Câu chuyện giải thích nguồn gốc và tập tính đặc trưng của con lợn ngày nay.
Nội dung truyện cổ tích sự tích con lợn
Ngày xưa có một gia đình nông dân sống rất nhân hậu. Vợ chồng cày sâu cuốc bẫm, tiết kiệm giúp đỡ người nghèo. Họ đã tạo được trâu khỏe, ruộng tốt, cất được 5 gian nhà gỗ lim, vườn cau, ao cá.
Cuộc sống tưởng thế đã thanh nhàn. Nhưng oái oăm thay, vợ chồng lại không có mụn con nào. Vợ chồng buồn rầu. Làng xóm chế giễu. Mỗi lần như thế, hai vợ chồng lại tìm thầy tìm thuốc tốn kém vô kể. Một hôm có người mách:
– Ông bà có con phải cầu tự. Nghĩa là phải làm một chuyện gì đó để lại công đức cho thần thánh, cho người đời.
Hai vợ chồng từ đó đêm nào cũng trằn trọc tìm việc làm công đức. Người chồng đề nghị còn bao nhiêu vốn liếng xây dựng một ngôi đền. Người vợ đồng ý và ngay ngày hôm sau ra sông mua gỗ. Ba tháng sau, ngôi đền uy nghi mọc giữa thôn Đoài. Các vị thần: Của cải, Trí tuệ, Sức khỏe, Ăn chơi đã tụ tập về. Ai ước nguyện thế nào thì được thế ấy.
Ông bà nọ ước ao có con, thần thương lắm đã cho người con trai đẹp và khỏe mạnh. Đáng tiếc, vợ chồng người nông dân quý con quá hóa tội. Cậu bé tên Hợi trái ngược tính nết với người sinh ra nó.
Ảnh minh họa.
Cậu thích ngủ và chơi bời, dỗ dành mãi mới đến trường, nhưng vừa ngồi xuống ghế đã ngủ gật, thành thử ba năm sau vẫn chưa viết nổi cái tên của Hợi. Về sau Hợi bỏ học la cà trong làng, ngoài bãi, ven sông. Tệ hơn nữa khi Hợi có vợ lại đuổi cha mẹ ra ở riêng. Mặc thế, ông bà vẫn dốc lòng chiều chuộng thương con.
Hôm người mẹ hấp hối, bà bảo chồng gọi Hợi lại, nắm lấy tay và nói đứt quãng trong hơi thở:
– Cha mẹ thật ân hận chưa lo cho con được nhiều. Nay mẹ sắp qua đời muốn hỏi con có nguyện vọng gì để khi xuống suối vàng mẹ biết mà cầu xin phù hộ cho con.
Người con nói ngay:
– Con ao ước suốt đời không làm mà được ăn no, được ngủ không ai quấy rầy. Nói tóm lại được người ta hầu hạ.
Mai táng vợ xong, người chồng vào đền cầu xin nguyện vọng đó cho con. Các vị thần linh hội ý với nhau thấy thật khó xử. Thật ra nếu xin của cải giàu sang, trí tuệ minh mẫn, sức khỏe phi thường hay ăn chơi phóng đãng thì dễ.
Đằng này nó chỉ ước mơ tầm thường ăn no ngủ kỹ. Có khó một chút là bắt người ta hầu hạ. Khoản này vượt quá quyền hạn của các thần trong đền. Họ bàn với nhau tâu lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng nghe xong ngoảnh lại nói với thần Trí tuệ:
– Thật đáng buồn cho giống người. Ta sinh ra họ cốt để làm đẹp cho thiên hạ. Vậy mà nay có kẻ chỉ ước ao ăn ngủ, lại còn muốn người ta hầu hạ nữa. Tệ. Tệ thật.
Thần Trí tuệ cúi đầu lạy:
– Bẩm thưa Thượng đế, cha mẹ của Hợi là người nhân đức. Chính họ đã có công thờ thần linh. Nếu ta không giúp họ thì sẽ mất niềm tin ạ.
Ngọc Hoàng thấy thần Trí tuệ nói phải. Nhưng như thế thì vô lý quá. Ai đời cùng loài người với nhau lại bắt người này hầu hạ người nọ. Bỗng Ngọc Hoàng reo lên:
– Ta nghĩ ra rồi. Thần lại đây ta bảo.
Thần Trí tuệ mặt tươi như hoa đến quỳ lạy dưới chân Ngọc Hoàng.
– Tên Hợi ước: Ăn no, ngủ yên, có người hầu hạ chứ gì? Ta cho làm kiếp lợn. Kiếp ấy được như thế, nhưng đoản thọ và chính tay người hầu hạ giết nó.
Thần Trí tuệ toan nói hộ cho người nông dân vài điều nữa thì Ngọc Hoàng đã giũ áo bào đi ra. Thần buồn bã bay về làng Đoài thì được tin ông lão nông dân và con trai tên Hợi đã mất cách đây nửa năm. Điều lạ là trong làng Đoài mọc lên ngọn núi nhỏ có lửa, cháy chập chờn dòng chữ “Ốc Thượng Thổ”.
Trong làng Đoài nhà ai cũng có ổ tò vò mọc chi chít trên nóc nhà, nhà nào cũng nuôi một giống vật lạ: Mõm dài, tai lớn, bốn chân nhỏ, mình nục nạc những thịt. Nó không biết kêu mà chỉ biết éc.
Giống ấy phàm ăn. Ăn xong thì ngủ. Hơi ngót dạ lại đòi ăn làm cho người làng phải bưng xách nấu nướng thật vất vả. Vì nguyện vọng nuôi nó chóng lớn để mau giết thịt nên người ta đặt tên là Lớn. Tiếng này lâu ngày đọc chệch thành Lợn.
Thử tài trí nhớ qua những câu đố vui