Cho con 3 tháng ngủ chung giường, bố đau xót phát hiện bé không còn thở vào sáng sớm

Ngày 27/03/2020 14:30 PM (GMT+7)

Tỉnh dậy, thấy con trai đã không còn thở, ông bố mới vội vã đưa đứa bé đến bệnh viện thì đã muộn.

Nhiều cha mẹ thích ngủ chung giường với trẻ sơ sinh. Họ cho rằng bằng cách đó có thể kịp thời chăm sóc trẻ và tăng cường gắn kết tình cảm với con. Thực tế việc làm đó đôi khi lại gây nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tới tính mạng bé.

Sáng sớm, ở Bệnh viện Nhân dân số 1 của thành phố Sâm Châu (Hồ Nam, Trung Quốc), y tá vội vã bế một đứa trẻ sơ sinh vào phòng cấp cứu. Lúc đó đứa bé đã ngừng thở, tim ngừng đập và cơ thể dần cứng lại. Sau nhiều nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, em bé vẫn không thể cứu chữa. 

Bác sĩ Dữu Kim Yến, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Sâm Châu, qua hỏi thăm các thành viên trong gia đình được biết đứa trẻ vỏn vẹn 3 tháng tuổi. Gia đình này thường thích ngủ chung với em bé. Bởi vì sợ em bé lạnh, người bố đã mặc quần áo dày cho con. Đêm ngủ, người lớn còn vô tình kéo chăn trùm cả đầu đứa trẻ. 

Cho con 3 tháng ngủ chung giường, bố đau xót phát hiện bé không còn thở vào sáng sớm - 1

Tỉnh dậy, thấy con trai đã không còn thở, ông bố mới vội vã đưa đứa bé đến bệnh viện thì đã muộn. (Ảnh minh họa)

Tỉnh dậy, thấy con trai đã không còn thở, ông bố mới vội vã đưa đứa bé đến bệnh viện thì đã muộn. Bác sĩ Dữu Kim Yến bày tỏ sự tiếc nuối, nếu em bé không ngủ chung với bố mẹ thì đã không có thảm kịch đau lòng này xảy ra.

Những nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ sơ sinh ngủ chung với cha mẹ:

Làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh

Tỷ lệ trẻ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) khi ngủ cùng bố mẹ tăng gấp 5 lần so với trẻ được ngủ riêng, theo nghiên cứu được các nhà khoa học Anh tiến hành với 1.500 trường hợp trẻ sơ sinh. Trên thực tế, khoảng 70% ca đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra là khi ngủ chung với bố mẹ. 

Có thể khiến trẻ bị ngạt thở

Một số người lớn khi ngủ hay xoay người, giơ tay, gác chân… Trong giấc ngủ, họ vô thức va chạm vào trẻ, có thể khiến trẻ bị ngã hoặc đè vào con làm bé khó thở.

Việc ngủ chung còn khiến trẻ rất dễ bị vùi dưới chăn, tăng nguy cơ tử vong vì ngạt thở hoặc quá nóng. Tại Việt Nam cũng đã xảy ra trường hợp bé sơ sinh 1 tháng tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng thở. Nguyên nhân vì bố ngủ say nên gác tay lên mũi con mà không biết.

Cha mẹ nên chú ý những điểm sau để giấc ngủ của con được an toàn: 

Chung phòng nhưng không chung giường

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên các bậc phụ huynh nên cho trẻ ngủ chung phòng vào ban đêm trong vòng một năm đầu tiên nhưng không ngủ chung giường. Cha mẹ có thể cho trẻ nằm trong nôi hoặc cũi với một tấm nệm chắc chắn. Cần đặc biệt lưu ý luôn cho trẻ nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ đột tử bởi “đa số các trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh liên quan giấc ngủ đều xảy ra khi trẻ nằm sấp”, Tiến sĩ Fern Hauck, nhà nghiên cứu nhi khoa tại Đại học Virginia ở Charlottesville cho biết.

Cho con 3 tháng ngủ chung giường, bố đau xót phát hiện bé không còn thở vào sáng sớm - 2

Đệm dùng cho trẻ không nên quá mềm, chăn không được quá dày sẽ khiến trẻ khó chịu. (Ảnh minh họa)

Không cho trẻ nằm bú vào ban đêm

Nhiều bà mẹ chọn cách cho con nằm bú vào ban đêm vì tư thế ấy rất thuận tiện. Nhưng nếu người mẹ ngủ quên và không lấy đầu ti ra khỏi miệng con, trẻ còn quá nhỏ chưa thể tự đẩy ra được sẽ dẫn đến tình trạng bầu vú mẹ lấp kín miệng và mũi con. 

Tư thế nằm bú còn làm tăng nguy cơ bệnh viêm tai giữa ở trẻ. Ngoài ra, nếu trẻ chẳng may bị nôn trớ thì tư thế này dễ dàng khiến trẻ bị sặc sữa, sữa đi ngược vào khí quản gây ngạt thở.

Không được đặt quá nhiều đồ vật trên giường trẻ

Có những bậc cha mẹ thích trang trí giường ngủ của con với gối và thú bông, nhìn khá đẹp và đáng yêu. Hoặc để một vài đồ dùng thường sử dụng cho bé ngay đầu giường chỗ con nằm. Các hành động ấy tưởng như vô hại song thực chất lại tiềm ẩn nguy cơ đối với trẻ. Trẻ có thể bị gối, thú bông che mặt mũi, dẫn đến khó thở. Hay tay trẻ cầm nắm những vật dụng cho vào miệng gây hóc nghẹn dị vật.

Giường ngủ của bé phải đảm bảo an toàn

Đệm dùng cho trẻ không nên quá mềm, chăn không được quá dày sẽ khiến trẻ khó chịu. Chăn và gối không được có những chi tiết trang trí rườm rà, dễ quấn vào đầu ngón tay, ngón chân trẻ. Giường ngủ của trẻ phải có thanh chắn, tránh bé bị ngã xuống đất trong lúc ngủ.

Không nên ngủ mặt đối mặt với trẻ

Các cơ quan trong cơ thể trẻ sơ sinh còn non yếu, chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là tim và phổi. Khi trẻ ngủ giữa bố mẹ, cha mẹ sẽ “cướp” mất phần lớn khí oxy và thở ra khí CO2 sẽ khiến trẻ khó thở. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ luôn bất an, trằn trọc và quấy khóc nhiều. 

Đặc biệt, người già ốm bệnh và người say rượu tuyệt đối không được ngủ chung với trẻ sơ sinh. Những đối tượng này chẳng những không chăm sóc được cho em bé mà còn không đủ ý thức tỉnh táo để kịp thời phát hiện ra nguy cơ đối với trẻ.

Thực tế, trẻ sơ sinh không nhất thiết bắt buộc phải ngủ riêng giường với cha mẹ. Nhưng trong trường hợp ngủ chung với con, cha mẹ phải tuân thủ đúng những nguyên tắc đảm bảo an toàn cho giấc ngủ của trẻ.

Bé trai tử vong sau cú ngã từ trên giường xuống đất do sơ cứu sai cách của bà
Sau khi nghe bác sĩ giải thích nguyên do, người bà ngồi thụp xuống đất ôm mặt khóc.
Hải Đường (theo Sina)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giấc ngủ của bé