Khi trẻ dành quá nhiều thời gian nghỉ hè để dùng điện thoại, xem TV sẽ có những ảnh hưởng nhất định về thể chất, tinh thần.
Nghỉ hè là khoảng "thời gian vàng" để trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi và gắn kết với gia đình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng trẻ dành quá nhiều thời gian để chơi điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử đã trở thành mối quan ngại của nhiều gia đình.
Trong mùa hè, khi không còn bị ràng buộc bởi lịch học tập và các hoạt động ngoại khóa, nhiều trẻ lại có xu hướng dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để chơi các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng hoặc xem các video, phim truyền hình.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ mà còn hạn chế những hoạt động ngoài trời lành mạnh như chơi thể thao, tập luyện, vui chơi cùng bạn bè.
Ảnh minh họa.
Bố mẹ cần nhanh chóng can thiệp và đưa ra các biện pháp quản lý, hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của trẻ trong mùa hè.
Khi cân bằng được thời gian dành cho các hoạt động trên internet và các hoạt động ngoài thực tế, trẻ em mới có thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ hè đáng nhớ.
Về vấn đề này, Thạc sĩ, giảng viên tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đã có những chia sẻ hữu ích, nhằm giúp phụ huynh hiều hơn về tâm lý, nhu cầu của con về việc sử dụng các thiết bị điện tử. Đồng thời, gợi ý bố mẹ cách hướng dẫn, giám sát con phù hợp hơn.
Việc trẻ sử dụng quá nhiều điện thoại, xem TV trong thời gian nghỉ hè có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ?
Thực tế, khi trẻ xem điện thoại, TV quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung.
Về thể chất: Thị lực suy giảm, khi các cơ hạn chế vận động sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các triệu chứng bệnh Tic có liên quan đến việc trẻ dành quá nhiều thời gian cho TV và điện thoại. Toàn bộ cơ thể không được vận động, nhưng trong khi đó cơ tay, đặc biệt ngón tay cái vận động quá nhiều.
Về tinh thần: Khi trẻ xem điện thoại, TV quá nhiều sẽ tăng nguy cơ tiềm kiếm liên tục những hình ảnh, âm thanh bắt mắt, từ đó kích thích dopamine tiết ra nhiều hơn. Đồng thời, dẫn đến việc trẻ lười, ngại tham gia hoạt động ngoài trời, từ đó ảnh hưởng đến khả năng kết bạn, kỹ năng tương tác với trẻ khác bên ngoài.
Thêm vào đó, sẽ ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt, thời gian nghỉ ngơi, ăn uống hàng ngày trong kỳ nghỉ hè. Mối liên hệ với gia đình không có sự gắn kết, bởi lúc này trẻ nhận ra bản thân chỉ có nhu cầu với điện thoại, TV. Vì vậy, trẻ dần giảm nhu cầu được kết nối, tham gia hoạt động thể theo, đi chơi cùng gia đình...
Nguy hiểm hơn, nếu trẻ xem điện thoại, TV thiếu sự kiểm soát của gia đình, dẫn đến việc rối loạn về giấc ngủ, lịch sinh hoạt, thói quen dần bị thay đổi.
Chuyên gia có thể chia sẻ về những hậu quả lâu dài xảy ra nếu trẻ vẫn giữ thói quen này khi bước vào năm học mới? Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến kết quả học tập và sự phát triển của trẻ?
Khi vào năm học trẻ cần chia sẻ thời gian cho việc học, nhận được nhiều về yêu cầu bài tập, ôn luyện thi. Vì vậy, lúc này nếu trẻ rơi vào "cơ chế nghiện", ví dụ dùng điện thoại để chơi game, hay xem phim truyền hình dài tập trên 4-8 giờ, lúc này khi bị hạn chế trẻ sẽ cảm thấy bức rức.
Nếu như không thể quay trở lại lịch làm việc của năm học mới, không thể thích nghi, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình, kết quả học tập.
Thời gian nghỉ hè trẻ không có môi trường giao lưu, tương tác với người khác. Khi vào năm học mới, khả năng kết bạn, làm việc nhóm trên lớp, những hoạt động bên ngoài tách rời ra khỏi màn hình, sẽ khiến trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng. Từ đó, dẫn đến hệ lụy về phát triển tinh thần, mối quan hệ,...
Khi trẻ bước vào giai đoạn học tập quan trọng, như trẻ cấp 1, cần hiểu biết về kiến thức tổng quát, trẻ cấp 2 cần học và phát triển tư duy phản biện, mối liên hệ bạn bè, trẻ cấp 3 cần học tập hướng ngành nghề. Vì vậy, nếu trẻ mất kiến thức cơ bản ở các cấp dưới, sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn tiếp theo trong quá trình học.
