Việc trẻ đòi hỏi mua đồ chơi cũng là cơ hội tốt để bố mẹ dạy con về giá trị của tiền bạc và cách tiêu dùng thông minh.
Thời gian gần đây, xu hướng đồ chơi xé túi mù Baby Three, hay búp bê Labubu thu hút giới trẻ, cả trẻ nhỏ cũng bị "mê hoặc" bởi món đồ chơi đáng yêu này. Những chiếc túi nhỏ nhắn, với thiết kế bắt mắt và các nhân vật hoạt hình sinh động, khiến trẻ cảm thấy thích thú.
Những món đồ chơi như túi mùa Baby Three hay Labubu thường mang tính độc đáo, thời trang và sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều người nhận định giá trị lâu dài không cao, bởi nếu bố mẹ vội vàng đáp ứng, có thể lãng phí tiền vì trong trương lai nếu xuất hiện món đồ chơi khác, trẻ cũng sẽ bộc lộ sự đòi hỏi tương tự.
Ảnh minh họa.
Thêm vào đó, với giá thành tương đối cao, không phải gia đình nào cũng có thể đáp ứng thú vui này của con. Trẻ em thường bị tác động mạnh mẽ bởi bạn bè xung quanh. Nhiều trường hợp nhìn thấy bạn bè có món đồ chơi mới, trẻ cảm thấy áp lực và muốn sở hữu để được hòa nhập, khẳng định bản thân trong nhóm.
Vì vậy, nếu trẻ thường xuyên khao khát sở hữu những món đồ chơi này, điều quan trọng là bố mẹ cần có những biện pháp hợp lý để quản lý nhu cầu của trẻ. Đồng thời, nên thảo luận với trẻ về giá trị của tiền bạc và việc chi tiêu hợp lý.
Chuyên gia tâm lý Quang Thị Mộng Chi.
Bố mẹ có nên nên thỏa mãn yêu cầu của trẻ ngay lập tức, hay nên áp dụng một chiến lược khác để dạy trẻ về việc lựa chọn đồ chơi phù hợp và giá trị tiền bạc?
Khi con nằng nặc đòi mua đồ chơi theo trend như túi mù, Babe Three hay Labubu, bố mẹ không nên ngay lập tức đáp ứng yêu cầu mà cần có chiến lược phù hợp để giúp con hiểu về giá trị tiền bạc và cách lựa chọn đồ chơi một cách thông minh.
Trước tiên, bố mẹ nên lắng nghe và tìm hiểu lý do con muốn mua món đồ đó, xem con thực sự yêu thích hay chỉ muốn theo bạn bè. Việc trò chuyện sẽ giúp con nhận thức rõ hơn về mong muốn của mình.
Tiếp theo, bố mẹ có thể nhân cơ hội này để dạy con về giá trị tiền bạc. Hãy giải thích rằng đồ chơi cũng là một khoản chi tiêu và không phải món nào cũng đáng mua. Nếu món đồ quá đắt, có thể so sánh giá trị của nó với những thứ khác để con hiểu rằng cùng số tiền đó, có thể mua được nhiều món hữu ích hơn.
Một cách khác là khuyến khích con tiết kiệm tiền từ tiền tiêu vặt hoặc làm việc nhà để mua món đồ mình thích, giúp con học cách quản lý tài chính và đánh giá xem món đồ đó có thực sự quan trọng với mình hay không. Bố mẹ cũng có thể cân nhắc việc tặng món đồ chơi vào những dịp đặc biệt như sinh nhật hay phần thưởng khi con đạt thành tích tốt, thay vì mua ngay lập tức theo yêu cầu.
Điều này giúp con hiểu rằng không phải lúc nào cũng có thể có được mọi thứ mình muốn ngay lập tức, mà cần có lý do chính đáng. Ngoài ra, bố mẹ có thể định hướng con về xu hướng tiêu dùng, giải thích rằng có nhiều món đồ chơi theo trào lưu nhưng không phải món nào cũng thực sự có giá trị lâu dài. Nếu món đồ quá đắt hoặc không phù hợp, hãy gợi ý cho con một lựa chọn thay thế hợp lý hơn.
Cuối cùng, để giúp con tránh những quyết định mua sắm cảm tính, bố mẹ có thể đề nghị con chờ một thời gian. Nếu sau vài tuần con vẫn thực sự thích món đồ đó, bố mẹ có thể xem xét lại. Điều này giúp con rèn luyện sự kiên nhẫn và học cách suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Như vậy, thay vì chiều theo mọi mong muốn của con, bố mẹ có thể sử dụng cơ hội này để dạy con về trách nhiệm tài chính, cách tiêu dùng hợp lý và giá trị của sự lựa chọn thông minh.
Khi trẻ có hành vi nằng nặc đòi hỏi, bố mẹ nên làm gì để quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trong tình huống này?
