Top 3 truyện cổ Grimm hay và bài học ý nghĩa cho bé

Hạ Mây - Ngày 27/08/2021 19:05 PM (GMT+7)

Dưới đây là top 3 chuyện cổ Grimm điển hình, mỗi câu chuyện sẽ kể cho trẻ bao điều thú vị về thế giới cổ tích diệu kỳ, đồng thời cung cấp cho trẻ những bài học ý nghĩa về cuộc sống.

Truyện cổ Grimm là một trong những tập truyện cổ tích nổi tiếng được nhiều trẻ em trên thế giới yêu thích, với những câu chuyện khác nhau không những đem đến cho các bé những điều thú vị, với cách truyền tải nhẹ nhàng nhưng có tính răn đe khá lớn cho các bé đang trong độ tuổi phát triển về mặt nhận thức. 

Dưới đây là top 3 chuyện cổ Grimm điển hình, đi sâu vào tiềm thức người đọc bao thế hệ, mỗi câu chuyện sẽ kể cho trẻ bao điều thú vị về thế giới cổ tích diệu kỳ, đồng thời cung cấp cho trẻ những bài học cuộc sống ý nghĩa.

Top 3 truyện cổ Grimm hay và bài học ý nghĩa cho bé - 2

Cô bé lọ lem

Ngày xưa có một người đàn ông giàu có, vợ ông ta ốm nặng. Khi bà cảm thấy mình sắp gần đất xa trời, bà gọi người con gái duy nhất của mình lại bên giường và dặn dò:

- Con yêu dấu của mẹ, con phải chăm chỉ nết na nhé, mẹ sẽ luôn luôn ở bên con, phù hộ cho con.

Nói xong bà nhắm mắt qua đời. Ngày ngày cô bé đến bên mộ mẹ ngồi khóc. Cô chăm chỉ, nết na ai cũng yêu mến. Mùa đông tới, tuyết phủ đầy trên mộ người mẹ nom như một tấm khăn trắng. Và khi ánh nắng trời xuân cuốn đi chiếc khăn tuyết ấy, người bố lấy vợ hai.

Người dì ghẻ mang theo hai người con gái riêng của mình. Hai đứa này mặt mày tuy sáng sủa, kháu khỉnh nhưng bụng dạ lại xấu xa đen tối. Từ đó trở đi, cô bé mồ côi sống một cuộc đời khốn khổ.

Dì ghẻ cùng hai con riêng hùa nhau nói:

- Không thể để con ngan ngu ngốc kia ngồi lỳ trong nhà mãi thế được! Muốn ăn bánh phải kiếm lấy mà ăn. Ra ngay, con làm bếp!

Chúng lột sạch quần áo đẹp của cô, mặc vào cho cô bé một chiếc áo choàng cũ kỹ màu xám và đưa cho cô một đôi guốc mộc.

- Hãy nhìn cô công chúa đài các thay hình đổi dạng kìa!

Cả ba mẹ con reo lên nhạo báng và dẫn cô xuống bếp. Cô phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối, tờ mờ sáng đã phải dậy, nào là đi lấy nước, nhóm bếp, thổi cơm, giặt giũ. Thế chưa đủ, hai đứa con dì ghẻ còn nghĩ mọi cách để hành hạ cô, hành hạ chán chúng chế giễu rồi đổ đậu Hà Lan lẫn với đậu biển xuống tro bắt cô ngồi nhặt riêng ra.

Đến tối, sau một ngày làm lụng vất vả đã mệt lử, cô cũng không được nằm giường, mà phải nằm ngủ ngay trên đống tro cạnh bếp. Và vì lúc nào cô cũng ở bên tro bụi nên nom lem luốc, hai đứa con dì ghẻ gọi cô là "Lọ Lem".

Có lần đi chợ phiên, người cha hỏi hai con dì ghẻ muốn mua quà gì. Đứa thứ nhất nói:

- Quần áo đẹp.

Đứa thứ hai nói:

- Ngọc và đá quý.

Cha lại hỏi:

- Còn con, Lọ Lem, con muốn cái gì nào?

- Thưa cha, trên đường về, cành cây nào va vào mũ cha thì cha bẻ cho con.

Nàng lọ lem được bà tiên hóa phép giúp nàng đến vũ hội.

Nàng lọ lem được bà tiên hóa phép giúp nàng đến vũ hội.

Người cha mua về cho hai con dì ghẻ quần áo đẹp, ngọc trai và đá quý. Trên đường về, khi ông cưỡi ngựa đi qua một bụi cây xanh, có cành cây dẻ va vào người ông và làm lật mũ rơi xuống đất. Ông bẻ cành ấy mang về. Về tới nhà, ông chia quà cho hai con dì ghẻ những thứ chúng xin và đưa cho Lọ Lem cành hạt dẻ. Lọ Lem cám ơn cha, đến bên mộ mẹ, trồng cành dẻ bên mộ và ngồi khóc thảm thiết, nước mắt chảy xuống tưới ướt cành cây mới trồng.