Theo quan sát của chuyên gia, những đặc điểm về tâm lý, hành vi của trẻ khi sử dụng quá nhiều điện thoại, TV trong thời gian nghỉ hè là gì? Có khác biệt so với khi đi học như thế nào?
Đầu tiên, trẻ luôn có nhu cầu sử dụng điện thoại, hay chỉ muốn dán mắt vào TV. Tẻ tỏ ra buồn phiền, thậm chí bức bối, nổi cáu khi phải cách xa các thiết bị điện tử.
Thứ hai, trẻ dần mất đi kết nối với mọi người xung quanh. Ví dụ, trẻ không có nhu cầu chào hỏi, trò chuyện khi có khác hay người thân đến nhà chơi.
Thứ ba, trẻ dần thay đổi về lời nói, hành vi, tính cách dần trở nên lầm lì, ít nói hơn. Nghiêm trọng hơn, có thể dấu hiệu bệnh Tic như đề cập ở trên.
Bố mẹ cần có những biện pháp can thiệp cụ thể như thế nào để hạn chế và quản lý thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian nghỉ hè? Chuyên gia có thể gợi ý thêm những cách mà bố mẹ khuyến khích trẻ tham gia để giúp con có một kỳ nghỉ hè lành mạnh?
Đầu tiên, bố mẹ cần can thiệp sớm, nếu lúc này bố mẹ không thể giải quyết có thể nhận hỗ trợ từ người thân, người có sức ảnh hưởng để quy định về thời gian sử dụng các thiết bị điện tử.
Tiếp theo, cần có người kiểm soát nếu trẻ có nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử. Vào buổi sáng, trẻ không nên sử dụng các thiết bị này ngay, mà cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, ăn uống, bài tập luyện ôn trong hè...
Quy định rõ trẻ được sử dụng các thiết bị điện tử trong bao lâu, với sự giám sát của ai. Ví dụ, sử dụng TV ở phòng khách hay phòng ngủ, kết nối Internet như thế nào... Những điểm này đều cần có người giám sát cụ thể. Đặc biệt với trẻ mẫu giáo, tiểu học.
Bố mẹ cần ngồi lại với trẻ để tổ chức, hoặc thiết kế chương trình mùa hè, các hoạt động bên ngoài, ví dụ khi nào nên đưa con đi chơi, các địa điểm tham quan, khóa học hè, khu vui chơi, lớp học thêm, môn thể thao, loại hình giải trí, thư giãn...
Thực tế, nhiều phụ huynh Việt chỉ thực hiện ở bước đầu tiên là cấm trẻ, nhưng về sau trẻ cần làm gì để thay thế thời gian rảnh đó thì chưa xử lý ổn thỏa. Đa phần, phụ huynh yêu cầu con học, đọc sách trong thời gian đó, nhưng nhiều trẻ không có khả năng tự học một mình, điều này vô tình khiến trẻ cảm thấy khó chịu, tạo phản ứng ngược. Vì vậy, bố mẹ nên chú ý đồng hành, chia sẻ, thảo luận với con về chương trình vui chơi, học tập mùa hè.
Bản thân tôi cũng có con nhỏ đang trong thời gian nghỉ hè, tôi áp dụng những cách sau đây:
- Tôi và chồng cùng thiết kế lịch sinh hoạt của gia đình, thời gian biểu của con, hỏi con "Ngày mai con muốn làm gì?", "Con muốn xem chương trình gì trên điện thoại", "Con xem trong bao lâu..."? Chúng tôi luôn cố gắng dành thời gian để xem cùng con.
- Thực tế, vợ chồng tôi vẫn đi làm, nhưng con thì đang nghỉ hè, vì vậy tôi chọn cho con tham gia công tác cùng mình. Ví dụ, khi tôi đi dạy ở các trường học không quá đặc thù, tôi vẫn cố gắng cho bé cùng lên trường, trong thời gian di chuyển sẽ cố gắng trò chuyện, lúc giải lao sẽ cùng đọc sách với con, mỗi tuần sẽ cùng con tham gia các hoạt động thể thao...
Nhìn chung, bố mẹ hãy trao cho trẻ một lịch trình sinh hoạt cụ thể, để trẻ nhận thấy rằng, mùa hè là thời gian để nghỉ ngơi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần lên kế hoạch. Thực tế, nếu không có kế hoạch cụ thể, thì TV hay điện thoại là lựa chọn tối ưu, đầy cám dỗ với trẻ. Vì vậy, bố mẹ hãy chú ý thiết kế cho con một thời gian biểu hợp lý trong dịp hè này.