"Gây sốt" ngay từ lần đầu tiên ra mắt ở Hà Nội, thu hút hơn 8000 khán giả nhí, vở nhạc kịch "Ông lão đánh cá và con cá mập" sắp chính thức công diễn trở lại với diện mạo mới.
Với phần kịch bản do "giáo sư Cù Trọng Xoay" sáng tạo, Ông lão đánh cá và con cá mập được xem là "hiện tượng nhạc kịch" khi lấy cảm hứng và sử dụng tình tiết từ các câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới, sau đó được viết mới lại (remake), thậm chí có thể đảo chiều (phản) một số nhân vật, mạch nội dung quen thuộc, gây cảm giác vừa lạ vừa quen, bất ngờ và thú vị cho người xem.
Với tổng thời lượng khoảng 70 phút, nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập mang lại món ăn tinh thần có giá trị nghệ thuật khi có sự góp mặt của dàn nghệ sĩ với giọng hát đầy nội lực như: ca sĩ Đông Hùng (Cá mập bố), ca sĩ Trung Dũng (Ông lão), ca sĩ Thu Hiền VK (Bà lão)..., đồng thời quy tụ rất nhiều tài năng nhí hóa thân vào tuyến nhân vật Cá mập con, Cá hề, Cá vàng, Cá bạc, Cá đồng, nhóm Phù du,...
Trong 70 phút, với phần âm nhạc và ánh sáng hiện đại, vở nhạc kịch tái hiện thế giới thuỷ cung của các loài cá, vừa sống động, mê ảo, vừa rất "đời".
Nói về việc sáng tạo nhạc kịch "vỏ Tây hồn Việt", Đinh Tiến Dũng chia sẻ đầy bí hiểm: "Nhạc kịch 'Ông lão đánh cá và con cá mập' được tôi viết dựa trên nền tảng câu chuyện cổ tích 'Ông lão đánh cá và con cá vàng', do vậy khán giả nhí sẽ nhận ra tuyến nhân vật vừa quen thuộc, vừa có thêm nhiều "nhân tố" mới, chắc chắn gây ngạc nhiên nhưng lại không hề ngẫu nhiên xuất hiện.
Các em nhỏ bây giờ không còn giống như thế hệ chúng tôi trước đây, thế giới phẳng và sự phát triển của công nghệ, sự vượt trội về tư duy khiến các em có góc nhìn khác, cảm thụ cũng khác, đòi hỏi những người làm về văn hoá giải trí cũng phải 'xoay 180 độ' mới có thể theo kịp và tiếp cận được".
Nhân vật Ông lão và Bà lão trong vở nhạc kịch.
"Giáo sư Xoay" chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng cho phần kịch bản: "Tôi cũng là bố của 2 cháu bé, đôi lúc muốn gần con và hiểu con thì mình cũng phải trở thành chúng nó. Con xem gì tôi cũng xem, để phát hiện ra điều gì khiến các con mê mẩn, xem không chán như vậy. Cái khó nhất với trẻ nhỏ là khiến các con thích mà vẫn giáo dục và định hướng được. Vì vậy, kịch bản vở nhạc kịch này là một bài toán khó với bản thân tôi. Lần mò, xoay trở, đánh vật mấy tháng, tôi cũng hoàn thành với tinh thần 'mình phải là một đứa bé'.
Điều tôi yên tâm nhất là khi các con thưởng thức vở nhạc kịch này sẽ hoàn toàn thấy gần gũi và thư giãn, với những tràng cười hồn nhiên. Các con sẽ nhớ các tạo hình và tính cách của nhân vật bởi thấy giống mình và những người xung quanh. Vở nhạc kịch này sẽ không có những tuyên ngôn, giáo điều, định kiến phải thế này phải thế kia thì mới là người tốt, khi mà Cá mập vốn bị mặc định là hung dữ, lại là người luôn bảo vệ và dung hòa tất cả".
Vở nhạc kịch cũng quy tụ rất nhiều tài năng nhí hóa thân vào các tuyến nhân vật.
Vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập được thể hiện dưới góc nhìn và hình thức mới mẻ, mong muốn truyền đạt thông điệp nhân văn đến mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là tác động tích cực đến thế hệ thiếu nhi. Ông lão đánh cá và con cá mập công diễn vào tối ngày 30 và 31/5/2023 tại Hà Nội, được kỳ vọng là điểm nhấn gây ấn tượng cho khán giả nhỏ tuổi dịp Tết Thiếu nhi 1/6.