Nếu cha mẹ biết tiết chế cảm xúc, tôn trọng quyền riêng tư của con cái thì mọi chuyện đã không đi quá xa.
Theo tin tức địa phương, vào lúc hơn 11 giờ đêm, đồn cảnh sát ở Hàng Châu (Trung Quốc) nhận được một cuộc gọi từ một người phụ nữ thông báo cầu cứu, cô nói rằng chồng và con gái của mình đang cãi nhau trong phòng. Thậm chí cô bé còn cầm một chiếc kéo cố thủ.
Ngay lập tức, cảnh sát địa phương đã có mặt để giải quyết tình huống trên mà không xảy ra bất cứ nguy hiểm nào về người. Lúc này, toàn bộ sự việc mới bắt đầu được phía người trong cuộc chia sẻ.
Ông bố cho biết, trong khoảng thời gian dịch bệnh, cô con gái sinh viên năm nhất của ông thường xuyên có lớp học trực tuyến tại nhà lúc 3h chiều. Nhưng khoảng 2h chiều hôm đó, ông vẫn thấy con gái nằm trên giường và chơi điện thoại. Người cha cảm thấy con gái mình ngó lơ việc học hành nên đã nhắc nhở con nên chuẩn bị ngồi vào bàn học nhưng đứa trẻ vẫn không nghe lời.
Vì vậy, ông đã dùng điện thoại của mình để quay cảnh con gái nằm trên giường đồng thời nói rằng con gái chỉ biết ngủ và chơi, không chịu học. Sau đó ông gửi video cho vợ.
Người mẹ quá tức giận vì sự lơ là học tập của con gái nên đã mắng nhiếc con sau khi trở về nhà.
Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói và tưởng chừng như một câu chuyện đùa cho đến tận tối, cô con gái nhốt mình trong phòng không chịu ra ngoài ăn cơm vì nghĩ rằng mẹ không hiểu mình, chỉ tin lời nói của bố nên rất tức giận. Bố mẹ sau đó đã xông vào phòng mắng con.
Mặc dù xuất phát điểm của người cha là có ý giáo dục con gái, không nên chỉ chơi điện thoại mà bỏ qua việc học. Tuy nhiên, người cha đã quên rằng con gái của mình cũng đã 17, 18 tuổi, là đứa trẻ đã có nhận thức riêng của mình. Đứa trẻ cũng rất có lòng tự trọng và cô gái trong câu chuyện trên tức giận vì cha không quan tâm đến sự riêng tư của mình, không tôn trọng không gian cá nhân mà tự ý xông vào phòng, mắng nhiếc cô.
Những vị cảnh sát có mặt để giảng hoà cũng cho biết: "Dù là cha mẹ nhưng cũng cần phải có sự tôn trọng tối thiểu dành cho đứa trẻ. Đừng lấy quyền chăm sóc con cái, quyền cha mẹ mà tước đi sự riêng tư, làm tổn thương lòng tự trọng của con".
Khi câu chuyện được chia sẻ lại trên các trang mạng xã hội, rất nhiều bậc phụ huynh thừa nhận bản thân cũng đã đôi lần có những hành động sai lầm tương tự với con của mình.
Ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới, một số bộ phận cha mẹ thực sự đang "đi vào trong thế giới của con" quá sâu nhưng lại nhân danh "yêu thương con".
Trong một chương trình truyền hình có tên "Tôi không muốn nói, tôi muốn nghe", một cậu thanh niên là khách mời đã đau khổ cho biết, mẹ của mình không hề có ý thức về ranh giới. Anh ta nói thêm, khi còn nhỏ anh phải sống trong căn phòng không có khoá cửa, điện thoại di động thì thường xuyên bị mẹ kiểm tra và sử dụng dưới sự giám sát của mẹ.
Nam thanh niên chia sẻ trong quá khứ hoàn toàn không cảm thấy tự do.
Cho đến tận bây giờ, khi anh đã 27 tuổi, có công ăn việc làm và tự nuôi sống bản thân mình nhưng bố mẹ anh vẫn đối xử với anh như những ngày còn nhỏ. Và để bảo vệ những điều riêng tư cá nhân, anh buộc phải thay khoá cửa nhà trọ của mình và đặt mật mã bằng vân tay. Thông qua chương trình, anh muốn nói với mẹ rằng: "Con nghĩ rằng mẹ đang bắt cóc con nhân danh tình yêu".
Nhà tâm lý học người Anh - Claire cho biết: "Thành công thực sự của cha mẹ là hãy để đứa trẻ của mình tách khỏi cuộc sống của cha mẹ, sống như một cá thể độc lập càng sớm càng tốt. Sự độc lập này diễn ra càng sớm, đứa trẻ càng dễ thành công".
Tuy nhiên, trên thực tế rất ít bậc phụ huynh làm được điều này mà luôn nhân danh tình yêu để đi quá sâu vào đời tư của trẻ.
Do đó, với mỗi bậc cha mẹ, tình yêu tốt nhất dành cho con chính là dành cho trẻ một không gian nhân định để trẻ có thể là chính mình.
- Học cách hỏi ý kiến con của mình
- Tôn trọng bí mật của trẻ
- Cho phép trẻ ở một mình