8 tháng tuổi bé Su đã phải thông tắc tuyến lệ tận 3 lần. Gần đây chị Huế thấy con ngươi của bé cứ dồn về phía mà bé liếc xem, cùng nhiều dấu hiệu thị lực bất thường.
Video: 5 thói quen tưởng vô hại khiến bé kém phát triển trí thông minh
Việc cho con sử dụng điện thoại, các thiết bị điện tử từ rất sớm giờ đây đã trở thành thói quen thường gặp trong nhiều gia đình. Chính việc làm tưởng đơn giản này gây nên những hệ lụy khôn lường đối với con em mình. Bé Su (5 tuổi) - con trai lớn của gia đình chị Hoàng Huế (30 tuổi) ở Cao Bằng là một trong số những trường hợp phải gánh hệ lụy từ việc tiếp xúc với thiết bị điện tử quá sớm.
Bé Su (5 tuổi) là con trai lớn của gia đình chị Hoàng Huế.
6 tháng tuổi bé ngồi ăn dặm được mẹ bật máy tính bảng cho xem
Theo lời chị Huế chia sẻ, khi bé Su 6 tháng tuổi và bắt đầu tập ngồi để ăn dặm, gia đình đã mở máy tính bảng cho con vừa xem vừa ăn. Lúc 8 tháng tuổi chị đưa bé đi thông tắc tuyến lệ, bé phải thông đến 3 lần mới khỏi, vì thế ngay từ nhỏ mắt con đã rất yếu.
“Đúng thời điểm mắt con đang phát triển hoàn thiện nhưng mình chủ quan không để ý cứ cho con xem máy tính bảng và ti vi rất nhiều. Hơn nữa ti vi nhà mình treo cao, mình lại không cho bé ngồi thẳng xem nên khi xem bé cứ phải liếc về một bên mới xem được. Dần dần con ngươi của bé cứ dồn về phía mà bé liếc xem, mẹ bắt đầu thấy hiện tượng lác trong nhưng biểu hiện lúc đó vẫn chưa rõ rệt” – chị Huế chia sẻ.
Bé Su sinh ra là một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh
Khi phát hiện mắt bé như vậy chị Huế có đưa con xuống bệnh viện tỉnh khám. Nhưng lúc đó bác sĩ nói đây là hiện tượng lác sinh lý khi nào lớn sẽ tự hết. Nghe bác sĩ nói vậy nên chị càng chủ quan hơn, trở về nhà chị vẫn tiếp tục cho con xem máy tính bảng nhiều giờ.
Ngày bé Su 2 tuổi chị đưa con xuống Hà Nội kiểm tra thị lực nhưng do còn quá bé nên con không hợp tác. Bác sĩ hẹn 5 tháng sau khám lại nhưng một phần vì đường xá xa xôi lại tính chủ quan nghĩ chỉ cần điều chỉnh góc nhìn cho con là có thể khắc phục được nên gia đình không đưa bé Su đi tái khám.
Nghỉ hè năm lớp 4 tuổi, bé Su ở nhà xem ti vi rất nhiều, chị Huế thấy mắt bé trở nên lác rõ rệt. Lúc này chị mới hốt hoảng đưa con đi khám, tại bệnh viện bác sĩ thông báo hai mắt con đã lác và loạn thị cả hai mắt, phẫu thuật mắt là phương án được các bác sĩ đưa ra đối với trường hợp bé Su.
Nhưng vì tiếp xúc quá sớm với thiết bị điện tử nên mắt con bị hỏng và phải phẫu thuật.
Nhớ lại thời điểm được bác sĩ khám và thông báo về tình trạng mắt của con, mẹ Cao Bằng nói: “Khi nghe bác sĩ nói vậy mình thật sự lo lắng và rất buồn. Mình thấy hối hận vì đưa con đi khám quá muộn, để mắt con ra nông nỗi này là lỗi thuộc về mình. Không còn cách nào khác nên mình đã làm theo chỉ định của bác sĩ, bé Su phải mổ 2 mắt”.
Sau phẫu thuật mắt bé đã không còn đau nhưng vẫn còn đỏ. Chị Huế vẫn đang tiếp tục cho con dùng thuốc theo đơn của bác sĩ kê, tái khám thêm nhiều lần nữa. Sau một thời gian điều trị, mắt của bé Su đã có tiến triển, tuy nhiên thị lực vẫn còn rất yếu. Hằng ngày chị Huế phải cho con đeo kính và điều chỉnh mắt nhìn xa gần. Theo dự định, tuần tới chị lại tiếp tục đưa bé Su đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Sau phẫu thuật mắt bé đã không còn đau nhưng vẫn còn đỏ.
Từ chính sai lầm của mình, chị Huế muốn nhắn nhủ đến các mẹ đang nuôi con nhỏ rằng, các bậc phụ huynh cần hạn chế cho con xem điện thoại, tivi hết mức có thể. Trong quá trình chăm sóc nuôi dạy thấy mắt con có hiện tượng bất thường nên đưa bé đi khám ngay, tránh để kéo dài như trường hợp bé Su khiến mẹ thật sự rất hối hận.
