Việc hiểu được mong muốn của trẻ sẽ giúp bố mẹ tạo ra môi trường học tập tích cực.
Những đứa trẻ thiếu động lực thường trì hoãn làm bài tập, thiếu sự tự tin và có thể cảm thấy chán nản khi đối diện với các nhiệm vụ học tập.
Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập, phát triển tâm lý không lành mạnh, cảm thấy mình không đủ khả năng để đạt được mục tiêu.
Khi không có động lực, trẻ có thể làm việc một cách hời hợt, không đầu tư thời gian và công sức cần thiết, dẫn đến một vòng luẩn quẩn của sự thất bại và thiếu tự tin.
Vì vậy, bố mẹ nên giúp trẻ cải thiện tình trạng này bằng cách tạo ra một môi trường học tập tích cực và khuyến khích.
Chia nhỏ nhiệm vụ
Trẻ em ở các lớp thấp thường chưa thể đánh giá chính xác về khó khăn trong học tập. Trẻ dễ cảm thấy bị áp lực trước khối lượng bài tập hoặc độ khó. Ví dụ, khi đi học về, trẻ tỏ ra bực bội và nói: “Hôm nay bài tập về nhà nhiều quá!” Cảm giác quá tải này dần khiến trẻ không muốn bắt đầu làm bài tập, dẫn đến trì hoãn và làm tăng thêm căng thẳng.
Trong tình huống này, bố mẹ nên giúp trẻ thay đổi cách nhìn nhận về nhiệm vụ học tập. Một phương pháp hiệu quả là chia nhiệm vụ thành từng phần nhỏ hơn và dễ tiếp cận hơn.
Chẳng hạn, thay vì yêu cầu trẻ hoàn thành toàn bộ bài tập trong một lần, hãy chia thành 10 bài toán số học, chép một đoạn văn tiếng Việt, hoặc đọc một trang sách. Việc này giúp trẻ cảm thấy nhiệm vụ nhẹ nhàng, dễ dàng hơn trong việc bắt đầu.
Bố mẹ có thể yêu cầu trẻ hoàn thành từng phần trong thời gian quy định và sau đó cùng so sánh trạng thái hoàn thành mỗi lần. Khi trẻ thấy mình có thể hoàn thành từng phần nhỏ, sẽ dần dần cảm thấy tự tin hơn.
Cảm giác đạt được thành tựu từ việc hoàn thành từng nhiệm vụ nhỏ sẽ kích thích động lực học tập, nhận ra rằng việc học không nhất thiết phải là một gánh nặng mà là quá trình thú vị và bổ ích.
Làm một số việc nhàn nhã
Nhiều thời gian rảnh rỗi của trẻ bị chiếm dụng bởi việc học. Bố mẹ thường sắp xếp một lịch trình bận rộn với những câu hỏi cần làm và thời gian cụ thể để thực hiện. Dù có ý định tốt, nhưng đôi khi dẫn đến việc trẻ không có cơ hội để khám phá những sở thích và đam mê riêng.
Trẻ em được nuôi dạy theo cách này thường gặp khó khăn trong việc phát triển nội lực và khả năng tự quản lý. Trẻ dễ trở nên phụ thuộc vào sự hướng dẫn của người lớn, thiếu khả năng tự quyết định trong các tình huống khác nhau.
Làm một số việc nhàn nhã.
Nghiên cứu tâm lý đã phát hiện ra rằng một đứa trẻ không thể quyết định phải làm gì hoặc làm như thế nào sẽ khó có động lực để làm những việc khác. Khi trẻ bị giới hạn trong các hoạt động học tập mà không có sự cân bằng với các hoạt động giải trí, năng lực bản thân kém, dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ nên để trẻ tự quyết định nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày. Cho phép trẻ có thời gian rảnh rỗi để tạo cơ hội để khám phá sở thích cá nhân.
Trẻ cần được khuyến khích tham gia vào những hoạt động không liên quan đến học tập, như làm đồ thủ công, nghe nhạc, chơi bóng đá, nhạc cụ... Những hoạt động giúp trẻ phát triển kỹ năng, tạo ra niềm vui, sự hào hứng.
Phần thưởng phù hợp
Nhiều bậc bố mẹ ngại thưởng cho con, lo lắng rằng trẻ sẽ trở nên kiêu ngạo và tự phụ. Họ thường tin rằng việc quá chú trọng vào phần thưởng có thể làm trẻ chỉ làm việc vì lợi ích cá nhân mà không phát triển được những giá trị bên trong như lòng kiên trì, trách nhiệm hay tình yêu với việc học.
Tuy nhiên, nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng phần thưởng phù hợp có thể giúp tăng động lực của trẻ một cách đáng kể.
Điều quan trọng không chỉ là việc thưởng, mà còn là cách mà phần thưởng được sử dụng. Phần thưởng nên mang lại cảm nhận được niềm vui và hoàn thành, nhằm kích thích động lực bên trong của trẻ.
Ví dụ, phần thưởng có thể là một buổi đi chơi, món đồ chơi nhỏ, hoặc đơn giản là những lời khen ngợi từ bố mẹ.
Trong quá trình này, hãy để trẻ thấy sự tiến bộ của bản thân, ghi lại những thành tựu, dù là nhỏ. Khi trẻ nhận ra rằng mình đã tiến bộ, sẽ cảm thấy tự hào và có động lực hơn để tiếp tục cố gắng.
Phần thưởng phù hợp.
Hãy để trẻ chiến thắng
Nhiều trẻ thường nghe lời phàn nàn, không bao giờ có cảm giác chiến thắng.
“Lời tiên tri tự ứng nghiệm” trong tâm lý học cho thấy trẻ sẽ luôn hành động theo những dự đoán của chính mình, cho đến khi dự đoán đó trở thành hiện thực. Nếu trẻ hiếm khi chiến thắng, sẽ dự đoán rằng mình “không thể”, từ đó làm giảm động lực bên trong của mình.
Vì vậy, nếu muốn rèn luyện nội lực, nên chú ý để trẻ có được cảm giác chiến thắng thường xuyên hơn.
Hãy để trẻ chiến thắng.
Bất cứ khi nào thấy con làm điều gì đó đúng, hãy khen ngợi, chẳng hạn như: "Con đang làm bài tập đúng giờ, đây là một thói quen rất tốt!" "Con làm đúng 9 câu toán, thật tuyệt vời, tỷ lệ chính xác lại được cải thiện!" "Cảm ơn con đã giúp mẹ nhặt rau". Hãy để trẻ trải nghiệm thành công mỗi ngày và có được cảm giác “chiến thắng”, sau đó những dự đoán về bản thân sẽ trở thành “Mình có thể làm được!”
Với sự tự kỳ vọng như vậy, trẻ có thể hoàn thành được nhiều việc hơn, từ đó động lực bên trong cũng ngày càng mạnh mẽ.