Cành nảy rễ, đâm chồi và chẳng bao lâu sau đã thành một cây cao to. Ngày nào Lọ Lem cũng ra viếng mộ mẹ ba lần, ngồi khóc khấn mẹ, và lần nào cũng có một con chim trắng bay tới đậu trên cành cây. Hễ Lọ Lem ngỏ ý mong ước xin gì thì chim liền thả những thứ ấy xuống cho cô.

Một hôm nhà vua mở hội ba ngày liền, và cho mời tất cả các hoa khôi trong nước tới dự để hoàng tử kén vợ.

Hai đứa con dì ghẻ nghe nói là mình cũng được mời tới dự thì mừng mừng rỡ rỡ, gọi Lọ Lem đến bảo:

- Mau chải đầu, đánh giày cho chúng tao, buộc dây giày cho chặt để chúng tao đi dự hội ở cung vua.

Lọ Lem làm xong những việc đó rồi ngồi khóc, vì cô cũng muốn đi nhảy. Cô xin dì ghẻ cho đi. Dì ghẻ nói:

- Đồ Lọ Lem, người toàn bụi với bẩn mà cũng đòi đi dự hội! Giày, quần áo không có mà cũng đòi đi nhảy.

Lọ Lem khẩn khoản xin thì dì ghẻ nói:

- Tao mới đổ một đấu đậu biển lẫn với tro, nếu mày nhặt trong hai tiếng đồng hồ mà xong thì cho mày đi.

Cô bé đi qua cửa sau, ra vườn gọi:

- Hỡi chim câu hiền lành, hỡi chim gáy, hỡi tất cả các chim trên trời, hãy bay lại đây nhặt giúp em:Đậu ngon thì bỏ vào niêu,

Đậu xấu thì bỏ vào diều chim ơi.

Lập tức có đôi chim bồ câu trắng bay qua cửa sổ bếp sà xuống, tiếp theo là chim gáy, rồi tất cả chim trên trời đều sà xuống quanh đống tro. Chim câu gù gù rồi bắt đầu mổ lia lịa píc, píc, píc, nhặt những hạt tốt bỏ vào nồi. Chưa đầy một tiếng đồng hồ chim đã nhặt xong. Làm xong chim lại cất cánh bay đi. Cô gái mang đậu cho dì ghẻ, bụng mừng thầm tin rằng thế nào mình cũng được phép đi dự dạ hội.

Nhưng dì ghẻ bảo:

- Không được đi đâu cả. Lọ Lem! Mày làm gì có quần áo nhảy mà đi nhảy, người ta sẽ nhạo báng mày cho coi.

Khi thấy cô gái khóc, dì ghẻ bảo:

- Nếu mày nhặt hai đấu đậu biển khỏi tro trong một tiếng đồng hồ thì cho phép mày đi cùng.Khi đó dì ghẻ nghĩ:

- Chắc chắn chẳng bao giờ nó nhặt xong.Sau khi dì ghẻ đổ đậu lẫn trong đống tro, cô gái đi qua cửa sau ra vườn và lại gọi:

- Hỡi chim câu hiền lành, hỡi chim gáy, hỡi tất cả các chim trên trời, hãy bay lại đây nhặt giúp em:

Đậu ngon thì bỏ vào niêu,

Đậu xấu thì bỏ vào diều chim đi.

Lập tức có chim bồ câu trắng bay qua cửa sổ bếp sà xuống, tiếp theo là chim gáy, rồi tất cả chim trên trời đều sà xuống quanh đống tro. Chim câu gù gù rồi bắt đầu mổ lia lịa píc, píc, píc; rồi những chim khác cũng thay nhau mổ píc, píc, píc nhặt những hạt tốt bỏ vào nồi. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ chim đã nhặt xong và cất cánh bay đi. Rồi cô gái mang đậu cho dì ghẻ xem, bụng mừng thầm tin rằng lần này thế nào mình cũng được phép đi dự dạ hội. Nhưng dì ghẻ bảo:

- Tốn công vô ích con ạ! Mày không đi cùng được đâu, vì mày làm gì có quần áo nhảy mà đi nhảy. Chả nhẽ bắt chúng tao bẽ mặt vì mày hay sao?

Nói rồi mụ quay lưng, cùng hai đứa con kiêu ngạo vội vã ra đi.

Khi không còn một ai ở nhà, Lọ Lem ra mộ mẹ, đứng dưới gốc cây dẻ gọi:

Cây ơi, cây hãy rung đi,

Thả xuống áo bạc áo vàng cho em.

Chim thả xuống cho cô một bộ quần áo thêu vàng, thêu bạc và một đôi hài lụa thêu chỉ bạc. Cô vội mặc quần áo vào đi dự hội. Dì ghẻ và hai con gái không nhận được ra cô, cứ tưởng đó là nàng công chúa ở một nước xa lạ nào tới, vì cô mặc áo vàng trông đẹp quá.

Mấy mẹ con không ngờ đó lại là Lọ Lem, đinh ninh là cô đang ở nhà và giờ này đang lúi húi nhặt đậu khỏi tro. Hoàng tử đi lại phía cô, cầm tay cô nhảy. Hoàng tử không muốn nhảy với ai nữa nên không chịu rời tay cô ra. Nếu có ai đến mời cô nhảy thì chàng nói:

- Đây là vũ nữ của tôi!