Khi trẻ có hành vi nằng nặc đòi hỏi, bố mẹ cần giữ bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc để tránh phản ứng nóng giận hoặc nhượng bộ quá mức. Trước tiên, bố mẹ nên tạm dừng một chút, hít thở sâu để lấy lại sự bình tĩnh trước khi phản ứng.
Việc hiểu rằng đây là phản ứng tự nhiên của trẻ cũng giúp bố mẹ giảm căng thẳng, bởi trẻ chưa phát triển đầy đủ khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi như người lớn. Khi đối diện với sự mè nheo của con, bố mẹ cần giữ giọng điệu nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Thay vì quát mắng, hãy nói chậm rãi, dứt khoát, chẳng hạn: “Mẹ hiểu con rất thích món đồ này, nhưng hôm nay mẹ không thể mua được. Nếu con vẫn thích sau một thời gian, mình sẽ xem xét lại nhé.”
Ngoài ra, bố mẹ nên tránh tranh cãi hoặc phản ứng ngay lập tức khi con mè nheo. Nếu con làm ầm lên ở nơi công cộng, hãy đưa con ra chỗ yên tĩnh hơn để giải thích thay vì căng thẳng tại chỗ. Đồng thời, việc đặt ra giới hạn rõ ràng cũng rất quan trọng. Nếu con thấy rằng cứ khóc lóc là sẽ được đáp ứng, con sẽ tiếp tục hành vi này.
Vì vậy, bố mẹ cần giữ vững lập trường và không thay đổi quyết định chỉ vì con nài nỉ. Trong tình huống này, sự phân tâm cũng là một phương pháp hiệu quả. Bố mẹ có thể hướng con sang một hoạt động khác, chẳng hạn như đi chơi đâu đó hoặc tham gia hoạt động khác.
Bên cạnh đó, dạy con cách thể hiện mong muốn một cách lịch sự cũng là một bài học quan trọng. Thay vì mè nheo, con cần học cách nói ra mong muốn của mình một cách bình tĩnh, chẳng hạn: “Nếu con thực sự thích món đồ này, hãy giải thích lý do với bố mẹ một cách rõ ràng.” Sau khi tình huống qua đi, bố mẹ nên dành thời gian nói chuyện lại với con, giúp con hiểu hành vi vừa rồi và rút kinh nghiệm.
Hãy hỏi con: “Lúc nãy con có thấy mình đã làm gì không? Con cảm thấy thế nào khi bị từ chối?” để giúp con nhận thức và dần học cách kiểm soát cảm xúc.Nhìn chung, khi trẻ nằng nặc đòi hỏi, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải giữ bình tĩnh, không phản ứng tiêu cực, đồng thời hướng dẫn con cách thể hiện mong muốn hợp lý.
Kiên định với quyết định của mình, tránh tranh cãi và nhẹ nhàng nhưng dứt khoát sẽ giúp con hiểu rằng không phải lúc nào cũng có thể có được mọi thứ theo ý muốn. Từ đó, trẻ sẽ dần học cách kiểm soát cảm xúc và cư xử đúng mực hơn trong tương lai.
Có nhận định cho rằng, đây là cơ hội tốt để dạy con về tiền, chuyên gia nghĩ thế nào về điều này? Bố mẹ nên dạy trẻ thế nào về cách sử dụng tiền nếu xuất hiện các loại đò chơi theo trend khác trong tương lai?
Nhận định rằng việc trẻ nằng nặc đòi mua đồ chơi theo trend là một cơ hội tốt để dạy con về tiền là hoàn toàn chính xác. Đây không chỉ là vấn đề mua sắm mà còn là một tình huống thực tế giúp trẻ hiểu về giá trị của tiền, cách tiêu dùng hợp lý và tư duy tài chính có trách nhiệm. Trước tiên, trẻ cần nhận thức rằng tiền không tự nhiên có mà đến từ công sức lao động của bố mẹ.
Khi con hiểu rằng tiền được dùng để đáp ứng những nhu cầu quan trọng như thức ăn, quần áo, học tập chứ không chỉ để mua đồ chơi, con sẽ biết trân trọng hơn.Bên cạnh đó, bố mẹ có thể dạy con cách lựa chọn chi tiêu hợp lý bằng cách đặt câu hỏi: “Con có thực sự cần món đồ này không? Nó có giá trị lâu dài không hay chỉ là một xu hướng nhất thời?” Điều này giúp trẻ suy nghĩ trước khi quyết định mua sắm, thay vì tiêu tiền theo cảm hứng.
