Khi nhặt được chiếc khẩu trang ở hiện trường tai nạn của con trai, bố mẹ bé dường như hiều ra tất cả.
Một sự việc đau lòng xảy đến với cậu bé Cheng - học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học ở Trung Quốc đã gần 1 năm vẫn khiến nhiều bậc phụ huynh đau xót và coi đó là một bài học khi nhắc tới. Đó là một ngày tháng 5/2022, mẹ bé Cheng kể lại, buổi sáng con trai đến trường cùng với em gái của cậu bé nhưng trưa không thấy trở về nhà. Người mẹ tức tốc đi tìm con thì được mọi người thông báo thi thể cậu bé đã được phát hiện dưới nền đất bên cạnh một tòa nhà.
Nguyên nhân về cái chết được xác định là do cậu bé tự tử. Mẹ của Cheng dường như chết lặng khi nhìn thấy con trai nhưng vẫn hoài nghi nên quyết định đi tìm thêm manh mối về cái chết của con trai. Chị nhặt được một cuốn sổ, bút và khẩu trang trên tầng 15, cửa sổ vẫn mở.
Kiểm tra camera giám sát của tòa nhà, mẹ phát hiện con trai Cheng đã thực sự đi về phía cửa sổ và bắt đầu gieo mình xuống đó. Đau đớn khi việc con trai nhảy lầu tự tử là chính xác, mẹ Cheng mới bắt đầu xem những đồ con trai để lại thì phát hiện dòng thư tuyệt mệnh mà Cheng đã viết lên chiếc khẩu trang: "Ông Li sẽ bị bắt".
Lúc này bà mẹ bắt đầu chợt nhớ ra lúc 8:44 phút sáng ngày hôm ấy, chị nhận được một cuộc điện thoại từ giáo viên Li - giáo viên chủ nhiệm của con trai, thông báo về việc bé Cheng chưa làm xong bài tập về nhà, thậm chí giáo viên còn khẳng định Cheng đã nói dối và phê bình bé trước lớp. Mẹ của Cheng nghi ngờ rằng đó chính là nguồn cơn của sự việc có thể khiến đứa trẻ bị tổn thương lòng tự trọng trước mặt bạn bè nên đưa ra quyết định đau đớn này.
Gia đình đã hỏi thêm bạn bè cùng lớp của Cheng thì được biết từ khi học lớp 2, Cheng đã tập viết những bức thư tuyệt mệnh ví dụ như từ "suy sụp". Một bức thư tuyệt mệnh khác của Cheng được viết trong cuốn sổ đã thông báo rõ hơn: "Hôm nay tôi bị giáo viên đánh, tôi không muốn sống nữa vì tôi phải làm bài tập về nhà mỗi ngày. Sụp đổ".
Bố của Cheng thông tin thêm vài năm trước khi con trai trở về nhà ông phát hiện mặt con trai sưng đỏ. Cậu bé nói là do giáo viên Li đánh. Ông ấy đã từng nghĩ đến việc đổi trường cho con nhưng lại không thực hiện. "Nếu tôi chuyển trường cho con thì đã không xảy ra cơ sự này" - người bố nghẹn ngào nói. Được biết để giáo viên đối xử tốt hơn với Cheng, gia đình cũng đã nhiều lần mang quà tới nhà giáo viên Li, thậm chí mời vợ chồng Li đi ăn.
Tuy nhiên sự việc vẫn đang được điều tra bởi phía giáo viên Li và nhà trường phủ nhận toàn bộ những liên quan.
Việc các giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh là việc làm chính xác và đem lại hiệu quả tốt cho quá trình học tập của trẻ. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc giao càng nhiều thì hiệu quả càng cao mà còn vô hình chung tạo nên áp lực lớn đối với mỗi em học sinh. Thầy cô giáo cần giao bài tập cho học sinh theo hai mức độ khó và dễ. Tuy nhiên nhiều giáo viên khi giao bài tập về nhà cho học sinh đã không nghĩ đến những điểm này mà chỉ giao ngẫu nhiên sẽ dẫn đến: 1. Đối với học sinh có học lực trung bình, nắm bắt nội dung kiến thức trên lớp kém, không thể hoàn thành bài tập khó; 2. Đối với học sinh khá, giỏi phải làm các dạng bài tập tương đối đơn giản, hiệu quả không cao; 3. Có một số kiến thức của một số chuyên đề dễ hiểu, học sinh đã nắm vững nhưng phải làm đi làm lại nhiều chủ đề gây lãng phí thời gian quý báu của học sinh. Lâu dần, học sinh cũng sẽ cảm thấy nhàm chán với những bài tập lặp đi lặp lại và vô bổ do giáo viên giao, đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh không thích làm bài và không nộp bài, thậm chí là áp lực lớn về bài tập. Tóm lại, khi giao bài tập về nhà cho học sinh, thầy cô giáo không nên quan tâm đến độ "nhiều" mà là độ tinh, độ tinh là phải cụ thể hóa nội dung dạy hôm nay, kết hợp với kỳ thi và chuẩn chương trình, thiết kế hai dạng đề khó, dễ và giao riêng cho học sinh các trình độ khác nhau. |