Đến tối cô muốn về nhà thì hoàng tử nói:

- Để tôi đi cùng, tôi muốn đưa cô về.

Chàng rất muốn biết cô thiếu nữ xinh đẹp này là con cái nhà ai. Gần đến nhà, cô gỡ tay hoàng tử ra và nhảy lên chuồng chim bồ câu. Hoàng tử chờ đợi mãi, khi người cha đến chàng kể với ông về việc cô gái lạ mặt đã nhảy vào chuồng bồ câu. Ông cụ nghĩ:

- Phải chăng đó là Lọ Lem?

Rồi cụ lấy rìu và câu liêm chẻ đôi chuồng bồ câu ra. Nhưng chẳng có ai ở trong đó cả. Khi họ về tới thì thấy Lọ Lem mặc quần áo nhem nhuốc đang nằm trên đống tro, bên ống khói lò sưởi có một ngọn đèn dầu cháy tù mù.

Thì ra Lọ Lem đã nhảy nhanh như cắt từ chuồng bồ câu xuống, chạy lại phía cây dẻ cởi quần áo đẹp đẽ ra để trên mộ. Chim sà xuống tha những thứ đó đi. Rồi cô lại mặc chiếc áo choàng màu xám vào, nằm trên đống tro trong bếp như cũ.

Hôm sau, hội lại mở. Khi cha mẹ và hai em đi rồi. Lọ Lem lại đến gốc cây dẻ gọi:

Cây ơi, cây hãy rung đi,

Thả xuống áo bạc, áo vàng cho em.

Chim lại thả xuống cho em một bộ quần áo lộng lẫy hơn hôm trước. Cô mặc bộ quần áo ấy đi. Khi cô xuất hiện trong buổi dạ hội, cô đẹp rực rỡ làm mọi người ngẩn người ra ngắm. Hoàng tử đã đợi cô từ lâu liền cầm tay cô và chỉ nhảy với một mình cô thôi. Các người khác đến mời cô nhảy thì hoàng tử nói:

- Đây là vũ nữ của tôi!

Đến tối, cô xin về, hoàng tử đi theo xem nhà cô ở đâu. Đến nơi, cô vội lên hoàng tử chạy ra vườn sau nhà. Ở đó có một cây lê quả sai chi chít nom thật ngon lành. Cô trèo nhanh như sóc lẫn giữa các cành. Hoàng tử không biết cô trốn ở đâu, chàng đợi khi người cha đến thì nói:

- Cô gái lạ mặt đã chạy trốn. Ta đoán, có lẽ cô ấy nhảy lên cây lê rồi.

Người cha nghĩ:

- Phải chăng đó là Lọ Lem?

Ông cho mang rìu đến, đẵn cây xuống, nhưng chẳng thấy có ai trên cây. Khi cả nhà vào bếp thì thấy Lọ Lem nằm trên đống tro như mọi ngày. Thì ra cô đã nhảy từ phía bên kia cây xuống, đem trả quần áo đẹp cho chim trên cây dẻ và mặc chiếc áo choàng màu xám vào.

Đến ngày thứ ba, cha mẹ và các em vừa đi khỏi, Lọ Lem lại ra mộ mẹ và nói với cây:

Cây ơi, cây hãy rung đi,

Thả xuống áo bạc, áo vàng cho em.

Câu chuyện nàng lọ lem khẳng định người tốt sẽ được giúp đỡ và sống hạnh phúc.

Câu chuyện nàng lọ lem khẳng định người tốt sẽ được giúp đỡ và sống hạnh phúc.

Chim liền thả xuống một bộ quần áo đẹp chưa từng có và một đôi hài toàn bằng vàng. Với bộ quần áo ấy cô đến dạ hội, mọi người hết sức ngạc nhiên há hốc mồm ra nhìn. Hoàng tử chỉ nhảy với cô, có ai mời cô nhảy thì chàng nói:

- Đây là vũ nữ của tôi!

Khi trời tối, Lọ Lem muốn về. Hoàng tử định đưa về nhưng cô lẩn nhanh như chạch làm hoàng tử không theo kịp. Hoàng tử nghĩ ra một kế, chàng cho đổ nhựa thông lên thang, vì thế khi cô nhảy lên thang, chiếc giày bên trái bị dính lại. Hoàng tử cầm lên ngắm thì thấy chiếc hài nhỏ nhắn, xinh đẹp toàn bằng vàng.

Hôm sau hoàng tử mang hài đến tìm người cha và bảo:

- Ta chỉ lấy người đó làm vợ, người chân đi vừa chiếc hài này.

Hai cô con gái dì ghẻ mừng lắm, vì hai cô đều có đôi bàn chân đẹp. Cô cả mang giày vào buồng thử trước mặt mẹ. Nhưng cô không đút ngón chân cái vào được vì hài nhỏ quá.

Bà mẹ liền đưa cho cô một con dao và bảo:

- Cứ chặt phăng ngón cái đi. Khi con đã là hoàng hậu rồi thì cần gì phải đi bộ nữa.

