Con gái 2 tuổi có dấu hiệu này trên cơ thể, mẹ “chẩn đoán” dậy thì sớm khiến bác sĩ phải nhắc một điều

DIỆU THUẦN - Ngày 09/04/2024 14:00 PM (GMT+7)

Sau khi xem bài viết chia sẻ về trường hợp bé gái mọc nhiều lông do sử dụng corticoid kéo dài và bé bị dậy thì sớm trên mạng xã hội, chị Ngọc lo lắng, cho rằng con gái 2 tuổi của mình cũng bị tương tự. 

Chị Phạm Mỹ Ngọc (32 tuổi, ở Hải Dương) có con gái 2 tuổi khỏe mạnh và đã đi học tại một nhà trẻ gần nhà. Mới đây, chị Ngọc chia sẻ lên một hội nhóm cha mẹ về nỗi lo con gái 2 tuổi đã dậy thì. Người mẹ cho biết, con gái chị đang mọc nhiều lông tơ ở mặt, trán và lưng. Khi lên mạng tìm hiểu, chị đọc được bài viết của một chủ tiệm thuốc nói về một bé gái mọc nhiều lông do uống thuốc có chứa corticoid kéo dài và bị dậy thì sớm.

Bé gái mọc nhiều lông được người bán thuốc chia sẻ (bên trái) và con gái chị Ngọc (bên phải).

Bé gái mọc nhiều lông được người bán thuốc chia sẻ (bên trái) và con gái chị Ngọc (bên phải).

Trong bài viết, người bán thuốc cảnh báo, cha mẹ khi mua thuốc hay các sản phẩm giúp trẻ ăn ngon thì cần theo chỉ định của bác sĩ, không cho con uống theo trào lưu. “Không phải cứ nghe người ta nói hay mà đã đúng đâu ạ. Thật giả bây giờ lẫn lộn lắm mọi người ạ”, người bán thuốc viết.

Sau khi đọc bài viết, đối chiếu với tình trạng của con gái mình, chị Ngọc loại trừ khả năng con sử dụng thuốc chứa corticoid, và cho rằng việc bé mọc lông nhiều là đã dậy thì sớm, dù trẻ không có các biểu hiện của tình trạng này. Chị đã rất lo lắng, thương con gái vì bé còn quá nhỏ.

Khi đưa con đi khám dậy thì sớm, chị Ngọc được bác sĩ cho biết, con gái chị có sức khỏe bình thường. Xem ở những vị trí mọc nhiều lông tơ của bé gái, vị bác sĩ nói, tình trạng này là bình thường ở trẻ nhỏ, nhưng cần theo dõi thêm.

Sau khi đọc bài chia sẻ và xem hình ảnh của con gái mà chị Ngọc chia sẻ, ai cũng đồng cảm với sự lo lắng của người mẹ nhưng hầu hết mọi người khuyên chị không nên quá tin tưởng các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, mà hãy biết xem có chọn lọc hơn.

Hãy xem thông tin có chọn lọc, nhất là thông tin trên mạng xã hội

Một người mẹ đang có con trong độ tuổi dậy thì viết: “Dậy thì sớm ở trẻ có rất nhiều biểu hiện. Nếu đột nhiên con xuất hiện triệu chứng thì mới lo. Tôi nghĩ, chị nên bớt “chẩn đoán” bệnh của con theo mạng xã hội, mà hãy xem có chọn lọc. Bây giờ, có rất nhiều thông tin được chia sẻ chưa chính xác, mình xem cần phải xác minh. Khi con bị các triệu chứng bệnh thì hãy đưa đi khám bác sĩ. Chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán bệnh được”.

Theo các bác sĩ, rất hiếm trẻ dậy thì khi mới 2 tuổi. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, rất hiếm trẻ dậy thì khi mới 2 tuổi. Ảnh minh họa.

Dậy thì sớm ở trẻ là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát, đánh dấu sự trưởng thành về sinh dục sớm hơn bình thường. Th.BS Nguyễn Đức Quang, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện nay, dậy thì sớm ở trẻ đang có khuynh hướng ngày càng sớm so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây. Theo đó, tuổi dậy thì sớm ở bé gái là trước 8 tuổi và trước 9 tuổi ở bé trai.

Bác sĩ Quang cho rằng, một bé gái nghi ngờ dậy thì sớm nếu bé xuất hiện các đặc tính như: ngực phát triển, mọc lông mu và lông nách, bắt đầu có mùi cơ thể, xuất hiện mụn trứng cá trước 8 tuổi và có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trước 9,5 tuổi. 

Theo bác sĩ Quang, dậy thì sớm ở bé gái không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ mà còn có thể khiến trẻ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến và được nhiều cha mẹ quan tâm, tìm kiếm thông tin qua báo, đài, internet… Tuy nhiên, khi xem các thông tin chia sẻ, cha mẹ nên chọn lọc và tìm kiếm ở những địa chỉ uy tín. Khi trẻ có dấu hiệu hoặc nghi ngờ dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa đến bệnh viện để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị sớm, không nên tự chẩn đoán cho con để thêm lo lắng, có những việc làm không đúng.

Để phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, phù hợp độ tuổi của trẻ. Trong đó, trẻ cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết gồm: chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất… để cơ thể phát triển toàn diện, trong đó ưu tiên rau xanh, trái cây tươi. Đặc biệt, trẻ nên hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng.

Ngoài xây dựng cho con lối sống lành mạnh, cha mẹ nên xem thông tin có chọn lọc hơn. Ảnh minh họa.

Ngoài xây dựng cho con lối sống lành mạnh, cha mẹ nên xem thông tin có chọn lọc hơn. Ảnh minh họa.

- Xây dựng cho trẻ thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên. Trẻ cần tăng cường vận động để tiêu hao năng lượng, từ đó, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe khoắn, tăng sức đề kháng. Một số bộ môn thể thao được khuyến khích cho trẻ như bơi lội, nhảy dây, đá cầu, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ…

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm, mỹ phẩm, thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa estrogen hoặc testosterone hay các chất có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh các loại hormone dẫn đến dậy thì sớm.

- Kiểm soát cân nặng của trẻ, tránh để trẻ thừa cân, béo phì. Một số nghiên cứu cho thấy béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Thấy con 9 tuổi phổng phao, mẹ định cho tiêm thuốc hoãn dậy thì, bác sĩ lắc đầu, chỉ ra cách tốt hơn mà không tốn
Con gái 9 tuổi có các dấu hiệu dậy thì, người mẹ mong muốn được tiêm hormone để làm chậm quá trình dậy thì và giúp con có thể đạt chiều cao như ý...

Trẻ tuổi dậy thì

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ tuổi dậy thì