Bác sĩ thông báo may mà đứa trẻ được cấp cứu kịp thời, nếu không thì...
Dị ứng thức ăn ở trẻ em là một tình trạng vô cùng nguy hiểm. Nếu không được cấp cứu và chữa trị kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng của trẻ em. Do đó, hầu như các bác sĩ đều khuyến cáo các cha mẹ mỗi khi cho con ăn một vị thức ăn mới nên cho bé ăn thử ít một và theo dõi xem trẻ có bị dị ứng hay không.
Bà Tần có hai người con, một trai một gái, đều đã yên bề gia thất. Khi con dâu hết thời gian nghỉ thai sản, bà Tần đã đến Nam Ninh (Trung Quốc) chăm sóc cho cháu để các con yên tâm đi làm. Bình thường mỗi ngày, con dâu của bà Tần sẽ chuẩn bị sẵn phần thức ăn để bà ở nhà nấu bột hoặc cháo cho cháu. Nhưng cứ mỗi chiều xuống công viên chơi, bà lại cảm thấy cháu mình trông còi cọc hơn so với các bạn cùng tháng tuổi. Bà liền đi hỏi thăm vài người và “học lỏm” được vài bí quyết nhỏ.
Trong đó, có một người mẹ đang bế trên tay một đứa trẻ rất bụ bẫm, trắng hồng đáng yêu tiết lộ với bà Tần: “Cháu thường nấu cháo sò điệp cho con gái ăn. Cô biết không, bọn trẻ con ở quê cháu ở Bắc Hải đều cao lớn là nhờ ăn loại hải sản này đấy”.
Bà Tần đã nấu cháo sò điệp cho cháu ăn với mong muốn cháu mau lớn, bụ bẫm, cao to (Ảnh minh họa)
Nghe xong, bà Tần mừng rỡ như vớ được vàng, bởi thật ra con trai và con dâu đều không quá cao, nên bà vẫn âm thầm tìm hiểu các loại thức ăn có thể thúc đẩy chiều cao để gửi gắm mong ước cháu trai của mình sẽ cao lớn. Thế là ngay ngày hôm sau, bà đã dậy sớm đi chợ mua một ít sò điệp tươi về bằm ra nấu cháo cho cháu ăn. Bình thường, bé trai mỗi bữa chỉ ăn một bát cháo. Song, nay được ăn cháo sò điệp có vị lạ, lại được bà nội nấu thơm phức nên cậu bé ăn hẳn hai bát liền làm bà Tần vui trông thấy.
Thế nhưng, vui chưa được bao lâu thì bà Tần nhận thấy cháu cứ cào cào vào phần cổ, rồi khóc rấm rứt khó chịu. Sau đó, mặt mũi đứa trẻ đỏ bừng, tay chân người ngợm nổi mẩn sần. Bà sợ quá liền gọi điện thoại cho các con về gấp. May mắn là công ty của con dâu ở gần nên chỉ 5 phút sau đã có mặt ở nhà. Mẹ của bé trai vội vàng đưa con vào ngay bệnh viện.
Tại đây, bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng tiếng khóc yếu ớt, môi có chút tím tái. Họ quan sát nhanh rồi vội vã đưa bé trai vào phòng cấp cứu. Một lát sau, bác sĩ ra thông báo đứa trẻ bị dị ứng nặng nên cổ họng bị phù nề, ảnh hưởng đến hô hấp. May mắn là được cấp cứu kịp thời, nếu không đứa trẻ có thể sẽ tử vong vì không thở được. Nghe đến đây, bà Tần sợ đến toát mồ hôi lạnh.
Bác sĩ thông báo đứa trẻ bị dị ứng nặng khiến hô hấp khó khăn, may mà được cấp cứu kịp thời khiến bà Tần sợ toát mồ hôi hột (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bác sĩ thắc mắc làm thế nào mà một đứa trẻ 10 tháng tuổi lại có thể bị dị ứng nặng đến như vậy, nên đã hỏi gia đình bệnh nhi xem hôm nay bé trai ăn món gì. Biết không còn giấu giếm được nữa, bà Tần liền “thú nhận” rằng hôm nay đã nấu cháo sò điệp cho cháu ăn, ngon miệng nên cậu bé đã ăn 2 bát.
“Sò điệp đúng là có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt hàm lượng đạm rất cao, 100gram có đến 55,6gram đạm. Cũng vì vậy mà nó là thực phẩm dễ gây dị ứng cho người ăn, nhất là trẻ nhỏ. Lần đầu ăn cháo sò điệp mà bà đã cho cháu ăn những hai bát là đã vượt quá liều lượng quy định của một đứa trẻ nên khiến bé bị dị ứng. Bây giờ ít nhất sau nửa năm nữa mới cho bé ăn lại sò điệp, nhưng phải ăn chút một để xem còn bị dị ứng nữa hay không”, bác sĩ nhi cho biết.
Theo thông tin tư Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, các loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất cho trẻ em là đậu phộng, đậu nành, sữa, trứng, cá, động vật có vỏ (cua, tôm, sò,…). Các triệu chứng khi bị dị ứng thực phẩm bao gồm: ngứa, nổi mẩn đỏ, nặng hơn nữa là suy giảm hô hấp, tụt huyết áp đột ngột và có thể sẽ khiến cơ thể sốc phản vệ. Và nếu không được cấp cứu kịp thời trẻ có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, việc quan trọng cha mẹ cần làm mỗi khi cho con thử một loại thực phẩm mới chính là chỉ cho một ít vào trong món ăn của con. Sau đó, theo dõi trẻ từ 3 – 5 ngày để xem con có biểu hiện gì lạ như dị ứng hay không. Nếu không có chuyện gì xảy ra thì cho trẻ ăn loại thực phẩm này nhiều hơn một chút và tiếp tục theo dõi thêm lần nữa.