Cô ta liền chặt đứt ngón chân cái, cố nhét chân vào hài rồi cắn răng chịu đau đến ra mắt hoàng tử. Hoàng tử nhận cô làm cô dâu và bế cô lên ngựa cùng về. Dọc đường, hai người phải đi qua mộ, có đôi chim câu đậu trên cây dẻ hót lên:

Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.

Máu thấm trên hài,

Do chân dài quá,

Chính cô dâu thật,

Vẫn ở trong nhà.

Hoàng tử liếc nhìn xuống chân cô thấy máu vẫn còn đang chảy ra, chàng liền quay ngựa lại, đưa cô dâu giả về nhà trả lại cho cha mẹ cô và nói:

- Đây không phải là cô dâu thật.

Rồi chàng đưa hài cho cô em thử. Cô em vào buồng thử hài thì may sao các ngón đều lọt cả, nhưng phải cái gót lại to quá. Bà mẹ đưa cô một con dao và bảo:

- Cứ chặt phăng đi một miếng gót chân. Khi con đã là hoàng hậu thì chẳng bao giờ phải đi chân đất nữa.

Cô ta chặt một miếng gót chân, cô đút chân vào hài, cắn răng chịu đau, ra gặp hoàng tử.

Hoàng tử nhận cô làm cô dâu và bế cô lên ngựa cùng về. Dọc đường, hai người phải đi qua mộ, có đôi chim câu đậu trên cây dẻ hót lên:

Rúc-di-cúc, rúc-di-cúc.

Máu thấm trên hài,

Do chân dài quá,

Chính cô dâu thật,

Vẫn ở trong nhà.

Hoàng tử nhìn xuống chân cô thấy máu vẫn còn đang chảy ra, chàng liền quay ngựa lại, đưa cô dâu giả về nhà trả lại cho cha mẹ cô và nói:

- Đây cũng không phải là cô dâu thật. Gia đình còn có con gái nào khác không?

Người cha đáp:

- Thưa hoàng tử không ạ. Người vợ cả của tôi khi qua đời có để lại một đứa con gái người xanh xao, nhem nhuốc. Thứ nó thì chả làm cô dâu được.

Hoàng tử bảo ông cứ gọi cô gái ấy ra. Dì ghẻ nói chen vào:

- Thưa hoàng tử, không thể thế được. Nó dơ bẩn lắm không thể cho nó ra mắt hoàng tử được.Hoàng tử khăng khăng nhất định đòi gọi Lọ Lem lên kỳ được. Cô rửa mặt mũi tay chân, đến cúi chào hoàng tử. Hoàng tử đưa cho cô chiếc hài vàng. Cô ngồi lên ghế đẩu, rút bàn chân ra khỏi chiếc guốc nặng chình chịch, cho chân vào chiếc hài thì vừa như in. Khi cô đứng dậy, hoàng tử nhìn thấy mặt nhận ngay ra cô gái xinh đẹp đã nhảy với mình bèn reo lên:

- Cô dâu thật đây rồi!

Dì ghẻ và hai cô con gái mặt tái đi vì hoảng sợ và tức giận. Hoàng tử bế Lọ Lem lên ngựa đi. Khi hai người cưỡi ngựa qua cây dẻ, đôi chim câu hót:

Rúc-di-cúc,

rúc-di-cúc

Hài không có máu,

Chân vừa như in,

Đúng cô dâu thật,

Hoàng tử dẫn về.

Hót xong, đôi chim câu bay tới đậu trên hai vai Lọ Lem, con đậu bên trái, con đậu bên phải.Khi đám cưới của hoàng tử được tổ chức thì hai cô chị cũng đến phỉnh nịnh để mong hưởng phú quý. Lúc đoàn đón dâu đến thì cô chị cả đi bên phải, cô em đi bên trái. Chim câu mổ mỗi cô mất một mắt. Sau đó khi họ trở về thì cô chị đi bên trái, cô em đi bên phải, chim câu lại mổ mỗi cô mất một mắt nữa. Cả hai chị em suốt đời mù lòa, vì bị trừng phạt do tội ác và giả dối.

Top 3 truyện cổ Grimm hay và bài học ý nghĩa cho bé - 5

Chó sói và bảy chú dê con

Ngày xửa ngày xưa, có một con dê cái già sinh được bảy chú dê con. Mẹ nào mà chả thương con, dê mẹ thương yêu đàn con của mình lắm. Một ngày kia, dê mẹ vào rừng kiếm thức ăn nên gọi bảy con lại dặn dò:

- Các con yêu dấu, mẹ muốn đi vào rừng một lát, các con hãy cảnh giác chó sói, nếu nó vào thì nó sẽ ăn thịt tất cả các con cả da lẫn lông. Thằng quỷ sứ ấy thường hay trá hình, nhưng các con cứ nghe thấy giọng khản ồ ồ và thấy cái chân đen sì là nhận ra được nó ngay.

Dê con đồng thanh đáp:

- Mẹ yêu, chúng con sẽ cảnh giác, mẹ cứ yên tâm mà đi.Dê mẹ kêu be be rồi yên trí lên đường.Không bao lâu sau thì có ai gõ cửa và gọi to:

– Hãy mở cửa ra, các con yêu dấu, mẹ đã về và có mang quà về cho các con đây.

