Top 3 truyện cổ tích dân gian hay và ý nghĩa, hãy đọc cho bé trước khi đi ngủ

Hạ Mây - Ngày 20/02/2022 21:54 PM (GMT+7)

Truyện cổ tích dân gian Việt Nam không chỉ mang tính giáo dục cao mà nó còn giúp các bé hiểu thêm về nguồn gốc, sự tích ra đời của một số hiện tượng, một số nhân vật thần kỳ.

Top 3 truyện cổ tích dân gian hay và ý nghĩa, hãy đọc cho bé trước khi đi ngủ - 2

Truyện cổ tích Tam và Tứ

Ngày xưa có một người làm nghề bưng trống tên là Tam. Mỗi lần làm xong một số hàng có đủ trống con trống lớn, ông thường mang đi các vùng lân cận để bán. Bán hết, ông lại trở về làm chuyến khác. Một hôm ông gánh hàng đi bán ở một vùng khá xa.

Vừa trèo lên một ngọn đèo, ông bỗng thấy một người ngồi ẩn dưới bóng một cây đa. Thấy mệt và nóng bức nên ông cũng dừng lại ở đây nghỉ chân. Trong khi trò chuyện, hai người hỏi tên tuổi và nghề nghiệp của nhau. Người hàng trống biết khách tên là Tứ làm nghề buôn vặt nhưng hết vốn, đang định tìm chỗ làm thuê để nuôi miệng.

Tam thương cảnh ngộ của Tứ, bèn giở gói cơm ra mời ngồi lại cùng ăn, đoạn bảo Tứ:

– Bây giờ anh hãy gánh giúp cho tôi một đoạn đường từ đây tới khi anh rẽ lối khác. Tôi sẽ trả anh một số tiền.

Hai người bắt đầu xuống núi. Đi một thôi đường, họ thấy khát nước, và sau đó, cả hai đều dừng lại bên một cái giếng thơi ở vệ đường. Nhìn thấy giếng sâu, thành đứng lại đầy rêu, không biết làm sao mà múc, Tứ bảo Tam:

– Bây giờ ta làm cách này thì uống được. Tôi buộc sợi dây lưng vào người, ông nắm chặt lấy một đầu dây, để tôi bám vào thành giếng trèo xuống. Uống xong ông kéo lên cho. Sau đó đến lượt ông lại làm như tôi để xuống.

Họ làm như lời đã bàn. Nhưng đến lượt Tam xuống thì Tứ để mặc Tam dưới đáy giếng rồi quảy gánh trống đi luôn một mạch.

Tam gọi mãi không thấy Tứ, biết là bị lừa, bèn đứng dưới giếng kêu cứu ầm ĩ. Không may cho Tam là đoạn đường ấy rất vắng nên kêu khản cả cổ mà chả có một tiếng trả lời. Mãi đến chiều tối mới gặp được mấy người khách bộ hành đi qua, nhờ đó được họ kéo lên khỏi giếng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tam vừa xót của vừa giận phường bội nghĩa, đi thất thểu mãi đến chiều rồi lạc vào một ngôi chùa. Ông gọi người thủ hộ, nài nỉ xin cho mình được vào nghỉ nhờ một đêm. Thủ hộ bảo:

– Ở đây có bốn con quỷ “quàn tài” dữ lắm. Thường đến canh ba thì chúng hiện ra. Người quen thì chớ, còn người lạ thì chúng nó bóp cổ. Thôi, ông đi chỗ khác mà trú, đừng lân la nơi đây mà thác uổng mạng!

Tam bấy giờ đầu gối đã mỏi, mắt đã ríu, nên đáp liều:

– Bạch thầy, thầy cứ làm ơn cho tôi ẩn nấp một chỗ nào đó kín đáo, để tôi ngủ nhờ một tối, kẻo tôi bây giờ không thể lê bước đi đâu được nữa.

Thủ hộ chỉ vào một cửa hang và bảo:

– Đó là cái hang mà bốn con quỷ hay ra vào, bên cạnh cửa hang có một chỗ kín có thể nấp được, ông vào đó mà ngủ may ra thì thoát. Ngoài đó ra chả có nơi nào kín kết!

