Nhiều mẹ thường bị bối rối về cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh nên không biết phải làm sao để giữ rốn của bé luôn sạch sẽ. Thực hiện theo những hướng dẫn sau đây, quy trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh của các mẹ sẽ vô cùng đơn giản.
Mẹ nên lưu ý, vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sẽ bao gồm hai giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tiên là cần đảm bảo vệ sinh cuống rốn ướt sau khi sinh khoảng 24 giờ khi bé mới sinh. Thời điểm này, ngoài việc hướng dẫn tháo kẹp rốn cho trẻ sơ sinh cho mẹ thì rốn của bé cũng sẽ được chăm sóc bởi các y tá.
Giai đoạn tiếp theo là chăm sóc cuống rốn để cuống rốn khô, cần phải chăm sóc hàng ngày. Ở giai đoạn này, mẹ cần phải đảm bảo làm sao giữ gìn sạch sẽ và khô ráo cuống rốn của trẻ để giúp cuống rốn tự rụng.
Vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh cần phải cẩn thận. (Ảnh minh họa)
Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh khi chưa rụng
Cách tốt nhất để chăm sóc cho cuống rốn là luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, khô ráo cho đến khi nó tự rụng. Để giữ sạch, mẹ không cần phải rửa thường xuyên. Thay vào đó là nên tránh tiếp xúc và làm bẩn cuống rốn. Dưới đây là quy trình vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh:
- Trước khi vệ sinh rốn và thay băng rốn, mẹ cần rửa tay sạch bằng xà phòng và sát trùng.
- Tiếp theo, mẹ nhẹ nhàng gỡ miếng gạc cũ đang băng rốn của bé ra. Dùng bông vô khuẩn thấm dung dịch vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh (cồn 70 độ, có loại cồn riêng cho trẻ sơ sinh mẹ có thể tìm hiểu tại các hiệu thuốc) và lau sạch từ chân lên đến cuống rốn, kèm theo vùng da xung quanh rốn.
Cách tốt nhất để chăm sóc cho cuống rốn là luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, khô ráo. (Ảnh minh họa)
- Sau đó, thay miếng gạc mới (dùng loại gạc vô khuẩn) rồi dùng băng rốn cho trẻ sơ sinh quấn lại một vòng xung quanh bụng bé. Tất cả các bước đều phải cần thực hiện nhẹ nhàng.
Cuống rốn thường tự rụng trong khoảng 1-3 tuần sau khi sinh nên nếu như quá 3 tuần thì mẹ nên lưu ý vì nhiều trường hợp chân rốn lớn nên lâu rụng hoặc cũng có thể đó là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiễm trùng rốn như chảy máu, rốn có mủ, sưng hoặc đổi màu. Lúc này, hãy đến bác sĩ ngay lập tức, không được chần chừ.
Cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng
Sau khi rốn đã rụng hoàn toàn, mẹ có thể thấy một chút máu hoặc vảy đã khô lại, việc vệ sinh cũng đơn giản hơn. Mẹ vẫn tiếp tục vệ sinh rốn bằng bông tẩm nước sạch đã đun sôi để nguội. Phần vết thương hoặc vảy ở cuống rốn sẽ tự lành sau khoảng 2-3 ngày. Tuy nhiên, mẹ cần phải tìm hiểu cách tắm cho trẻ sơ sinh đã rụng rốn vì quá trình tắm cũng ảnh hưởng khá nhiều đến rốn của bé.
Việc vệ sinh rốn cho trẻ sau khi rụng cũng đơn giản hơn. (Ảnh minh họa)
Mẹ không cần phải làm sạch tại phần rốn của trẻ sơ sinh quá kĩ so với phần cơ thể còn lại của bé. Chỉ cần mẹ dùng một góc của khăn tắm (loại khăn vải màn mỏng) để lau sạch phần xung quanh rốn nhưng không cần sử dụng xà phòng hoặc chà quá mạnh. Nếu rốn vẫn trông như vết thương hở sau khi dây rốn rụng thì tránh chà xát cho đến khi vết thương lành hoàn toàn.
Lưu ý trong quá trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
- Mẹ hãy để dây rốn rụng tự nhiên, không được cố gắng kéo đứt hoặc cắt dây rốn ngay cả khi trông dây rốn có vẻ lỏng lẻo, chỉ còn chút xíu nữa là rơi sẽ làm nhiễm trùng rốn của bé.
- Phải luôn luôn vệ sinh tay sạch sẽ trước khi thực hiện vệ sinh rốn cho bé.
- Luôn đảm bảo rốn bé khô thoáng như không băng rốn quá chặt, mặc bỉm quá cao sẽ tạo cảm giác bí, không nhúng toàn bộ phần rốn của bé sau khi tắm xuống nước, không để nước tiểu dính vào rốn bé khi bé vừa tè xong (đặc biệt là bé trai).
- Không sờ vào cuống rốn, không bôi bất cứ thứ gì lên cuống rốn, kể cả các loại thảo dược.
Trên đây là cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh trước và sau khi rụng đơn giản nhất. Các mẹ cũng nêu lưu ý là, nếu vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách nhưng rốn bị rỉ dịch nhiều lâu ngày, thường có mùi hôi, phần chân rốn đỏ...và không cải thiện thì hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn tham khảo: - "Are babies born with a belly button?". Healthline |