Nghe tiếng khàn ồ ồ, dê con nhận ngay ra là chó sói, đàn dê con nói vọng ra:

– Chúng ta không mở cửa, ngươi đâu phải là mẹ chúng ta, mẹ có giọng nói thanh trong và dễ thương cơ, còn giọng ngươi khàn khàn ồ ồ, đúng ngươi là chó sói.

Sói vội chạy đến cửa hàng xén, mua cục phấn to để ăn cho thanh giọng. Rồi nó quay trở lại, gõ cửa và gọi:

– Hãy mở cửa ra, các con yêu dấu, mẹ đã về và có mang quà về cho các con đây.

Sói vịn chân lên cửa sổ, đàn dê con nhận ra và đồng thanh nói:

– Chúng ta không mở cửa, chân mẹ đâu có đen như chân ngươi, ngươi đúng là chó sói.

Chó sói gian xảo, tìm cách vào nhà của bảy chú dê con.

Chó sói gian xảo, tìm cách vào nhà của bảy chú dê con.

Sói liền chạy tới bác thợ làm bánh mì nói:

– Chân tôi vấp bị thương, bác làm ơn đắp bột nhão lên cho tôi.

Người làm bánh mì đắp bột nhão lên chân nó, nó liền chạy tới nhà người xay bột và nói:

– Bác làm ơn rắc bột trắng lên chỗ chân đắp bột nhão cho tôi.

Bác xay bột nghĩ: “Con sói này định đánh lừa ai đây”. Nên bác từ chối. Sói hăm dọa:

– Nếu bác không chịu làm việc đó thì tôi ăn thịt bác đấy.

Bác xay bột đâm ra sợ, đành phải rắc bột cho trắng chân sói.

Con sói quỷ sứ lại mon men tới cửa lần thứ ba, gõ cửa gọi:

– Mở cửa mẹ vào, các con yêu dấu. Mẹ của các con đã về và có mang quà ở rừng về cho các con đây.

Dê con bảo:

– Con xem chân, xem có đúng là mẹ yêu dấu không nào.

Sói đặt chân lên cửa sổ. Dê con thấy chân trắng, yên trí chắc là mẹ về thật nên mở cửa ra. Ngờ đâu kẻ vào nhà chính lại là chó sói. Đàn dê con hoảng sợ, tìm cách ẩn trốn.

Một con nhảy chui vào gầm bàn, con thứ hai chui vào gầm giường, con thứ ba chui vào lò, con thứ tư ẩn trong bếp, con thứ năm nấp vào tủ, con thứ sáu nấp sau chậu giặt quần áo, con thứ bảy chui vào trong hộp đồng hồ quả lắc treo trên tường. Nhưng sói đều tìm được. Nó không cần lựa chọn, nuốt chửng hết con này đến con kia, duy chỉ có con dê bé nhất núp trong hộp đồng hồ là nó không tìm thấy.

Khi đã thỏa mãn cơn thèm, sói khệnh khạng đi ra cánh đồng cỏ xanh tươi, nằm dưới một cây cổ thụ và thiu thiu ngủ.

2. Dê mẹ đi tìm chó sói và bảy chú dê con

Chỉ một lát sau dê mẹ ở rừng về tới nhà. Trời, dê mẹ nhìn cảnh vật mà đau lòng: cửa mở toang, bàn ghế đổ lỏng chỏng, ngổn ngang, chậu giặt vỡ tan tành, chăn gối vứt khắp nơi. Dê mẹ tìm chẳng thấy một đứa con nào cả. Dê mẹ gọi tên từng đứa, cũng chẳng thấy đứa nào thưa. Gọi mãi tới tên đứa út thì có tiếng nói khe khẽ:

– Mẹ yêu dấu, con trốn ở trên hộp đồng hồ treo trên tường này.

Dê mẹ bế con ra. Dê con kể mẹ nghe chuyện sói đến và đã ăn thịt tất cả các anh. Chắc các bạn biết dê mẹ khóc thảm thiết như thế nào về những đứa con xấu số của mình.

Đau buồn, dê mẹ đi tìm, dê con chạy theo sau.

Khi tới cánh đồng cỏ, dê mẹ nhìn thấy sói nằm ở gốc cây, ngủ ngáy rung cả cành lá. Dê mẹ chăm chú quan sát khắp người sói, thấy bụng nó căng, hình như có cái gì động đậy, phập phồng ở trong. Dê mẹ nghĩ:

– Trời ơi! Lẽ nào những đứa con đáng thương của tôi bị sói nuốt chửng làm bữa tối vẫn còn sống hay sao?

Chó sói và bảy chú dê con nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác đối với những kẻ gian xảo nhiều mánh khoé.

Chó sói và bảy chú dê con nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác đối với những kẻ gian xảo nhiều mánh khoé.

