Cháo củ dền rất tốt cho sức khỏe của trẻ, đây là món ăn lý tưởng dành cho các mẹ đang có nhu cầu tìm hiểu thực phẩm cho bé bắt đầu ăn dặm.
Củ dền là một trong những loại rau củ phổ biến, thường được sử dụng để làm nguyên liệu trong các món ăn hoặc dùng để nấu cháo cho bé ăn dặm. Một số thành phần dinh dưỡng hữu ích có trong 100g củ dền có thể kể đến như:
- Năng lượng: 43kcal
- Lipid: 18g
- Carbohydrate: 9,96g
- Chất xơ: 2g
- Kali: 305mg
- Canxi: 16mg
- Sắt: 0,79mg
- Natri: 77mg
- Magie: 23mg
- Vitamin C: 3,6mg
Và hàng loạt dưỡng chất thiết yếu, quan trọng khác có trong củ dền, rất có lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Tác dụng của cháo củ dền cho bé
Củ dền mang đến rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe của trẻ, khi được đem chế biến thành cháo dinh dưỡng cho bé ăn dặm, nó sẽ mang đến nhiều công dụng hữu ích như:
- Bổ sung đầy đủ các khoáng chất, dưỡng chất thiết yếu dành cho sự phát triển của trẻ như vitamin A, canxi, sắt, vitamin nhóm B, C, E, K...hạn chế bệnh thiếu máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Phòng ngừa tình trạng thiếu máu do không cung cấp đủ sắt thường xảy ra ở trẻ trên 6 tháng tuổi
- Hỗ trợ cung cấp một lượng chất xơ để trẻ không bị táo bón và làm việc hiệu quả nhất.
- Hỗ trợ cải thiện tuần hoàn não và cung cấp các chất có lợi cho sự phát triển của trẻ.
- Bảo vệ gan, hạn chế bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh.
Trẻ mấy tháng ăn được củ dền?
Thông thường, khoảng từ 6 tháng tuổi, mẹ bắt đầu cho bé ăn dặm để giúp bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết ngoài sữa và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của trẻ. Một số loại rau phổ biến được sử dụng ở thời điểm này chủ yếu gồm cà rốt, rau cải xanh, khoai lang, cà chua...
Mặc dù củ dền khá phổ biến nhưng mẹ cần phải cho bé ăn sau khoảng 1-2 tháng (tức là khi bé được khoảng 8 tháng tuổi trở lên).
Nên bổ sung cháo củ dền cho bé từ 8 tháng tuổi trở lên
Lúc này, hệ tiêu hóa của bé đã hoàn thiện hơn, hoạt động tốt hơn để xử lý các loại rau củ. Ngoài ra, vị của củ dền cũng khá đậm nên nếu như cho bé ăn quá sớm sẽ khiến bé cảm thấy khó tiếp nhận hương vị của củ dền.
Do vậy, mẹ không nên nấu cháo củ dền cho bé 6 tháng tuổi trở xuống. Bên cạnh đó, với những bé đã đủ điều kiện ăn, mẹ cũng chỉ nên cho bé tập làm quen mỗi ngày khoảng 2 muỗng củ dền đã nghiền nhuyễn rồi mới tăng lượng lên.
Cách nấu cháo củ dền cho bé ăn dặm ngon miệng, bổ dưỡng
Sau đây là những cách nấu cháo củ dền cho bé ăn dặm cực kỳ ngon miệng, dễ làm để các mẹ có thể tham khảo nhằm bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé yêu của mình.
1. Cách nấu cháo tôm củ dền
Tôm là một loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu khoáng chất có lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi được kết hợp với củ dền sẽ tạo nên một món ăn giàu dưỡng chất, giúp bé khỏe mạnh.
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Củ dền: 20g
- Tôm đã bóc vỏ: 30g
- Gạo xay: 40g
- Dầu ăn, gia vị,...
