Viết tắt tên ca khúc cùng dấu hashtag: Trào lưu mới của Vpop năm 2018

Ngày 06/01/2019 01:05 AM (GMT+7)

Để khán giả không phải nhớ tựa đề ca khúc quá dài, nhiều ca sĩ đã chọn cách viết tắt những chữ cái đầu tên bài hát.

Vpop năm 2018 đánh dấu sự ra đời và phát triển của nhiều xu hướng mới lạ. Đầu tiên, có thể kể tới việc các nghệ sĩ không chuyên bất ngờ lấn sân và tạo nên những dấu ấn riêng biệt như Đạt G, Ngọc Dolil, Hoa Vinh, Orange,…

Điểm lạ tiếp theo chính là nguồn đưa các bài hát trở nên nổi tiếng. Không còn được cho ra mắt một cách truyền thống qua các kênh nghe nhạc trực tuyến, nhiều ca khúc được đông đảo khán giả biết tới qua mạng xã hội, tiêu biểu là HongKong1 - bài hát có tên trong Top 10 đề cử Bài hát của năm ZMA. 

Một trong những xu hướng trở nên rầm rộ trong năm 2018 là trào lưu viết tắt tựa đề các ca khúc. Không hẹn mà gặp, nhiều ca sĩ đều chọn cách đặc biệt này để giới thiệu sản phẩm âm nhạc mới tới khán giả.

Tên bài hát viết tắt và hashtag - xu hướng của Vpop 2018

Trào lưu này bắt nguồn từ cuối năm 2017, với ca khúc Em sai rồi anh xin lỗi em đi của Chi Pu. Nữ ca sĩ đã lấy các chữ cái đầu để đặt ra tên viết tắt #ESRAXLED. Đây là lần đầu tiên xuất hiện một bài hát có tên viết tắt ngay cạnh tựa đề chính.

Sau đó, trào lưu này trở nên thịnh hành hơn khi Tóc Tiên bất ngờ tung ra ca khúc mới với tựa đề Có ai thương em như anh. Trước thời điểm ra mắt ca khúc, nữ ca sĩ có hé lộ tên viết tắt ngắn gọn #CATENA khiến khán giả tò mò. 

Nhiều ca sĩ liền “không hẹn mà gặp”, cùng đặt tên viết tắt cho bài hát của mình. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến với những ca khúc có tựa đề dài, như: #TCSTE (Tất cả sẽ thay em) - Phạm Quỳnh Anh, #DML (Duyên mình lỡ) - Hương Tràm, #NCL (Nói chung là) - Sambi,…

Viết tắt tên ca khúc cùng dấu hashtag: Trào lưu mới của Vpop năm 2018 - 1

Đáng chú ý, các ca khúc với tên được viết tắt kèm dấu hashtag lại được công chúng đón nhận và ủng hộ, tiêu biểu là #CATENA của Tóc Tiên và #DML của Hương Tràm.

Việc tạo ra hashtag viết tắt tên ca khúc đem lại nhiều mặt lợi cho các ca sĩ

Trong năm qua, nhiều ca sĩ như Chi Pu, Tóc Tiên hay Noo Phước Thịnh đều chọn cách hé lộ tên viết tắt của ca khúc trước khi ra mắt. Họ thi nhau chia sẻ những dòng trạng thái đính kèm hashtag, đồng thời còn “đánh đố” người hâm mộ đoán tên chính xác bài hát. Việc “đoán già đoán non” của công chúng thu về hàng ngàn lượt bình luận tương tác.

Ai có thể đoán chính xác #CATENA là gì? Một khán giả hài hước trả lời rằng: “Cô ấy thay em nuôi anh”. Hay #DML là gì? Chắc hẳn nhiều người hâm mộ không khỏi nghĩ tới… Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.

Viết tắt tên ca khúc cùng dấu hashtag: Trào lưu mới của Vpop năm 2018 - 2

Việc đặt hashtag không rõ ràng, khó đoán đã phần nào đem lại làn gió mới cho khán giả, khiến họ mong chờ ngày ra mắt của bài hát để xem dự đoán của mình sai hay đúng. 

Dù sau đó, ca khúc có được như kỳ vọng của công chúng hay không, thì ít nhiều tên tựa đề ngắn gọn đã lưu lại trong tâm trí họ. Đó cũng là sự thành công của ca sĩ trong việc để lại dấu ấn. Khán giả dễ nhớ tên, ca sĩ thì lại gây được ấn tượng - quả là nước đi “lợi đôi đường”.

Bên cạnh việc ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, thì việc tạo lập một hashtag trên các trang mạng xã hội cũng khiến khán giả dễ dàng tìm kiếm thông tin hơn. 

Với những lý do trên, không khó để nhận thấy việc sử dụng hashtag cho ca khúc là nước đi thông minh, nắm bắt xu hướng thế giới. Tuy vậy, việc này cũng dần xuất hiện những mặt tiêu cực khó tránh khỏi.

Những mặt trái của việc lạm dụng viết tắt

#DML (Duyên mình lỡ), #NCL (Nói chung là), #DCM (Đừng có mơ) là những ca khúc có cái tên viết tắt gây tranh cãi trong năm qua. Thay vì những cụm từ dài, thì những cụm hashtag ngắn trên lại khiến khán giả liên tưởng tới những từ ngữ không hợp thuần phong mỹ tục, gây mất thiện cảm. 

Điển hình là trường hợp của bài hát #DCM (Đừng có mơ) của nam ca sĩ Erik, tung ra vào thời điểm cuối năm 2018. Ngay từ khi hé lộ cụm hashtag, Erik đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ phía công chúng. Khán giả tranh cãi gay gắt xung quanh việc ca khúc đã lạm dụng việc viết tắt dẫn đến phản cảm.

Viết tắt tên ca khúc cùng dấu hashtag: Trào lưu mới của Vpop năm 2018 - 3

Dù sau đó, tiêu đề chính thức của "Đừng có mơ" trong sáng, chất lượng sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, nhưng nhiều khán giả đã mất đi cái nhìn thiện cảm với bài hát. 

Có thể thấy, việc viết tắt các ca khúc không sai khi muốn kích thích trí tò mò, thu hút sự chú ý từ công chúng. Tuy nhiên, trường hợp của Erik đã đi quá xa, vấp phải sự phản đối, thậm chí bị "ném đá" không thương tiếc.

Nhiều khán giả cho rằng Erik chỉ cần bỏ cách viết hashtag và giữ vững giọng hát nội lực cùng hình ảnh đẹp là đã đủ khiến họ quan tâm. Erik cũng là nam ca sĩ lọt vào Top 5 đề cử Nghệ sĩ của năm tại ZMA sau thành công của nhiều ca khúc. Tuy vậy, lùm xùm của Đừng có mơ chắc chắn sẽ là bài học mà nam ca sĩ cần cân nhắc.

Kết

Viết tắt tên bài hát có mặt lợi và hại. Hơn bao giờ hết, trong năm mới 2019, khán giả Việt sẽ muốn đón nhận những sản phẩm âm nhạc trong sạch, ghi dấu ấn của người nghệ sĩ chứ không phải chiêu trò bất chấp, phản cảm.

Những cái nôi giúp dòng nhạc độc lập bứt phá ngoạn mục trong năm 2018
Thị trường nhạc Việt đã trông thấy những biến chuyển rõ rệt trong năm vừa qua, một trong số đó là dòng nhạc Underground/Indie phát triển vượt bậc.
Hải Đỗ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Âm nhạc