Dê mẹ sai dê con chạy về nhà lấy kéo và kim chỉ. Rồi dê mẹ rạch bụng con quái vật, rạch chưa hết nhát kéo thứ nhất thì một chú dê con đã ló đầu ra. Cứ thế tiếp tục rạch, cả sáu chú dê con nối đuôi nhau nhảy ra, và cả sáu đều sống, không hề bị xây xát, vì sói háu ăn nên chỉ nuốt chửng không kịp nhai. Mừng ơi là mừng! Đàn con ôm hôn vuốt ve mẹ, nhảy tung tăng. Dê mẹ bảo đàn con:

– Giờ các con hãy đi tìm nhặt đá to để nhét vào bụng con vật quái ác này khi nó còn đang ngủ say.

Thế rồi bảy chú dê con vội vàng chạy đi khuân đá về, tha được bao nhiêu chúng nhét hết vào bụng sói. Rồi dê mẹ khâu bụng sói lại nhanh đến nỗi sói không hề hay biết và cũng không thèm cựa mình.

Sau khi ngủ đã đẫy giấc, sói thức dậy. Nó khát khô cả cổ vì đá đầy trong bụng, nó định ra suối uống nước. Nó vừa nhổm dậy, mới nhúc nhích định đi thì đá trong bụng đè lăn lên nhau nghe lạo xạo. Lúc đó sói kêu lên:

Cái gì lộn xộn, lạo xạo chạy trong bụng ta thế này?Ta tưởng sáu chú dê non, sao lại chỉ có đá hòn nằm trong?

Khi nó tới được bên bờ suối, cúi xuống định uống thì bị đá nặng kéo ngã nhào xuống nước và nó chết đuối không kịp kêu một lời.

Bảy chú dê con thấy vậy chạy tới reo ầm lên: “Chó sói chết rồi, chó sói chết rồi!” và cùng mẹ sung sướng nhảy múa tung tăng bên bờ suối.

Top 3 truyện cổ Grimm hay và bài học ý nghĩa cho bé - 8

Sáu con thiên nga

Lần ấy vua đi săn trong một khu rừng rộng mênh mông, nhà vua mải đuổi săn theo một con thú rừng, quân hầu không ai theo kịp. Khi bóng đêm đổ xuống cánh rừng, nhà vua mới đứng lặng nhìn quanh, bối rối, thấy mình đã lạc đường, không tìm được đường ra. Bỗng nhà vua thấy một bà già đầu lắc lư đi tới - đó là một phù thủy - nhà vua bảo:

- Bà cụ ơi, bà có thể làm ơn chỉ cho tôi lối ra khỏi rừng không?

Bà già đáp:

- Tâu bệ hạ, được ạ. Cái đó già làm được, nhưng chỉ khi nào điều kiện đặt ra được thực hiện, bằng không, bệ hạ không ra được khỏi khu rừng và sẽ chết đói ở đây.

Nhà vua hỏi:

- Điều kiện ấy như thế nào?

- Già có một đứa con gái xinh đẹp không ai trên trần gian sánh bằng. Nó thật xứng đáng thành hoàng hậu. Nếu bệ hạ ưng chọn làm hoàng hậu, già sẽ chỉ cho bệ hạ đường ra khỏi khu rừng.

Trong lúc hoảng sợ, vua bằng lòng ngay. Mụ già dẫn vua đến căn nhà nhỏ của mụ. Cô con gái mụ ngồi bên bếp lửa. Cô đứng dậy chào đón vua như thể đang chờ vua tới. Tuy thấy cô gái đẹp nhưng nhà vua trong lòng vẫn còn chưa ưng, cảm thấy rờn rợn. Sau khi vua đưa cô lên ngựa, mụ chỉ đường cho vua. Vua về trở lại hoàng cung để làm lễ cưới.

Nguyên vua đã có vợ, hoàng hậu sinh được bảy người con, sáu trai một gái. Cả bảy người con đều được vua yêu quý vô cùng. Sợ người dì ghẻ đối với con mình không tốt, thậm chí có thể hành hạ chúng nữa, nên vua cho các con mình đến ở trong một lâu đài hiu quạnh nằm khuất giữa rừng sâu.

Đường đi đến đó khó mà tìm ra được. Chính vua cũng không tìm thấy đường đến đó. Một bà lão đã cho nhà vua một cuộn chỉ có phép lạ. Nhà vua chỉ cần ném cuộn chỉ về phía trước, nó sẽ tự cuộn lại và chỉ đường đi cho vua. Nhà vua thường xuyên đi thăm các con yêu dấu.

Sự vắng mặt của nhà vua làm hoàng hậu để ý. Mụ trở nên tò mò, muốn biết vua đi một mình vào rừng làm gì. Mụ ban phát cho thị vệ rất nhiều tiền để chúng đi rình mò, nói lộ bí mật sự việc, chúng nói cho mụ biết cả về cuộn chỉ có phép lạ, biết đưa đường. Mụ đứng ngồi không yên, lục tìm khắp mọi nơi cho đến khi thấy cuộn chỉ mới thôi. Mụ may một số áo bằng lụa trắng và khâu bùa phép vào áo, bùa phép này khi xưa mụ được mẹ truyền lại cho.

Câu chuyện sáu con thiên nga ca ngợi tình thân, tình yêu của con người trong cuộc sống.

Câu chuyện sáu con thiên nga ca ngợi tình thân, tình yêu của con người trong cuộc sống.

