Nếu đứa trẻ rụt rè ngại giao tiếp, mẹ có thể áp dụng những cách sau đây giúp con tự tin hơn.
Hầu hết chúng ta đều nghĩ trẻ nhỏ thường hoạt bát, năng động. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều trẻ bộc lộ tính cách rụt rè, ngại giao tiếp, điều này tạo ra thách thức với trẻ trong quá trình trưởng thành.
Một đứa trẻ nhút nhát, rụt rè thường có xu hướng cảm thấy bất an, không thoải mái và e ngại trong những tình huống xã hội. Trẻ có thể tránh tiếp xúc, không tự tin trong giao tiếp và khó khăn trong việc kết nối với người khác. Từ đó, làm cho trẻ cảm thấy bị cô lập khỏi nhóm bạn bè và hoạt động xã hội.
Để giúp trẻ vượt qua tính cách nhút nhát và thiếu tự tin, đầu tiên bố mẹ nên hiểu rõ nguyên nhân, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, giúp con điều chỉnh.
Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ rụt rè, không muốn giao tiếp
Ham muốn thể hiện của trẻ bị kìm nén
Một số phụ huynh có thể quá mạnh mẽ, thường thể hiện khả năng lãnh đạo trước mặt con, đôi khi không đủ kiên nhẫn để lắng nghe những gì con nói.
Điều này vô tình khiến trẻ khó thể hiện mong muốn bản thân, từ đó dần thu mình và ngại chia sẻ với người thân.
Bố mẹ kiểm soát quá mức
Trong quá trình giao tiếp với con, nhiều bậc phụ huynh có thể áp đặt con phải đồng ý với quan điểm của mình, dẫn đến việc ý kiến của trẻ luôn bị bác bỏ, từ đó ngại bày tỏ quan điểm của mình trước bố mẹ.
Trong quá trình trưởng thành, bố mẹ nên trao cho con một mức độ tự chủ hợp lý. Khi trẻ có ý thức tự chủ riêng, việc bố mẹ kiểm soát quá mức chỉ khiến trẻ phản ứng mạnh mẽ.
Đứa trẻ tính cách nhút nhát, ngại giao tiếp nguyên nhân có thể đến từ môi trường giáo dục trong gia đình chưa phù hợp.
Thay vì vậy, bố mẹ nên trao cho trẻ cơ hội được bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của riêng mình. Bằng cách này, bố mẹ sẽ hiểu mọi khía cạnh của con mà không can thiệp quá mức. Thực tế, việc can thiệp quá mức thường khiến trẻ cảm thấy tức giận và không muốn chia sẻ thông tin với bố mẹ.
Bố mẹ thiếu niềm tin vào trẻ
Nếu bố mẹ thiếu niềm tin vào con cái, trẻ sẽ hạn chế chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đồng thời, tạo ra những tác động sâu sắc đến khả năng giao tiếp của trẻ.
Khi trẻ không nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ gia đình, có thể trở nên rụt rè và ngại giao tiếp, gây khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ xã hội. Vì vậy, việc xây dựng niềm tin từ bố mẹ là vô cùng quan trọng để giúp trẻ vượt qua những khó khăn này.
Bố mẹ thiếu kiên nhẫn
Khả năng tư duy và diễn đạt của trẻ thường không tốt bằng người lớn, trong trường hợp bố mẹ thiếu kiên nhẫn và thấu hiểu, tình huống này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giao tiếp của trẻ.
Khi trẻ không thể diễn đạt một ý kiến hoặc cảm xúc một cách rõ ràng, bản thân trẻ cảm thấy không được lắng nghe, vậy nên sẽ dần trở nên tự ti và thu mình.
Khi trẻ không nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ gia đình, có thể trở nên rụt rè và ngại giao tiếp.
Trẻ không được thấu hiểu
Nhiều trường hợp bố mẹ không không hiểu rõ sở thích, năng khiếu, trải nghiệm cảm xúc… của con mình sẽ khó tạo ra cơ hội cho trẻ thể hiện tài năng, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc giao tiếp giữa hai bên.
Vì vậy, để cải thiện thái độ giao tiếp của trẻ, bố mẹ nên bắt đầu từ việc tôn trọng tính cách và mong muốn của trẻ, trao cho trẻ quyền tự chủ và sự tin tưởng. Đồng thời chú ý đến cách giao tiếp của mình với con.
Những cách bố mẹ và con dễ dàng giao tiếp, giúp trẻ trưởng thành tự tin
Hỏi thăm
Khi trẻ có thắc mắc hoặc quan tâm điều gì đó, hãy chủ động hỏi trẻ nghĩ gì và cảm thấy thế nào. Thông qua các câu hỏi mở, trẻ có thể được khuyến khích bày tỏ ý kiến và quan điểm của mình, đồng thời có thể giúp trẻ suy nghĩ và giải quyết vấn đề tốt hơn.
Lắng nghe
Khi được bố mẹ lắng nghe một cách chân thành và tôn trọng, trẻ cảm nhận được sự yêu thương. Điều này giúp trẻ xây dựng lòng tự tin, tự giác và sẵn lòng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình mà không sợ bị phê phán hay bị từ chối.
Hãy khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình, lắng nghe cẩn thận quan điểm, ý kiến và tôn trọng cảm xúc của trẻ. Trong khi lắng nghe, đừng ngắt lời hay chỉ trích mà hãy để trẻ bày tỏ hết suy nghĩ của mình.
Khi được bố mẹ lắng nghe một cách chân thành và tôn trọng, trẻ cảm nhận được sự yêu thương.
Dạy trẻ cách bày tỏ cảm xúc
Đây là kỹ năng quan trọng giúp trẻ hiểu và quản lý cảm xúc của mình một cách lành mạnh, cũng như xây dựng mối quan hệ tốt với người khác.
Bố mẹ có thể giúp trẻ nhận biết và bày tỏ cảm xúc khác nhau mà mình trải qua, từ vui vẻ, hạnh phúc đến buồn, tức giận hay lo lắng. Bằng cách này, trẻ sẽ phát triển khả năng nhận thức, hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình.
Hãy dạy trẻ cách diễn đạt cảm xúc của mình bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt. Trẻ sẽ học được cách diễn đạt ý kiến, suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rõ ràng, tự tin hơn.
Đồng cảm với trẻ
Việc bố mẹ đồng cảm với con có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển và trưởng thành. Điều này xây dựng một môi trường an toàn, tạo mối quan hệ chặt chẽ, khuyến khích sự phát triển xã hội và cảm xúc, hỗ trợ trong giải quyết xung đột và khó khăn cho trẻ.
Trẻ cảm nhận được sự yêu thương, tự tin phát triển các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, khi biết rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh và hiểu cảm xúc của mình.
Bố mẹ có thể phản hồi tích cực và khuyến khích khi con cư xử đúng, nhằm giúp trẻ tiếp tục hành vi tốt.
Việc bố mẹ đồng cảm với con có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển và trưởng thành.