Nam nhạc sĩ chỉ ra việc có rất nhiều ca khúc mới sáng tác với chủ đề đất nước, con người nhưng việc tiếp cận với khán giả trẻ còn hạn hẹp.
Vừa qua, buổi họp báo về việc vận động sáng tác ở TP.HCM đã diễn ra với sự tham gia của rất nhiều nhạc sĩ có tên tuổi trong thị trường giải trí, từ những gương mặt kỳ cựu như Trần Long Ẩn, Quang Vinh, Đức Trịnh, Võ Thiện Thanh…, cho tới các nhạc sĩ trẻ như Châu Đăng Khoa, Nguyễn Văn Chung.
Đây là cuộc vận động nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước và chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, do UBND TP.HCM tổ chức, Sở VH-TT và Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật thực hiện, đã diễn ra từ 25/12/2019 đến hết ngày 30/7/2020 tới.
Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu "Mãi mãi một tình yêu" hi vọng nhận được nhiều tác phẩm sau 5 tháng phát động.
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM nhìn nhận: “Thời gian qua, với góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm âm nhạc, sân khấu có đề tài mang tính thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung có chất lượng nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao đang khan hiếm. Vì thế, cuộc vận động là một trong những sân chơi nghệ thuật tạo điều kiện cho các tác giả đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo của mình cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nói chung”.
Tại buổi họp báo, các nghệ sĩ đều tỏ ra băn khoăn về đầu ra của các tác phẩm, lo lắng về việc quảng bá sâu rộng trong đời sống, tinh thần của giới trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết anh hay Châu Đăng Khoa đều có sáng tác về quê hương đất nước. Anh mong nhà nước hỗ trợ phổ biến tác phẩm, vì việc phổ biến ca khúc rộng rãi nằm ngoài khả năng của các nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đại diện chia sẻ quan điểm lo ngại về đầu ra của các tác phẩm viết về chủ đề đất nước, TP.HCM.
Bên cạnh đó, vấn đề được đặt ra nhiều nhất là việc vì sao các ca khúc viết về đất nước không thiếu, nhưng khán giả trẻ lại khó tiếp cận, thậm chí đời sống của một số bài hát lại vô cùng ngắn. Trả lời vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thừa nhận nhiều nhạc sĩ trẻ viết về đề tài này nhưng không đông đảo vì không có tính thương mại cao.
Nam nhạc sĩ giải thích: “Cách viết về thành phố ngày xưa không còn phù hợp với khán giả trẻ bây giờ. Khán giả nghe gì nhạc sĩ trẻ sẽ viết cái đó. Họ muốn nghe về tình yêu, nhạc sĩ trẻ sẽ viết về tình yêu. Nhạc sĩ trẻ cũng ít có suy nghĩ viết để cống hiến cho xã hội. Họ chỉ viết để phục vụ cho đối tượng khán giả của họ. Các ca sĩ trẻ rất ít khi mua bài hát về đề tài xã hội, quê hương đất nước, thiếu nhi. Họ hầu như chỉ mua bài hát về tình yêu, những trào lưu đang nóng”.
Nhạc sĩ cho hay các đài truyền hình, phát thanh cũng dành ít thời lượng cho các bài hát dạng này mà ưu tiên gameshow, phim, các dòng nhạc ăn khách hơn...
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng phân tích, âm nhạc tồn tại nhiều giá trị, không chỉ giải trí mà cả nghệ thuật đỉnh cao, cho người nghe thăng hoa cảm xúc và phát triển thẩm mỹ âm nhạc: "Chúng ta mất cân đối vì mảng giải trí quá nhiều, còn giáo dục thẩm mỹ rất ít. Sau khi tìm hiểu ở con mình, tôi thấy mảng giáo dục âm nhạc ở phổ thông quá lơ là việc này. Âm nhạc có những giá trị bất biến qua thời gian và chúng ta nên tạo cho các em sức đề kháng lớn, đồng thời, nhà nước nên hỗ trợ những người sáng tạo có động lực sáng tác".
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi nêu quan điểm ở lĩnh vực sân khấu.
Ở lĩnh vực sân khấu, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi băn khoăn khi ít tác giả viết kịch bản về đề tài truyền thống: "Chúng tôi đi tìm những kịch bản sân khấu để dàn dựng về đề tài truyền thống, chiến tranh, cách mạng. Nhưng rất ít tác giả viết đề tài này vì họ lo ngại không biết ai sẽ thực hiện, rồi người thực hiện cũng đắn đo khi giải quyết bài toán có khán giả hay không.
Bản thân sân khấu Trịnh Kim Chi muốn dựng vở truyền thống thật hoành tráng, nhưng tìm không ra tác giả viết kịch bản, đành phải chuyển thể từ phim 'Rặng trâm bầu'. Chúng tôi cần những tác phẩm nhẹ nhàng, nhưng thấm sâu vào lòng khán giả chứ không phải loại kịch bản hô hào, lên gân…".
Hầu hết các nghệ sĩ ở lĩnh vực sáng tác hay sân khấu đều mong muốn những tác phẩm muốn đi sâu trong cộng đồng thì cần phải được nhà nước hỗ trợ.
“Những nhạc sĩ trẻ như tôi không cần tiền mà cần sự hỗ trợ, như hỗ trợ in ấn sách nhạc dành cho thiếu nhi. Tôi mong muốn có nhiều chương trình ca nhạc thiếu nhi như chương trình 'Những bông hoa nhỏ' ngày xưa, tìm những bài hát phù hợp với độ tuổi của các bé, mong có thêm nhiều bài hát về quê hương, đất nước. Nhà nước đầu tư phổ biến các bài hát đó, còn các nhạc sĩ sẽ tự thân vận động", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Sau khi chia sẻ tinh thần của cuộc vận động, đại diện BTC mong thu nhận nhiều hơn tác phẩm dự thi về đề tài thiếu nhi, nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là những sáng tác đề cập đến chủ đề ngợi ca những tấm gương hy sinh của các y bác sĩ, các chiến sĩ công an, bộ đội..., những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 vừa qua, sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân bằng những việc làm ý nghĩa, dung dị đang diễn ra hằng ngày.