Một hôm nhà vua đi săn vắng, mụ mang áo và cuộn chỉ chỉ đường vào rừng. Bọn trẻ thấy từ xa có bóng người đi đến tưởng là cha kính yêu nên mừng chạy ra đón. Mụ tung trùm lên mỗi đứa một chiếc áo lụa trắng, áo vừa chạm người thì chúng biến ngay thành thiên nga, bay vượt cánh rừng biến mất. Mụ hớn hở về nhà, tưởng như vậy là đã trừ được lũ con chồng. Nhưng mụ không ngờ là cô con gái, cô không cùng các anh chạy ra đón.

Một hôm, vua đến thăm các con thì chỉ thấy con gái.

Vua hỏi:

- Các anh con đâu?

Cô đáp:

- Trời ơi, cha kính yêu! Các anh con đi bỏ lại con một mình ở đây.

Rồi cô kể cho vua rằng, khi cô đứng ở cửa sổ thì nhìn thấy các anh biến thành thiên nga và bay vượt qua cánh rừng, rồi cô đưa cho vua xem những lông chim cô nhặt được ở ngoài sân.Vua rất buồn, nhưng không nghĩ hoàng hậu làm việc độc ác như vậy. Vua sợ con gái cũng sẽ bị bắt nên có ý định mang cô về hoàng cung. Nhưng cô sợ dì ghẻ nên xin vua cho cô đêm nay ngủ lại trong lâu đài giữa rừng.

Cô nghĩ bụng:

- Mình không ở đây lâu hơn được nữa, mình phải đi tìm các anh!

Khi bóng đêm phủ xuống, cô lẻn vào trong rừng. Cô đi mãi, đi hoài, đi thâu đêm và suốt cả ngày hôm sau. Khi chân tay rã rời mỏi mệt, cô dừng chân thì thấy phía trước có một căn lều. Cô đi tới, bước vào nhà thì thấy có sáu chiếc giường nhỏ. Cô không dám ngả lưng trên chiếc giường nào, mà chui xuống gầm một chiếc giường, định ngủ qua đêm trên nền nhà đất.

Lúc mặt trời sắp lặn, cô nghe có tiếng lào xào và thấy sáu con thiên nga bay qua cửa sổ vào nhà. Cả sáu con đứng trên nền nhà và thổi lông cho nhau. Bộ lông thiên nga trút ra như chiếc áo. Cô gái nhận ra các anh mình nên rất mừng, chui từ gầm giường ra.

Các anh gặp lại em gái nên hết sức mừng rỡ, biết vui chẳng được bao lâu, các anh bảo em:

- Em không ở lại đây được. Đây là sào huyệt của bọn cướp, chúng về thấy em, sẽ giết em ngay.

Em gái hỏi:

- Thế các anh có cách nào che chở em không?Các anh đáp:

- Không có cách nào cả. Tối tối các anh chỉ có thể trút bộ lông thiên nga, hiện nguyên hình người trong một khắc đồng hồ - mười lăm phút - sau đó lại biến thành thiên nga.

Em gái òa lên khóc và hỏi:

- Thế không có cách nào giải thoát được các anh sao?

Các anh đáp:

- Trời, không được đâu! Điều kiện khó lắm, em không được nói cười sáu năm. Trong thời gian ấy em may cho các anh sáu cái áo bằng hoa thủy cúc. Chỉ cần một lời từ miệng em là mọi việc đều hỏng cả.

Các anh vừa nói xong thì khắc đồng hồ đã điểm, các anh lại biến thành thiên nga, bay vút qua cửa sổ.Cô quyết định giải thoát cho các anh bằng mọi cách, dù cho có nguy hiểm tới tính mạng đi chăng nữa. Cô rời chiếc lều hoang vắng, đi mãi vào trong rừng sâu, leo lên cây ngủ đêm. Sáng sớm hôm sau cô đi hái hoa thủy cúc, và bắt đầu khâu áo.

Rừng vắng lặng chẳng nói được với ai, và cô cũng chẳng buồn hé miệng cười. Cô ngồi chăm chú khâu áo. Ngày tháng cứ thế trôi qua. Một ngày kia, có một ông vua cùng tùy tùng đi săn. Họ vào trong rừng sâu và thấy có cô gái trên cây.

Họ gọi hỏi cô:

- Cô là ai mà ở đây.Không có tiếng đáp.

Họ nói:

- Cứ xuống đây với chúng tôi, chúng tôi không làm gì cô đâu!

Cô chỉ lắc đầu. Họ cứ hỏi mãi, hỏi hoài, khi ấy cô tung sợi dây chuyền bằng vàng xuống, tưởng thế để mình yên thân. Nhưng đám người kia vẫn cứ đứng đó. Cô cởi dây lưng thả xuống, rồi đến vớ và những thứ cô có. Trên thân cô chỉ còn đồ lót. Đám thợ săn không lui đi mà còn trèo lên cây ẵm cô xuống, và dẫn cô tới chỗ vua.