1.2. Cách nấu cháo củ dền cho bé ăn dặm với tôm
- Cho thêm nước vào gạo đã vo sạch, nấu và ninh nhừ.
- Thái miếng củ dền thành hạt lựu và luộc chín rồi xay nhuyễn.
- Tôm rửa sạch, băm nhuyễn hoặc hấp/luộc chín và thái băm nhuyễn.
Món cháo tôm củ dền cho bé ăn dặm ngon miệng
- Để rút ngắn thời gian, mẹ có thể cho thêm hỗn hợp củ dền và tôm vào xay nhuyễn.
- Cho tôm và củ dền vào cháo đang ninh và đun sôi. Đun khi cháo chín thì tắt bếp và nêm thêm chút dầu ăn.
- Chờ đến khi cháo nguội thì lấy ra cho bé thưởng thức.
2. Cách nấu cháo củ dền cá hồi
Cá hồi là thực phẩm vô cùng bổ dưỡng, giúp phát triển trí não, cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể của bé trở nên khỏe mạnh hơn.
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Cá hồi: 30g
- Củ dền đỏ: 20g
- Đậu Hà Lan: 30g
- Gạo xay vỡ hạt: 40g
- Sữa tươi không đường, dầu olive, bột phô mai rắc vừa đủ
2.2. Cách nấu cháo củ dền cho bé với cá hồi
- Sơ chế tất cả các nguyên liệu cho sạch
- Gạo vo sạch và nấu cháo, ninh cho thật nhừ
- Ngâm cá hồi trong sữa tươi không đường khoảng từ 10-15 phút
- Lấy khăn xô thấm cá hồi và hấp cho cá chín
- Khi cá đã chín thì lấy cá ra, gỡ thịt và giã thật nhuyễn.
Món cháo củ dền cá hồi cho bé thơm ngon
- Củ dền gọt vỏ, thái hạt lựu rồi hấp cùng đậu Hà Lan rồi xay thật nhuyễn.
- Cho đậu Hà Lan và củ dền vào trong cháo
- Khi cháo chín thì cho cá hồi đã xay nhuyễn vào và đảo qua sơ qua rồi tắt bếp.
- Cho thêm dầu olive và phô mai rắc vào
- Đợi cháo nguội thì múc ra bát cho bé ăn.
3. Cách nấu cháo củ dền thịt bò, khoai tây
Các mẹ có thể thay thế khoai tây bằng cà rốt hoặc khoai môn tùy theo sở thích ăn uống của bé cho phù hợp.
3.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Củ dền: 20g
- Khoai tây: 20g
- Thịt bò: 30g
- Gạo xay vỡ hạt: 40g
- Dầu olive, gia vị,...
3.2. Cách nấu cháo củ dền cho bé với thịt bò, khoai tây
- Gạo cho vào nấu cháo và ninh nhừ.
- Khoai tây, củ dền gọt vỏ, rửa sạch và xắt hạt lựu mang đến luộc chín và xay nhuyễn.
- Rửa sạch thịt bò, thái hoặc băm nhỏ rồi mang xào kèm một chút dầu ăn rồi mẹ đổ thêm chút nước vào ninh nhừ. Nếu bé mới bắt đầu ăn dặm thì nên xay nhuyễn thịt bò rồi mới cho vào với cháo.
- Cho khoai tây, thịt bò, củ dền vào cháo ninh nhừ rồi tắt bếp.
- Để cháo nguội rồi mẹ múc cháo ra cho bé ăn.
Cháo củ dền thịt bò thơm ngon và bổ dưỡng cho bé
4. Cách nấu cháo củ dền với trứng gà
Các mẹ chỉ nên sử dụng lòng đỏ trứng gà khi nấu cháo ăn dặm cho bé nhé. Bởi phần lòng trắng trứng sẽ khiến các bé khó tiêu hóa, dễ gặp dị ứng.
4.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Củ dền: 20g
- Lòng đỏ trứng gà: 1 cái
- Gạo xay vỡ hạt: 40g
- Dầu ăn, gia vị,...