Tam đành chui liều vào chỗ thủ hộ chỉ, rồi đặt mình xuống một giấc. Đến canh ba, tỉnh dậy, thấy bốn con quỷ vừa đi đâu mới về. Chúng nó đứng lại ở cửa hang trò chuyện với nhau. Con quỷ thứ nhất nói:

– Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về phía bên trái có chôn sáu chĩnh bạc.

Con quỷ thứ hai nói:

– Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về bên phải cũng có chôn sáu chĩnh vàng.

Con quỷ thứ ba nói:

– Còn tôi, tôi có biết một chỗ giấu một viên ngọc quý, ai mà bắt được thì có thể làm chúng ta chết ngay lập tức!

Con quỷ thứ tư nói:

– Ngọc ở đâu?

– Ở bên cạnh cửa hang này.

Nghe nói thế, Tam nhớ lại lúc đi ngủ quả có thấy một viên gì tròn tròn và sáng ở ngay cạnh chỗ nằm; lập tức chàng với tay chộp lấy ngọc. Giữa lúc mấy con quỷ chưa kịp bỏ đi, Tam đã vung tay ném hòn ngọc vào giữa chúng, làm cho cả bốn đều chết thẳng cẳng.

Sáng dậy, Tam bước ra khỏi chỗ nằm đi tìm thủ hộ để cảm ơn. Sau đó ông trở về gọi người nhà tìm đến chùa, đào lấy mấy chĩnh vàng và bạc. Từ đó, Tam trở nên giàu có sung sướng.

Còn Tứ sau khi cướp được gánh trống của Tam, bèn tìm đi một nơi xa để bán. Chiều tối hắn ghé lại một cái quán xin nghỉ trọ. Chủ quán bảo:

– Ở đây khuya lại có quỷ hiện ra làm hai khách lạ. Vậy ông hãy gắng đi thật xa mới khỏi làm mồi cho chúng.

Nghe nói Tứ hoảng sợ, nhưng bấy giờ tìm đến làng xóm thì đã quá muộn, hắn đành phải xin chủ quán chỉ cho một chỗ kín đáo để nấp tránh lũ quỷ. Chủ quán chỉ cho Tứ một cái hang kín. Tứ đặt gánh trống ở ngoài cửa hang, chui vào nằm ngủ.

Khuya lại, quả có một lũ quỷ kéo đến cửa hang. Chúng vô tình giẫm lên mặt trống, trống phát tiếng “thùng thùng”. Giật mình kinh sợ, mỗi con quỷ chạy trốn vào một xó. Một con quỷ chui nhào vào hang Tứ nằm giữa lúc hắn đang ngủ mê. Thế là tiện tay quỷ bóp cổ, hắn chết.

Top 3 truyện cổ tích dân gian hay và ý nghĩa, hãy đọc cho bé trước khi đi ngủ - 4

Viên ngọc thần

Ngày xưa, có một người tính tình thật thà ngay thẳng. Thấy ai bị hà hiếp, dù thiệt cho mình, anh vẫn cố sức bênh vực. Ai thế yếu cô đơn, anh đều sẵn lòng giúp đỡ. Vì vậy, bọn nhà giàu trong vùng rất ghét anh. Chúng tìm cách lấn át, chèn ép, anh phải bỏ nhà vào núi ở, lấy nghề săn bắn làm vui.

Tuy tình cảnh khốn đốn, lòng anh vẫn tốt như thường. Dù trong nhà đang thiếu ăn, anh không bao giờ giết những con thú chửa hay đang nuôi con. Thà vác ná về không, chứ anh không bắn bất cứ con gì lúc con cái, con đực đi sóng đôi.

Đi săn nhiều năm, anh thuộc núi rừng như thuộc các ngõ ngách trong làng, nhận ra những con hươu con nai thường gặp. Trong những con vật anh thường trông thấy, có đôi vợ chồng rắn nọ. Hai con rắn to như cây chuối, da đen như than, dài đến mấy sải, cùng ở chung trong một hang đá rất sâu. Sáng nào vợ chồng nó cũng đưa nhau đi kiếm ăn.

Mỗi khi con rắn cái thay da, con đực tha mồi về tận hang. Mùa đông năm đó, con rắn đực thay da, nằm yên một chỗ. Bỗng con rắn cái thay lòng đổi dạ. Nhân con rắn chồng ốm yếu, con rắn cái theo con rắn đực khác, rồi định đưa con rắn ấy về hang cắn chồng.

Thấy hai con rắn kia xấu xa, anh thợ săn căm ghét, đến ngồi rình trước cửa hang, định giết cả hai. Nhưng khi chúng đến, anh chỉ bắn trúng con cái. Con rắn đực kịp chạy vào rừng. Chờ đến bữa ăn, không thấy vợ tha mồi về, con rắn chồng bò ra cửa hang đón. Trông thấy vợ chết, mắt bị một mũi tên xuyên qua, con rắn đực biết người thợ săn vẫn gặp hàng ngày bắn vợ mình, nên chờ dịp báo thù.

Khi đã thay da xong, nó bò đến cửa nhà anh thợ săn nằm chờ. Cũng tối hôm đó, anh thợ săn ngủ không ngon giấc. Mới nửa đêm đã tỉnh, nằm mãi không ngủ được, anh đánh thức vợ dậy, kể chuyện con rắn cái “ăn ở hai lòng” và đã bắn nó, để cứu con rắn đực đang thay da.

Con rắn đực nằm ngoài cửa nghe rõ mọi điều. Bấy giờ nó mới biết nó được anh thợ săn cứu. Nếu anh không bắn chết vợ nó, thì nó đã bị vợ cùng với con rắn đực kia cắn chết rồi! Từ mắc oán sang mang ân, con rắn cúi đầu, lách mình chui qua khe cửa nhà anh thợ săn.

Nghe động, anh thợ săn choàng dậy với lấy cái ná. Trông thấy con rắn, anh giương ná lên toan bắn. Nhưng con rắn đã thu mình, nằm co đầu cúi xuống, không thè lưỡi. Nó gật đầu liền mấy cái, nhả ra một viên ngọc thần, rồi lặng lẽ chui ra.

Anh thợ săn nhận ra con rắn chồng liền đến nhặt viên ngọc lên xem. Người thợ săn rất đỗi ngạc nhiên. Cầm viên ngọc, anh nghe tiếng của lũ muỗi nói trong đêm tối, tiếng lũ chim đêm kêu gọi nhau, sợ lạc đàn. Rồi anh nghe rõ cả tiếng con rắn chồng nói: “Đền ơn cứu sống, trả nghĩa công bằng”.

Một hôm, anh thợ săn bắn được một con bò rừng rất to. Vợ chồng đang ra tay xẻ thịt phơi khô, thì một đàn quạ bay đến sà xuống cướp. Anh gào rát cổ mà lũ quạ cứ sấn vào.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phát cáu, anh lấy ná lắp tên, bắn một phát. Chẳng may mũi tên trúng con quạ chúa đàn. Đàn quạ cắp cả xác và mũi tên bay đi. Chúng bay về đồng bằng, bay qua khắp các làng mạc thôn xóm, vẫn chưa tìm được cớ gì để báo thù người thợ săn.

Khi bay qua sông, thấy một xác người chết đuối trôi tấp vào bờ, lũ quạ đem mũi tên cắm vào xác người chết ấy. Họ hàng người này tìm được, đem cả người chết và mũi tên vào cung vua kiện. Vua truyền khắp nước, ai có ná, có tên phải mang vào hầu. Những người có ná, có tên từ vùng núi cao, đến các làng hẻo lánh đều y lệnh vua.

Anh thợ săn cũng vào chầu, mang theo cả viên ngọc thần. Vua truyền mọi người đem tên của mình ra so với tên ghim trên xác chết. Mỗi người đều so mấy lượt. Chỉ có mũi tên của anh thợ săn có viên ngọc là giống. Vua bắt anh cùm lại, chờ ngày xử tội.

Vạ giữa đàng mang và cổ, anh thợ săn nói thế nào, vua cũng không nghe. Bọn nhà giàu làng anh lại được dịp nói thêm nói bớt. Anh thợ săn đành phải chờ đền mạng người chết đuối.

Ở trong lao tù, nhớ vợ, nhớ nhà, nhớ rừng núi, anh thể nào ngủ được. Tới nửa đêm, nhờ có viên ngọc thần mang theo, anh nghe tiếng đàn kiến bò trên tường giục nhau:

– Trời sắp lụt to rồi! Phải vào kho vua tha thóc để dành ăn. Nếu chậm chân thì đói to!

Sáng hôm sau, anh lại nghe chim sẻ, chim cu mách nhau:

– Chỉ có vào kho vua mới được nhiều. Trong kho vua nhiều thóc lắm.

Đàn chuột quá mải chơi, sợ hết phần, nên gắt gỏng om sòm:

– Thóc trong kho nhà vua, chim sẻ, chim cu và kiến tha gần hết rồi! Không vào tranh nhau với chúng nó thì chết đói đấy! Lụt rất lớn và rất lâu ngày!

Chim cu, kiến, chuột nói, anh thợ săn nghe rõ cả. Đến buổi, người lính canh đem cơm vào, anh thợ săn nhắn:

– Nói cho vua hay… trời sắp lụt bão to. Thóc gạo trong kho, chim chuột… đã tha để ăn chạy lụt cả rồi. Bảo vua chạy đi kẻo chết.

Người lính vào tâu vua. Vua cười mỉa:

– Chó mà dạy hổ nhảy cao. Nếu nó có giỏi, nó đã chẳng xin ta cho làm quan thiên văn, địa lý, chứ dại gì đi cướp của giết người. Nó muốn tìm mưu chạy trốn đấy. Hãy đóng chặt thêm chiếc gông lại.

Người thợ săn bị quân lính cùm chặt hơn. Hôm vợ anh vào thăm, anh cho vợ biết trời sắp lụt và bảo vợ về làng cũ nói với hàng xóm, láng giềng. Tin lời vợ chồng anh thợ săn, mọi người lo gặt sớm, để lúa lên chòi cao, làm bè, làm thuyền, nắm cơm, rang gạo để sẵn.

Chỉ có bọn nhà giàu nói gièm việc làm của vợ anh thợ săn, rồi lại vào mách vua. Vua kết tội vợ anh thông đồng với chồng làm loạn, sai quân lính đến bắt trói chân, trói tay giải về, chờ ngày cùng đem chém.

Ngày xử án đã đến. Vợ chồng anh thợ săn bị đưa ra pháp trường. Hai người vừa bị trói đứng vào hai cây cột, thì có gió thổi mạnh, mây lởn vởn trên đầu.

Trời sập tối, rồi đổ mưa. Vợ chồng anh thợ săn bị trói đứng cách xa nhau có mấy bước chân mà không trông thấy nhau. Nước đã ngập đến đùi, rồi đến ngực. Lũ quan và quân lính rủ nhau chạy mất cả. Hai cây cột trói vợ chồng anh cũng bị trốc gốc. Anh tự cởi trói cho mình rồi đến cỏi trói cho vợ.

Nước đã ngập đến cổ, hai người bì bõm lội giữa vùng nước ngập mênh mông thì có một chiếc bè chối ghé đến. Người trên bè nắm tay hai vợ chồng anh thợ săn kéo lên. Khi tỉnh dậy, vợ anh thợ săn nhận ra người đưa bè chuối đến cứu vợ chồng mình chính là người được chị báo tin trời lụt trước nhất.

Mưa vẫn kéo dài, gió thổi rất mạnh, cả triều đình vua chúa đều chìm nghỉm dưới đáy nước. Chiếc bè chuối của người hàng xóm tốt bụng chở vợ chồng anh thợ săn về làng cũ. Bọn nhà giàu và bọn điêu ngoa thóc mách đều bị chết trôi. Chỉ có những người nghèo, nghe lời vợ anh thợ săn là còn sống trên những chiếc bè, trên các ngọn cây cao.