Vua hỏi:

- Nàng là ai? Nàng ngồi trên cây làm gì? Cô không đáp. Vua hỏi cô bằng nhiều thứ tiếng, nhưng cô vẫn nín lặng như cá trong nước. Sắc đẹp của cô làm lòng vua rộn ràng xao xuyến. Vua cảm thấy yêu cô vô cùng. Vua quàng áo ngự lên người cô, để nàng ngồi phía trước và đưa về hoàng cung.

Cô được mặc quần áo sang trọng, vẻ đẹp của cô trở nên lộng lẫy như một ngày nắng đẹp chan hòa, nhưng cô vẫn nín lặng, không nói nửa lời. Vào bàn ăn, cô được ngồi bên cạnh vua. Dáng điệu khiêm nhường và thùy mị của cô làm vua rất hài lòng.

Vua nói:

- Ta thiết tha được chung sống với nàng, chứ không với ai khác trên đời này!

Mấy ngày sau, hôn lễ được cử hành.Vua có một bà mẹ ghẻ độc ác, bà không ưng thuận việc cưới xin này nên bà nói xấu hoàng hậu trẻ tuổi.

Bà bảo:

- Không biết con này ở đâu ra, mà nó câm, không nói được nửa lời. Nó chẳng xứng đáng làm hoàng hậu.

Hơn một năm sau, khi hoàng hậu sinh con đầu lòng, mụ bắt trộm đi và lừa khi nàng ngủ, bôi máu vào mồm nàng. Rồi mụ đi tâu vua, nàng là loài ăn thịt người. Vua không tin và không để ai hại nàng. Lúc nào nàng cũng chăm chú ngồi khâu áo. Năm sau, nàng lại sinh một đứa con trai kháu khỉnh.

Mụ ghẻ chồng độc ác lại quỷ quyệt lừa vua như lần trước, nhưng vua nhất định không tin lời mụ. Vua bảo:- Nàng ngoan đạo và tốt bụng, nên không thể làm việc ấy. Nếu nàng không bị câm thì nàng có thể tự minh oan, để cho mọi việc sáng tỏ.

Nhưng đến lần thứ ba, dì ghẻ lại ăn trộm đứa bé mới sinh và lại tố cáo hoàng hậu. Vua không làm sao khác được là đưa quan tòa xét xử. Nàng bị tội chết thiêu.Ngày hành hình cũng là ngày cuối cùng của hạn sáu năm nàng không được nói, được cười. Đó là ngày nàng sẽ giải thoát được các anh khỏi yêu thuật.

Sáu chiếc áo đã khâu xong, cái cuối cùng còn thiếu cánh tay trái. Khi nàng đã bị dẫn tới giàn hỏa thiêu, nàng vắt mấy chiếc áo lên cánh tay. Khi nàng đứng trên giàn hỏa thiêu, ở dưới sắp châm lửa, nàng nhìn quanh thì thấy sáu con thiên nga từ xa bay tới. Nàng biết mình sắp được cứu thoát, lòng mừng khôn xiết.

Thiên nga vỗ cánh lượn sà xuống chỗ nàng để nàng phất quàng áo lên. Áo vừa đụng chim thì bộ lông thiên nga rơi xuống liền, các anh nàng hiện nguyên hình là những chàng trai khôi ngô, tươi cười đứng trước nàng. Chỉ có người em út nhận chiếc áo thiếu cánh tay trái nên còn một cánh thiên nga ở lưng. Anh em vui mừng ôm hôn nhau thắm thiết.

Hoàng hậu bước lại phía nhà vua, khi vua còn rất đỗi ngạc nhiên, hoàng hậu nói:- Hoàng thượng kính mến, giờ thiếp mới được phép nói và thổ lộ hết nỗi oan của mình. Rồi nàng kể cho vua việc mụ già đã lấy ba đứa con giấu đi. Được gặp lại các con, vua rất mừng. Mụ dì ghẻ độc ác phải đền tội, bị trói đưa lên giàn hỏa thiêu, thiêu ra tro. Vua và hoàng hậu cùng sáu anh hưởng hạnh phúc thái bình suốt đời.

Top 3 truyện cổ Grimm hay và bài học ý nghĩa cho bé - 10

Bài học và ý nghĩa từ truyện cổ Grim

“Truyện cổ Grimm” là một trong số ít những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, tác phẩm này vẫn là một nguồn cảm hứng nghệ thuật dồi dào, mang lại cho mọi người một niềm vui vô tận, nhắc nhở mọi thế hệ trên toàn cầu những đạo lý cơ bản đầy tính nhân văn.

Thông qua các câu truyện ngắn đầy ý nghĩa này sẽ giúp bé phân biệt rõ ràng hơn, tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc sau này.

Thông qua các câu truyện ngắn đầy ý nghĩa này sẽ giúp bé phân biệt rõ ràng hơn, tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc sau này.

Thông qua các câu truyện ngắn đầy ý nghĩa này sẽ giúp bé phân biệt rõ ràng hơn, tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc sau này.

Truyện cổ tích ngắn về sự tích các loài vật, dạy con bài học lớn, bé nào cũng nên đọc
Những câu chuyện hay về loài vật đưa các bé khám phá thế giới truyện cổ tích vô cùng hấp dẫn và đặc sắc.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn