Chuyên gia tâm lý đưa ra thông tin, lời khuyên để bố mẹ có thể tìm kiếm giải pháp tốt, nhằm đảo bảo mức tác động đến trẻ ở mức thấp nhất.
Như chúng ta đều biết, nền tảng gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự hình thành và trưởng thành, cả về mặt thể chất, tinh thần và xã hội của trẻ.
Các mối quan giữa bố mẹ và con cái, anh chị em, đóng vai trò then chốt trong việc hình thành nhân cách và sự ổn định về mặt tinh thần của trẻ. Trẻ em được chăm sóc, yêu thương, quan tâm từ gia đình sẽ có những nền tảng tâm lý vững chắc, hình thành được những giá trị và lối sống tích cực.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, không phải tất cả các gia đình đều tạo được những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Những vấn đề như bạo lực gia đình, ly hôn, hoàn cảnh khó khăn về kinh tế,.. có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của
Khi bố mẹ xem xét đến việc ly hôn, đây là một vấn đề rất nhạy cảm, gây nhiều tác động đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ thường rơi vào hoàn cảnh khó khăn và cảm thấy bị chia cắt, không biết nên sống với bố hay mẹ. Vì vậy, việc bố mẹ hỏi con "Nếu bố mẹ ly hôn, con muốn sống cùng ai?" đòi hỏi phải có cách xử lý rất cẩn thận.
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui đưa ra thông tin, lời khuyên để bố mẹ có thể tìm kiếm giải pháp tốt, thỏa thuận tích cực, nhằm đảo bảo mức tác động đến trẻ ở mức thấp nhất, giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn.
Có nhận định cho rằng, người mẹ tinh tế không nên hỏi con "Nếu cha mẹ ly hôn, con muốn đi cùng ai?" Chuyên gia nghĩ sao về điều này?
Trước tiên, chúng ta nên nhìn nhận thực tế là đời sống của bố mẹ đang gặp phải một số vấn đề khó hòa giải, vậy nên lúc này họ suy tính đến việc ly thân hoặc ly hôn.
Vấn đề ở đây không phải là người mẹ có tinh tế hay không, mà điểm chính là xuất phát từ lý do cần hỏi là gì, và độ tuổi của con đã sẵn sàng đã nghe về vấn đề này hay chưa? Nếu hỏi về vấn đề xuất phát từ lý do hờn dỗi, trách cứ thì không nên.
Trường hợp con đã đủ ý thức, có khả năng nhận biết để lựa chọn, và người mẹ thật sự tôn trọng, muốn đưa cho con sự lựa chọn phù hợp thì đây là điều nên làm, cũng không thực sự liên quan đến việc mẹ tinh tế hay không, mà là vấn đề cần phải đối diện. Vì vậy, điều này còn cần xem xét tùy vào bối cành và mục đích.
Việc hỏi trẻ câu trên có thể tác động đến tâm lý và cảm xúc của trẻ như thế nào? (ví dụ: 5 tuổi, 10 tuổi, 15 tuổi)
Dù trẻ ở độ tuổi nào thì đều có sự tác động nhất định. Ví dụ, trẻ càng nhỏ thì sự tác động càng mạnh, vì trẻ đã tin rằng mình sống cùng với bố và mẹ là nhu cầu xứng đáng để được đáp ứng.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ hỏi trẻ một cách trực tiếp, hay gián tiếp cho trẻ biết rằng nhu cầu đó không được đáp ứng và chấp thuận nữa, trẻ chỉ được chọn bố hoặc mẹ. Thậm chí, nhiều trường hợp, trẻ phải sống cùng ông bà nội hoặc ngoại, điều này vô tình khiến trẻ tin rằng, nhu cầu của mình chính đáng của mình không bao giờ được chấp nhận. Khi trẻ đã hình thành suy nghĩ này, sẽ bắt đầu phớt lờ nhu cầu của mình.
Đối với trẻ lớn hơn sự tác động sẽ ở mức giảm đi. Ví dụ, đối với trẻ ở độ tuổi trưởng thành (sau18 tuổi) thì đây là câu hỏi khá rõ ràng. Nếu bản thân trẻ nhận thức việc bố mẹ ly hôn sẽ hạnh phúc hơn là sống cùng nhau, thì câu hỏi này có thể tác động tích cực đến trẻ, và dễ dàng để đưa ra quyết định.
Một điều quan trọng chúng ta cần lưu ý, trẻ độ tuổi 10-13 là giai đoạn trẻ dễ nổi loạn, câu hỏi này có thể khiến trẻ kích hoạt sự ngông cuồng của tuổi dậy thì, thời điểm này trẻ thường hướng về bạn bè nhiều hơn gia đình. Câu hỏi trên có thể phá bung mối quan hệ giữa trẻ và gia đình. Vì vậy, bố mẹ cần thận trọng hơn nếu trao đổi với con về vấn đề này, khi trẻ đang trong độ tuổi nổi loạn.
Trong trường hợp bố mẹ đang xem xét ly hôn, liệu việc hỏi trẻ câu hỏi này có gây ra sự mâu thuẫn và chia rẽ trong gia đình không? Theo chuyên gia cần lưu ý điều gì?
Trước khi hỏi trẻ về điều này, bố mẹ nên trao đổi rõ ràng với nhau trước, xác định rằng dù trẻ lựa chọn điều gì cũng không khiến cho đối phương cảm thấy sốc, và sẵn sàng tuân theo lựa chọn của trẻ.
Trong trường hợp đáng buồn hơn là cả bố và mẹ đều muốn hoặc bố mẹ không muốn nuôi dưỡng con, thì rõ ràng câu hỏi này gây ra sự mâu thuẫn, chia sẽ, tổn thương đến trẻ. Vì vậy, bố mẹ cần suy tính kỹ trước khi trao đổi với con.
Ngoài việc không hỏi câu hỏi trực tiếp, người mẹ tinh tế có thể làm gì khác để thể hiện sự quan tâm, lắng nghe và hỗ trợ con phát triển tính cách, tâm lý lành mạnh?
Đối với trẻ lớn, trong độ tuổi từ 15-18, hoặc sau tuổi 18 thì bố hoặc mẹ có thể dạy cho con biết về sự mong manh của một mối quan hệ, trách nhiệm đối với quyết định trẻ đưa ra là gì. Đồng thời, bố mẹ có thể dạy cho trẻ biết cách nhì nhận một người, khi sống chung và thể hiện sự gắn kết như thế nào.
Thực tế, chúng ta có thể truyền nhiều thông điệp từ câu hỏi trên. Người mẹ hãy dành thời gian trò chuyện với con. quan sát suy nghĩ, sự phát triển về mặt tinh thần, cũng như cách trẻ đang nhìn nhận, ứng biến với tình huống này.
Trường hợp, bố mẹ đã quyết định ly hôn, thì dù có tinh tế, cẩn thận đến mấy cũng sẽ tác động tiêu cực nhất định đến các con.