Top 3 truyện cổ tích dân gian hay và ý nghĩa, hãy đọc cho bé trước khi đi ngủ - 6

Trọng nghĩa khinh tài

Ngày xưa ở Thanh Hóa có một người tên là Nguyễn Đình Phương. Nhà ông vườn cau ao cá, lại có chừng ba chục mẫu ruộng: trong nhà, vợ con, kẻ làm người lụng khá đông. Nhưng ông vốn là người hào hiệp. Khi có ai túng thiếu đến nhờ vả, ông sẵn lòng chu cấp, hay cho vay mượn, ít khi để họ phải về không.

Nguyễn Đình Phương có một người bạn cố tri tên là Trần Bính Cung làm nghề buôn gỗ. Bính Cung trước kia có của ăn của để. Trong nhà năm miệng ăn đều do một mình Bính Cung lo liệu.

Nhưng từ dạo ông đi mấy chuyến bè thất bại, có bao nhiêu ruộng vườn đều cầm bán sạch. Tiếp đó Bính Cung bị một trận ốm nặng, trở nên nợ đìa. Quá hạn không trả được, chủ nợ cho bọn gia nô đến đòi rất ráo riết.

May mà có Nguyễn Đình Phương là người trọng nghĩa khinh tài, chạy tiền trả hộ, nếu không thì gia đình Bính Cung chẳng có cái mà ở. Sau đó, Bính Cung còn cho vợ con đến nhờ vả khi năm quan khi ba quan làm tiền thuốc men, Đình Phương vẫn vui lòng chu cấp. Thấy bạn quá tốt bụng với mình, vợ chồng Bính Cung vô cùng cảm kích.

Không ngờ bệnh của Trần Bính Cung mỗi ngày một nặng. Trước còn đi lại được, nhưng sau ốm hệt giường. Biết mình sắp chết, một hôm Bính Cung cho mời bạn tới. Khi thấy mặt Đình Phương, ông nói:

– Tôi mắc nợ của anh một số tiền đã đã lâu rồi mà chưa nói đến chuyện trả, thật là phụ tấm lòng tử tế của anh.

Đình Phương liền gạt đi:

– Anh đừng nói thế! “Tiền là gạch, ngãi là vàng”. Tình nghĩa mới là cái đáng quý, còn tiền bạc nào có nghĩa lý gì. Anh đừng nhắc đến nữa.

– Không – Trần Bính Cung tiếp – Tôi sở dĩ mời anh đến đây là vì món nợ làm tôi không lúc nào nguôi. Bây giờ tôi tính thế này. Ngôi nhà này của tôi coi như gán vào món nợ, có văn khế viết sẵn ở đây. Nhưng trước mắt tôi: con thơ vợ dại, em yếu, mẹ già, tình cảnh đáng quan ngại.

Một mai tôi mất đi, nếu gia đạo tôi có việc gì, dám xin anh tìm cách cứu vớt. Về sau, con tôi ăn lên, gia đình tôi cất đầu lên được, nó sẽ không bao giờ quên ơn.

– Sao anh lại nói thế. Mẹ của anh cũng như mẹ của tôi, con của anh cũng như con của tôi. Còn nhà của tôi cũng như nhà của anh. Dù có thế nào: tôi cũng xin gắng sức. Anh cứ thuốc men cho lành, còn món nợ hãy gác lại, đừng bận tâm gì vì nó cả.

Bính Cung không nghe lời, cứ ấn văn khế vào tay Đình Phương, lại gọi con mình ra bảo lạy sống Đình Phương, rồi nói:

– Bây giờ tôi chết mới nhắm mắt. Đa tạ bạn. Tôi sẽ xin kết cỏ ngậm vành kiếp sau.

Ngay sau khi Bính Cung tắt nghỉ. Nguyễn Đình Phương tỏ ra là người biết giữ lời hứa của mình. Ông bỏ tiền làm ma cho bạn chu tất. Ông sốt sắng giúp đỡ gia đình bạn: khi quan tiền, khi thúng thóc không biết sẻn. Cả nhà Bính Cung coi ông như cây cột trụ. Làng mạc xóm giềng đều khen ngợi không tiếc lời.

