ Mộc Châu (Sơn La)
Hoa dã quỳ Lai Châu
Hoa dã quỳ Xuân Đỉnh (trung tâm Hà Nội)
V. Mùa hoa dã quỳ vào tháng mấy?
Hoa dã quỳ nở rộ khoảng tháng 10-11 nhưng đẹp nhất là tháng 11. Khi ấy, từ những triền đồi phía xa, các con dốc ngoằn ngoèo dẫn lên cao nguyên, núi đồi đến từng ngõ nhỏ sẽ trở nên thơ mộng và bình yên hơn trong sắc vàng rực rỡ.
Thời gian hoa nở khoảng từ 2-3 tuần. Vì thế, cần phải căn đúng thời gian đi thưởng ngoạn cảnh sắc và lưu lại những bức hình đẹp trước khi hoa tàn.
VI. Thời gian chụp hình đẹp nhất
Thời điểm lý tưởng là vào khoảng 8-10 giờ sáng hoặc 3-5 giờ chiều vì lúc này, ánh sáng hoàn hảo nhất, hoa cũng sẽ nở căng cánh nhất. Khung cảnh vàng ươm cùng nền trời xanh ngắt sẽ khiến những bức ảnh lung linh hơn, làm mê đắm lòng người.
VII. Chụp hoa dã quỳ nên mặc gì?
Để có những bức ảnh trọn vẹn nhất, nên chọn những bộ quần áo tone trắng, nâu, vàng có hơi hướng vintage. Do mùa này thời tiết bắt đầu trở lạnh nên cần dự phòng thêm cả áo khoác. Bên cạnh đó, giày thể thao chắc chắn là vật dụng không thể thiếu, vừa năng động, trẻ trung, vừa thuận tiện cho việc đi lại, leo dốc.
Hoa dã quỳ phù hợp với những bộ quần áo tone trắng, nâu, vàng có hơi hướng vintage
VIII. Ý nghĩa hoa dã quỳ
1. Hoa dã quỳ thể hiện sức sống mãnh liệt
Hoa dã quỳ có thể mọc và sinh tồn ở những nơi khí hậu khắc nghiệt, điều đó biểu tượng cho sự mạnh mẽ, sức sống mãnh liệt, không ngại gian khó, vất vả.
2. Hoa dã quỳ là biểu tượng cho tình yêu chung thủy, bền vững
Cây dã quỳ đã gắn với một câu chuyện cảm động được lưu truyền từ xa xưa về tình yêu lứa đôi. Chuyện kể rằng, có một năm thời tiết hạn hán khiến vạn vật khô héo, có một chàng trai sống tại ngôi làng nọ sẵn sàng ra đi tìm kiếm nguồn nước cho dân làng. Chàng đã phải từ biệt người yêu trước khi lên đường, cô gái ấy đã đợi chờ chàng trai trở về từ năm này đến năm khác.
Rồi vào một ngày, cô gái vì quá nhớ chàng trai mà quyết định đi tìm, nàng trải qua hàng chục con đèo, leo qua nhiều quả núi nhưng vẫn không thể tìm thấy người yêu. Cuối cùng, vì kiệt sức mà nàng đã ngã quỵ. Tại nơi đó, xuất hiện một loài hoa có màu vàng rực, người dân gọi là hoa dã quỳ như để tôn vinh tình yêu chung thủy cũng cô gái dành cho người yêu của mình.
3. Hoa dã quỳ thể hiện cho sự kiêu hãnh, thán phục
Hoa dã quỳ không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu chung thủy, bền vững và sức sống mãnh liệt. Đây cũng là loài hoa được dùng để tỏ ý thán phục, yêu quý và trân trọng với những người có nội tâm phong phú. Bên cạnh đó, hoa dã quỳ còn tượng trưng cho sự kiêu hãnh, kiên cường không bị khuất phục.
Hoa dã quỳ có nhiều ý nghĩa trong tình yêu và cuộc sống
IX. Hoa dã quỳ có tác dụng gì?
1. Trang trí, thiết kế cảnh quan
Hoa giã quỳ được trồng nhiều ở sân vườn, hè phố, vườn hoa, công viên… với tác dụng để trang trí, làm đẹp cảnh quan, giúp bầu ko khí thêm trong lành, mát mẻ hơn. Ngoài ra, đối với nhiều người, loài hoa này đem đến may mắn và tài lộc cho gia đình.
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có các khu du lịch sinh thái, thiết kế không gian riêng để trồng hoa giã quỳ thu hút nhiều lượt khách tham quan để check-in cùng hoa, mang lại hiệu quả kinh doanh cao.
2. Hoa dã quỳ có tác dụng trong y học
- Mexico: Thân và lá dã quỳ được sử dụng để làm tan các vết máu bầm, chữa thấp khớp, giảm đau, giảm sưng, bong gân và gãy xương.
- Nhật Bản: Hoa giã quỳ chống ngộ độc nhưng cần phải theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu dùng trực tiếp có thể bị dị ứng.
- Trung Quốc: Dã quỳ phơi khô là thành phần trong những đơn thuốc nhuận gan, lợi tiểu và chữa bệnh vàng da. Hoa cũng được sử dụng để chữa bệnh nấm, ra mồ hôi trộm ban đêm.
- Việt Nam: Cây dã quỳ cũng được sử dụng để điều chế nhiều loại thuốc chữa bệnh giúp giảm sưng tấy, chữa mẩn ngứa và viêm da dị ứng… Các bộ phận khác của cây hoa cũng được phơi khô để pha nước uống giúp an thần dễ ngủ, nhuận tràng, tốt cho gan và hạn chế ra mồ hôi trộm.
Hoa dã quỳ có nhiều tác dụng trong y học
3. Tác dụng làm thuốc trừ sâu sinh học
Theo khoa học nghiên cứu, trong lá cây dã quỳ có chứa chất Sesquiterpene, Diterpenoids… được sử dụng để bào chế thuốc trừ sâu sinh học.
Lấy lá dã quỳ giã nát, vắt lấy nước rồi phun lên cây có thể diệt trừ sâu hại. Cách làm này vừa góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người lại vừa tận dụng được nguồn dã quỳ có sẵn trong tự nhiên.