Nếu con thực sự muốn một món đồ nào đó, thay vì đáp ứng ngay lập tức, bố mẹ có thể khuyến khích con tiết kiệm tiền tiêu vặt hoặc làm việc nhà để dành tiền mua. Việc này giúp trẻ hiểu rằng để có được thứ mình muốn, cần có kế hoạch và sự kiên nhẫn. Đồng thời, bố mẹ có thể hướng dẫn con phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn, giúp con nhận ra rằng không phải thứ gì mình thích cũng đáng để mua ngay.
Khi các món đồ chơi theo trend thường chỉ thịnh hành trong thời gian ngắn, bố mẹ có thể gợi ý con suy nghĩ dài hạn bằng cách đặt câu hỏi: “Liệu con có còn thích món đồ này sau một tháng nữa không?” Hoặc cùng con nhìn lại những món đồ đã mua trước đây để xem chúng có còn được sử dụng hay không. Điều này giúp con hiểu rằng không phải tất cả những gì đang hot trên thị trường đều là khoản đầu tư hợp lý.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể đưa ra những lựa chọn thay thế tốt hơn, chẳng hạn như một món đồ có giá trị sử dụng lâu dài hoặc có thể giúp con học hỏi thêm kỹ năng nào đó.Cuối cùng, việc đặt ra nguyên tắc chi tiêu rõ ràng là rất quan trọng. Bố mẹ có thể quy định rằng mỗi tháng con chỉ được chọn một món đồ chơi, qua đó giúp con học cách quản lý tài chính cá nhân và tránh chi tiêu bốc đồng.
Những món đồ chơi theo trend sẽ luôn xuất hiện trong tương lai, vì vậy thay vì chỉ nói “không”, bố mẹ có thể biến những tình huống này thành cơ hội để dạy con về tài chính, giúp con hình thành thói quen tiêu dùng thông minh và biết trân trọng giá trị của tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ.
Có thể có những cách nào để thay thế việc mua đồ chơi theo trend bằng các hoạt động khác để trẻ vẫn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc?
Thay vì mua đồ chơi theo trend, bố mẹ có thể hướng con đến những hoạt động thay thế vừa mang lại niềm vui vừa giúp con phát triển tư duy, kỹ năng và gắn kết gia đình. Một trong những cách hiệu quả nhất là khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động sáng tạo.
Thay vì mua một món đồ chơi mới, con có thể tự làm đồ chơi từ những vật dụng có sẵn trong nhà như giấy, bìa carton, hoặc đất nặn. Việc này không chỉ giúp con phát triển trí tưởng tượng mà còn khiến con trân trọng thành quả do chính mình tạo ra.Bên cạnh đó, đọc sách và khám phá thế giới cũng là một cách tuyệt vời để trẻ tìm thấy niềm vui mà không cần chạy theo xu hướng tiêu dùng.
Một cuốn sách thú vị có thể mở rộng hiểu biết, nuôi dưỡng trí tưởng tượng và giúp con rèn luyện thói quen học hỏi suốt đời. Ngoài ra, bố mẹ có thể khuyến khích con tham gia vào các hoạt động ngoài trời như đi dã ngoại, chơi thể thao, trồng cây hay khám phá thiên nhiên. Những trải nghiệm thực tế này không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp con phát triển thể chất và tinh thần một cách toàn diện.
Tham gia các hoạt động tập thể cũng là một lựa chọn hợp lý, giúp trẻ học cách giao tiếp, hợp tác và tạo dựng tình bạn. Các câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao hoặc những buổi giao lưu với bạn bè sẽ giúp con tìm thấy niềm vui từ sự kết nối thay vì từ các món đồ chơi theo trend.
Đồng thời, bố mẹ có thể dành thời gian chơi cùng con thông qua những hoạt động gia đình như chơi cờ, xếp hình, cùng nhau nấu ăn hoặc tổ chức một buổi xem phim tại nhà. Sự gắn kết này không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp con cảm thấy được yêu thương và quan tâm.
Ngoài ra, hướng con đến các dự án dài hạn như nuôi thú cưng, trồng cây, làm đồ handmade hay sáng tạo nội dung cũng là một cách giúp con học được tính kiên trì và biết tận hưởng quá trình hơn là chỉ tập trung vào kết quả. Việc dạy con về giá trị của sự cho đi cũng rất quan trọng.
Thay vì chỉ tập trung vào mong muốn sở hữu, bố mẹ có thể hướng con đến những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khác để con hiểu rằng niềm vui không chỉ đến từ việc sở hữu mà còn từ việc chia sẻ.Nhìn chung, việc không mua đồ chơi theo trend không có nghĩa là con sẽ mất đi niềm vui.
Thay vào đó, bố mẹ có thể giúp con khám phá nhiều hoạt động ý nghĩa và bổ ích hơn. Những trải nghiệm này không chỉ giúp con hạnh phúc mà còn mang lại nhiều kỹ năng và giá trị lâu dài, góp phần hình thành một lối sống cân bằng và trách nhiệm hơn trong tương lai.