Nhưng dần dà người ta thấy lòng hào hiệp của Nguyễn Đình Phương không phải là vô hạn. Sự giúp đỡ theo thời gian cứ thưa dần. Càng về sau, việc vay mượn của gia đình Bính Cung trở nên khó khăn. Nhiều lúc người con Bính Cung phải đợi suốt buổi, mà cuối cùng vẫn phải vác rá về không.

Đình Phương tuy có mặt ở nhà, nhưng người nhà vẫn đáp là “đi vắng”. Thái độ chuyển từ sốt sắng ra lạt lẽo của Đình Phương làm cho mẹ con Bính Cung thất vọng, coi như một sự lừa gạt.

Một hôm, sau những ngày thiếu ăn, mấy lần đến vay không được, người vợ Bính Cung đón đường cố tìm gặp Đình Phương để hỏi cho ra lẽ. Khi gặp mặt, người đàn bà vật nài:

– Mẹ con bà cháu chúng em đói no là nhà ở một tay bác. Mong bác rón tay giúp đỡ cho qua hội này.

Đình Phương vội vàng từ chối:

– Gia đình chúng tôi dạo này cũng túng bấn tợn. Chị có thể chạy hỏi các nơi khác xem thử.

– Mẹ con chúng em chịu ơn bác rất nhiều, không bao giờ quên được. Biết đi lại mãi cũng làm phiền bác, nhưng tin vào lời hứa của bác với nhà em lúc sắp mất nên một hai cậy dựa vào bác. Chẳng lẽ tình nghĩa ngắn ngủi có thế thôi ư?

Vợ Bính Cung không ngờ tới câu trả lời chát chúa của Đình Phương:

– Chị dạy thế là lầm. Tôi cũng có vợ có con của tôi chứ. Có đâu cứ phải tư cấp cho gia đình chị mãi được. Không khéo tôi phải bán ngôi nhà bên nhà chị để trang trải vài món nợ đây!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghe lời nói như một gáo nước lã giội vào lưng, người vợ Bính Cung đành gạt nước mắt ra về, không quên kể lại sự tình cho mọi người trong nhà nghe. Cả nhà ngồi lại khóc rấm rứt. Bỗng có một ông lão lối xóm chạy đến hỏi vì sao mà khóc. Người vợ Bính Cung kể lại đâu đuôi từ lúc tình bạn đậm đà, cho đến những câu trả lời tuyệt tình vừa rồi của Đình Phương, rồi nói:

– Cụ tính, bác ấy là ân nhân của chúng tôi mà thay lòng đổi dạ chóng thế, thì cả nhà còn biết làm sao mà sống bây giờ!

Nói xong lại khóc nức nở. Ông lão đáp:

– Thắm lắm thì phai nhiều, âu đó là thường tình của người đời. Thôi bây giờ mẹ con bà cháu nhà mợ hãy cố gắng tìm lấy một nghề mà nuôi nhau.

– Cụ tính, trong nhà một đồng một chữ cũng không có. Ngôi nhà này là của họ, họ còn dọa bán, nay mai biết trú ngụ vào đâu. Thế thì cụ bảo làm nghề gì?

– Mợ cả và cô có biết dệt sồi chăng?

– Nuôi tằm dệt lụa cũng có thể học mà làm được cả, nhưng vốn liếng ở đâu lấy gì mua khung cửi, lấy gì làm lương ăn cho cả nhà cho đến lúc có sồi đem đi chợ?

– Tôi thì chả phải giàu có gì, nhà mợ cũng biết. Nhưng thấy tình cảnh nhà mợ cũng đáng thương. Bây giờ tôi bàn thế này. Cứ phải luôn luôn nhờ vả người ta mãi quả là không tiện.