4.2. Cách nấu cháo củ dền cho bé ăn dặm với trứng gà
- Gạo vo sạch, sau đó cho vào nồi nước để nấu cháo.
- Củ dền gọt vỏ, rửa sạch, sau đó băm nhuyễn rồi cho vào nồi nước nấu chín nhừ.
- Lòng đỏ trứng gà đánh cho tan ra, có thể nêm thêm gia vị nếu cần.
- Cho hỗn hợp củ dền, lòng đỏ trứng vào nồi cháo đang sôi, đảo đều rồi đun đến khi cháo chín hoàn toàn là được.
- Cho bé ăn cháo khi vẫn còn đang nóng.
5. Cách nấu cháo củ dền thịt heo
Các mẹ có thể sử dụng thịt heo để nấu cháo cho bé ăn dặm kết hợp với củ dền. Bởi đây cũng là loại thịt giàu dưỡng chất, dễ chế biến và phối hợp với nhiều loại rau củ khác nhau.
5.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Củ dền: 20g
- Thịt heo: 40
- Gạo xay vỡ hạt: 40g
- Dầu ăn, gia vị,...
5.2. Cách nấu cháo củ dền cho bé với thịt heo
- Củ dền gọt vỏ, rửa sạch, sau đó thái hạt lựu rồi băm nhỏ.
- Đem củ dền đi luộc sơ cho chín nhừ.
- Thịt heo rửa sạch, băm nhỏ, sau đó đem lên chảo xào qua với một ít dầu ăn.
- Vo gạo thật sạch, sau đó cho vào nồi để nấu thành cháo chín nhừ.
- Cho hỗn hợp thịt heo, củ dền vào nồi cháo đang đun, nêm thêm gia vị phù hợp rồi ninh đến khi cháo và các nguyên liệu chín hoàn toàn.
Ngoài những món cháo củ dền cho bé ở trên, các mẹ cũng có thể áp dụng các bước tương tự cho các món cháo như cháo củ dền thịt gà, tim gà, phô mai,…
Trẻ có bị dị ứng với củ dền không?
Dị ứng với củ dền là rất hiếm nhưng khi cho bé ăn cháo củ dền mẹ nên cho bé thử một lượng nhỏ trước để thử phản ứng của bé. Không nên cho bé ăn thường xuyên bởi theo khuyến cáo, ăn củ dền liên tục sẽ khiến tích tụ lượng nitrat làm bé bị tím tái, suy hô hấp...
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng củ dền, nếu em bé của bạn bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Ngoài ra, số bác sĩ nhi khoa khuyên không nên cho dùng củ dền tươi xay nhuyễn cho trẻ sơ sinh mà hãy hấp hoặc luộc chín củ dền rồi mới xay nhuyễn trước khi cho bé ăn.
Lưu ý khi nấu cháo củ dền cho bé ăn dặm
Tuy rằng củ dền là loại rau củ mang lại nhiều dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, thế nhưng nếu sử dụng không đúng thì có thể khiến các bé gặp nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau đây là một số lưu ý mà các mẹ không nên bỏ qua:
- Với các bé dưới 1 tuổi, lượng củ dền mà các bé ăn hàng ngày không vượt quá từ 1-2 thìa. Bởi củ dền rất giàu nitrate có thể khiến hệ tiêu hóa của bé rối loạn nếu hấp thụ quá nhiều.
- Phải nấu chín nhừ củ dền trước khi cho bé ăn dặm. Tránh ép nước củ dền cho bé uống nếu chưa được chế biến kỹ và chín hoàn toàn.
- Không sử dụng củ dền để nấu cháo cho bé quá thường xuyên, chỉ nên 1-2 bữa/tuần mà thôi. Vì lượng nitrat tích tụ quá nhiều có thể gây ngộ độc cho bé về lâu dài.
- Thử xem bé có bị dị ứng với củ dền không rồi mới cho bé ăn cháo hoặc uống nước ép.