Việc bố mẹ không giữ lời hứa có thể đánh mất niềm tin ở trẻ.
Lời hứa của bố mẹ với con là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng mối quan hệ gia đình. Chúng không chỉ mang lại niềm tin mà còn giúp trẻ hình thành các giá trị sống quan trọng.
Mặc dù có những thách thức trong việc giữ lời hứa, nhưng thông qua giao tiếp cởi mở và thực hành cam kết, bố mẹ có thể giúp trẻ lớn lên với sự tự tin và khả năng tin tưởng vào người khác. Một gia đình hạnh phúc bắt đầu từ những lời hứa nhỏ bé, nhưng đầy ý nghĩa.
Những lời hứa này giúp trẻ phát triển niềm tin vào bố mẹ và cảm thấy được bảo vệ, yêu thương. Niềm tin này cực kỳ quan trọng trong việc hình thành mối quan hệ gia đình vững chắc.
Lời hứa cũng là bài học về trách nhiệm. Khi bố mẹ giữ lời hứa, trẻ sẽ học được giá trị của việc thực hiện cam kết và tôn trọng lời nói của mình đối với người khác.
Việc bố mẹ không giữ lời hứa có thể đánh mất niềm tin ở trẻ.
Khi trẻ nhận được những lời hứa được thực hiện, điều đó sẽ khơi dậy trong chúng tâm lý tích cực, khiến trẻ cảm thấy có động lực và hy vọng vào tương lai.
Trong đời sống hàng ngày, có thể xảy ra nhiều tình huống bất khả kháng hoặc điều kiện không thuận lợi khiến bố mẹ không thể giữ lời hứa. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy thất vọng và mất niềm tin vào lời nói của người lớn.
Đôi khi, bố mẹ có thể đặt ra những lời hứa mà bản thân không thể thực hiện được. Ví dụ, hứa sẽ mua cho trẻ món đồ chơi đắt tiền hoặc tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động mà điều kiện tài chính không cho phép. Sự kỳ vọng cao này có thể tạo áp lực cho cả bố mẹ và trẻ.
Cuộc sống luôn biến đổi, và những tình huống không lường trước có thể xảy ra, khiến những lời hứa ban đầu trở nên không khả thi. Trong những lúc như vậy, bố mẹ cần làm gì giúp trẻ hiểu được bối cảnh thay đổi? Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đưa ra lời khuyên hữu ích.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Trẻ có thể học được gì từ việc chứng kiến bố mẹ không giữ lời hứa? Liệu điều này có tạo ra thói quen không đáng tin cậy trong tương lai của trẻ không?
Điều đầu tiên trẻ học được là, "Nói thôi không cần giữa lời hứa", chữ tín lúc này không quan trọng nữa.
Điều thứ hai là trẻ tin rằng bản thân mình không xứng đáng để bố mẹ quan tâm, mặc dù bố mẹ hứa nhưng rồi sẽ quên.
Điều thứ ba, trẻ học được cách để về sau xoa dịu mọi thứ bằng lời hứa, chỉ cần lời nói là đủ, không cần hành động.
Từ những tác động trên, chắc chắn là việc không giữ lời sẽ tạo ra thói quen không đáng tin cậy trong tương lai của trẻ. Dù trẻ ở độ tuổi nào, cũng sẽ tạo ra thói quen, trẻ học theo hình mẫu của bố mẹ. Hoặc, khi trẻ qua độ tuổi nhận thức bố mẹ khác mình, trẻ sẽ khó giữ được độ tôn trọng nhất định đối với bố mẹ.
Trẻ có trở nên tiêu cực hoặc bi quan ra sao nếu thường xuyên phải đối mặt với lời hứa không được thực hiện?
Điều hiển nhiên là trẻ sẽ thất vọng, nhận thấy bản thân không đáng giá, hoặc không chấp nhận được sự thật bố mẹ đã thất hứa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, về lâu dài trẻ sẽ mất niềm tin vào thế giới quan xung quanh, dần trở nên thờ ơ, mất niềm hi vọng vào cuộc sống, hoặc lời hứa với người khác.
Đồng thời, trẻ cũng sẽ dễ nảy sinh một số vấn đề với nhà trường, thầy cô, sau này là với động nghiệp. Từ đó, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh, tính cách cũng như quá trình trưởng thành của trẻ.
Trong trường hợp bố mẹ không thể thực hiện lời hứa, cách tốt nhất để giải thích cho trẻ là gì?
Khi không thể thực hiện lời hứa, nhiệm vụ đầu tiên bố mẹ nên làm là xin lỗi con. Nhưng thực tế, nhiều bố mẹ Việt không dễ nói ra lời xin lỗi, dù vậy lý do là gì, bố mẹ hãy thừa nhận rằng bản thân không thể thực hiện được theo lời đã hứa.
Sau đó, bố mẹ đưa ra những lời giải thích dựa theo độ tuổi của trẻ, hoàn cảnh. Sự giải thích nên đến từ hai phía, khách quen như: Trời mưa, bố mẹ bận công việc... Hay chủ quan về việc bố mẹ không thể lường trước được sự việc, gặp khó khăn thế nào... nhằm giúp trẻ hiểu rằng bố mẹ hối tiếc vì việc thất hứa.
Điều tiếp theo, hãy cho trẻ biết những lý do chính đáng, hay lời hứa của bố mẹ vẫn xứng đáng được trẻ tôn trọng trong tương lai.
Làm thế nào để trẻ học được sự kiên nhẫn và chấp nhận khi bố mẹ không thể thực hiện lời hứa?
Điều này đến từ nhiều yếu tố khác nhau, nếu bản tính của trẻ đã có sẵn đủ kiên nhẫn, vị tha, hiểu chuyện thì trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, trường hợp trẻ mặc định người khác phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vùa, thì lúc này sẽ khó chấp nhận hơn.
Dù trường hợp nào, thì bố mẹ cũng cần có lời giải thích, đưa ra lý do rõ ràng đủ thuyết phục.
Hãy cho trẻ biết khi nào mẹ sẽ bù đắp, hay thực hiện lời hứa đó, cùng trẻ đưa ra giải pháp phù hợp cho vấn đề.
Khi trẻ nhận được ba điều trên một cách nghiêm túc, chân thành từ bố mẹ, sẽ không ảnh hưởng lớn đến niềm tin, sự tin tưởng với những người xung quanh.