“Đến bây giờ mình có đắp vào tiền tỷ đi chăng nữa thì mắt con cũng không thể nguyên vẹn được như lúc sinh thời rồi, khiếm khuyết của con chính là sai lầm của mình” - Vẫn trong dòng cảm xúc khi chia sẻ về nỗi ân hận của người làm mẹ, chị Huế nói.
Cho con xem điện thoại nhiều giờ bé bị tật nhược thị kèm tăng động giảm chú ý
Tương tự như bé Su, trường hợp bé K. (6 tuổi) gánh hậu quả nặng nề từ việc lạm dụng thiết bị điện tử. Bé K. được chẩn đoán mắc phải hội chứng tăng động giảm chú ý. Theo lời chị P.H, 26 tuổi ở Hà Nam (mẹ của bé K.) thì từ lúc con hơn 2 tuổi, bố mẹ đã bắt đầu cho con xem các chương trình trên Youtube, rồi dần hình thành cho con thói quen ăn cho xem điện thoại, nghịch cho xem điện thoại, khóc cho xem điện thoại... Mặc dù biết rằng xem nhiều không tốt, nhưng chỉ vì suy nghĩ chủ quan của mẹ mà giờ con phải khổ.
Sau một thời gian cô giáo dạy kèm của con nói với mẹ con có vấn đề, bé có biểu hiện của bệnh tăng động giảm chú ý, ngồi học không tập trung, cứ luôn tay luôn chân và học trước quên sau, mẹ không tin lắm, chỉ nghĩ con trai nghịch và bướng thôi. Cũng thỉnh thoảng để ý con hay bị nháy mắt, nhíu mũi.
Nhưng cô nói nhiều nên mẹ quyết định cho con đi khám ở viện Nhi trung ương. Bước đầu tiên tiếp xúc với con, bác sỹ đã nói: "Cháu có biểu hiện của bệnh tăng động giảm chú ý" rồi cho con đi làm bài kiểm tra để xác định"…. Tại bệnh viện, bé M.K. được các bác sĩ kết luận có chỉ số tăng động 5/9 và giảm chú ý 4/9, mặc dù IQ của bé khá cao: 120.
Sau một thời gian điều trị, mắt của bé K. vẫn chưa có tiến triển, cận nặng 6.5 đi-ốp. Chị H. phải cho con đeo kính dày, bịt một mắt kể cả lúc đi học để chữa trị. Bịt mắt trái 1 tháng, mắt phải 1 tháng. Con còn bị tật nhược thị, bác sĩ nói bệnh đó có thể gây mù hoặc lác. Theo như chị H. tìm hiểu, nếu phát hiện sau 7 tuổi sẽ không thể chữa khỏi và lâu dần con sẽ bị mù.
Liên quan đến tình trạng trẻ nhỏ lạm dụng thiết bị điện tử như điện thoại, ti vi dẫn đến thị lực bị tác động trực tiếp, Ths.Bs Hồ Tự Chính - Trung Tâm Mắt F. O. K Hà Nội nhấn mạnh: "Hiện nay trên thế giới vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân chính xác của tật khúc xạ, tuy nhiên có nhiều yếu tố liên quan được ghi nhận ảnh hưởng trực tiếp tới khởi phát. Thời gian nhìn gần và khoảng cách nhìn gần: trẻ còn nhìn gần lâu và khoảng cách càng gần thì khả năng bị cận và cận thị tiến triển càng nhanh. Yếu tố này liên qua trực tiếp tới giáo dục con cháu, theo chúng tôi không nên cho các cháu dưới 3 tuổi dùng điện thoại, máy tính, hạn chế dùng ti vi (mỗi lần xem nên dưới 30 phút, không quá 3 lần mỗi ngày). Cho trẻ tiếp xúc sớm với thiết bị này không những ảnh hưởng trực tiếp tới mắt mà còn ảnh hưởng đến phát triển thể chất, ngôn ngữ và tâm thần của trẻ".
Đồng tình với quan điểm trên, Ths. Bs Thành Ngọc Minh, trưởng khoa Tâm Thần, Bệnh viện Nhi TW cho biết, tại bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh nhi mắc chứng tăng động giảm chú ý, rối loạn ngôn ngữ do hệ lụy từ việc do trước đó cha mẹ đã quá chiều chuộng con, cho con sử dụng điện thoại suốt một thời gian dài.
Những trẻ bị mắc các hội chứng trên vẫn có khả năng phát triển và hòa nhập cộng đồng nếu được phát hiện và can thiệp sớm. Tuy nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, giao tiếp xã hội. Bác sĩ nhấn mạnh, thường trẻ bị mắc hội chứng này chỉ có thể dùng thuốc kết hợp với ăn những chất bổ sung cho não bộ. Và đòi hỏi cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm con hơn. Đặc biệt cần hạn chế cho con tiếp xúc các thiết bị điện tử như máy tính bảng, điện thoại, ti vi…
Thực tế cho thấy, điện thoại và máy tính có tác động tiêu cực đến não bộ, trong trường hợp quá lạm dụng các thiết bị này tư duy và mức độ tập trung của trẻ nhỏ sẽ bị sụt giảm đến mức nghiêm trọng. Chính vì thế, các ông bố, bà mẹ cần nghiêm khắc hơn trong việc kiểm soát con trẻ việc sử dụng các thiết bị thông minh.