Trong tay cần phải nắm chắc lấy một nghề, có biết chèo lái thì mới hòng đưa con thuyền qua được sóng cả. Nhà tôi vốn làm nghề dệt đã ba đời nay. Nếu mợ quyết chí thì tôi sẽ xin truyền cái nghề của chúng tôi cho mợ. Còn vốn liếng khởi sự, tôi sẽ xin cố giúp, sau này đợi lúc khá giả sẽ hoàn lại cũng được.

Ông lão nói rồi bắt tay vào làm ngay. Người vợ Bính Cung không ngờ một ông lão dệt sồi ở xóm lại tỏ ra hào hiệp có phần vượt xa Nguyễn Đình Phương.

Ông xuất tiền một lúc mua ngay khung cửi và một đồ lề khác để cho hai người đàn bà học dệt. Lại bỏ vốn cân tơ. Ông lão còn mất khá nhiều thì giờ để bày vẽ cho họ mọi bí mật của nghề nghiệp. Chẳng mấy chốc họ đã có sồi đem ra chợ bán.

Càng ngày nghề của họ càng tinh. Mẹ con bà cháu tằn tiện cũng đủ bát ăn và bắt đầu cho đứa bé đi học. Không bao lâu, gia đình đã dành dụm được tiền đem đi chuộc nhà và số ruộng vườn về. Từ khi chuộc được nhà, họ lơ hẳn Nguyễn Đình Phương coi như người xa lạ, trái lại ân cần coi ông lão là một vị ân nhân.

Thấm thoắt bảy tám năm trôi qua, người con gái Bính Cung đã có người dạm hỏi. Hôm cưới, trong nhà rộn rịp giết lợn bày cỗ rất linh đình mà theo ý người vợ Bính Cung là để cho bõ những ngày gian truân vừa qua.

Nhưng giữa tiệc cưới vui vẻ, khách khứa tấp nập, người vợ Bính Cung nhác thấy Nguyễn Đình Phương – người mà bà đã có chủ định không mời – cũng khăn áo đến dự. Vợ Bính Cung tiến ra đón ở cửa, chua chát:

– Bác hôm nay cũng đến đây ư? Chao ôi! Tôi cứ tưởng bác phải quên chúng tôi lâu rồi. Chắc bác nghĩ rằng gia đình chúng tôi phải chết giấm chết giúi từ đời thuở nào, còn đâu được bác chiếu cố đến thăm nhà hôm nay nữa…

Vợ Bính Cung còn định tìm những câu đau hơn nữa để nói cho Đình Phương biết mặt, nhưng lúc bấy giờ ông lão ân nhân đã bước ra, rỉ vào tai:

– Mợ cả, mợ đừng vội nóng, để tôi nói mợ nghe. Tất cả vốn liếng mà tôi giúp mợ, cả công lao bày vẽ của tôi nữa đều là tiền bạc của ông Phương đây cả. Tôi chỉ là người trao hộ, làm hộ mà không nói ra cho mợ biết đó thôi!

Top 3 truyện cổ tích dân gian hay và ý nghĩa, hãy đọc cho bé trước khi đi ngủ - 8

Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích dân gian Việt Nam

Truyện dân gian Việt Nam là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể thể hiện nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động.

Truyện cổ tích dân gian Việt Nam không chỉ mang tính giáo dục cao mà nó còn giúp các bé hiểu thêm về nguồn gốc, sự tích ra đời của một số hiện tượng, một số nhân vật thần kỳ.

Qua những câu chuyện dân gian chúng ta thêm yêu cuộc sống này, yêu sự kỳ diệu của những ngôn ngữ, biết sẻ chia đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh ở xung quanh ta.

Truyện cổ tích dân gian Việt Nam giáo dục trẻ một số bài học giá trị trong cuộc sống.

Truyện cổ tích dân gian Việt Nam giáo dục trẻ một số bài học giá trị trong cuộc sống.

Bài học lớn từ những câu chuyện cổ tích về các loài vật, mẹ nên kể bé nghe
Mỗi câu chuyện cổ tích về các loài vật tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học hay, dạy bé kỹ năng sống cần thiết.

Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn

Hạ Mây
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn