Người mẹ nhận được điện thoại đã tá hỏa vì không nghĩ con trai đòi được đưa đến trại trẻ mồ côi chỉ vì việc bị thúc ép làm bài tập về nhà.
Câu chuyện xảy ra ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Theo đó, một bé trai đã đi bộ đến đồn cảnh sát ở quận Du Bắc để xin được vào trại trẻ mồ côi. Đoạn video được công bố cho thấy cậu bé được 2 cảnh sát tiếp chuyện, theo Oddity Central.
Cậu bé cho biết đã bị mẹ khiển trách vì không hoàn thành bài tập về nhà nên bỏ nhà đi và xin được tới trại trẻ mồ côi. Sau một hồi thuyết phục, cậu bé đã cung cấp cho cảnh sát thông tin liên lạc với bố mẹ.
Cuộc điện thoại của cảnh sát xác nhận cậu bé đã bị mẹ mắng vì không hoàn thành bài tập về nhà. Tuy nhiên, người mẹ khẳng định bản thân không ngờ được con trai sẽ đòi tới trại trẻ mồ côi chỉ vì chuyện này.
Cậu bé đến đồn cảnh sát xin đưa mình vào trại trẻ mồ côi vì bị mẹ thúc ép làm bài tập về nhà
"Hàng ngày, mẹ đều mắng cháu vì không làm bài tập về nhà, nên cháu bỏ đi. Mẹ suốt ngày cằn nhằn chuyện học. Cháu thà đến trại trẻ mồ côi còn hơn", cậu bé nói.
Cảnh sát đã gọi bố cậu đến đón sau khi trấn an cậu bé. Mặc dù cậu không muốn trở về nhà nhưng họ vẫn cố gắng thuyết phục cậu rằng đó là lựa chọn đúng đắn, tốt hơn nhiều so với việc đến trại trẻ mồ côi.
Câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội tạo nên xôn xao không tưởng, bởi ai cũng đều sốc trước quyết định của một cậu bé còn quá ít tuổi. Nhiều người cho rằng cậu bé cần được uốn nắn kỹ càng hơn. Có người thì gay gắt, cho rằng đây là dấu hiệu ở một thế hệ trẻ hư hỏng, chỉ thích... làm biếng. Số khác tỏ ra cảm thông, e ngại gia đình đã tiếp cận sai cách để khuyến khích trẻ hoàn thành bài tập về nhà.
Tác hại của việc ép trẻ học quá nhiều và lời khuyên cho cha mẹ
Hiện nay có rất nhiều bậc cha mẹ đang bắt ép trẻ học quá nhiều với mong muốn con học tốt và có tương lai sáng lạn. Tuy nhiên, điều này vô tình lại khiến trẻ phải chịu nhiều áp lực.
Dù là những trẻ mới bước chân vào cấp 1 hay những em học sinh cấp trung học thì các việc học tập cũng để lại áp lực như nhau. Các em đều phải học tập kín hết quỹ thời gia trong ngày, trong tuần và dường như không thể tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí bên ngoài. Có thể thấy, ngày nay các bậc phụ huynh dù ở bất kì đâu cũng luôn có xu hướng nhắc nhở con cái phải học tập, phải siêng năng và thành tài.
Ngoài thời gian trẻ học tập chính tại trường thì nhiều em sau khi tan học chỉ kịp ăn vội một món gì đó và tiếp tục tham gia các lớp học thêm, học năng khiếu hoặc là phải vùi đầu vào việc ôn luyện bài vở, hoàn thành các bài tập về nhà. Nhiều em chia sẻ rằng, trong hầu hết thời gian trong ngày, ngoài việc ăn và học thì trẻ dường như không còn giây phút nào để thư giãn hoặc vui chơi theo đúng lứa tuổi của mình.
Có nhiều người muốn con mình sớm thành tài, hơn chúng bạn đã “ép” con học quá sức dẫn đến trẻ em sợ học, chán học. Ảnh minh hoạ
Đối với mỗi đứa trẻ, tuổi thơ cần có nhiều niềm vui và kỷ niệm. Sau này khi chúng lớn lên, những lúc nghĩ về thời thơ ấu của mình, chúng sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.
Vì vậy khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con cái hơn. Nếu trẻ bị ép học quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Điều này sẽ khiến chúng cảm thấy như cha mẹ không còn yêu thương mình nữa. Dần dần, chúng sẽ không muốn nói chuyện và xa lánh cha mẹ hơn. Tuổi thơ của một đứa trẻ thiếu thốn tình thương của cha mẹ sẽ là cái bóng lớn ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý và nhân cách của chúng.
Rất nhiều cha mẹ bắt ép con học theo ý mình thay vì lắng nghe sở thích và nguyện vọng của con. Khi một đứa trẻ không thích việc học nhưng lại hứng thú với những thứ khác, nếu cha mẹ không hiểu, không tôn trọng sự khác biệt đó sẽ vô tình ngăn cản sự phát triển tài năng của con mình và khiến chúng cảm thấy bất hạnh.
Dưới áp lực nặng nề của việc học, cùng với việc cha mẹ không thấu hiểu, lắng nghe tâm tư của con cái, nhiều đứa trẻ chọn cách nổi loạn hay buông thả bản thân khi không thể tiếp tục chịu đựng được nữa. Từ đó, có nhiều đứa trẻ đã bị tự kỉ, bỏ nhà ra đi hoặc đau lòng hơn đã chọn cách tự tử để giải thoát.
Vì vậy, cha mẹ cần phải giảm bớt những áp lực, kỳ vọng, căng thẳng vào con cái mình, thương xuyên tương tác, trò chuyện để chúng nói ra những suy nghĩ của bản thân. Hãy lắng nghe, tôn trọng và tạo cảm xúc cho trẻ là điều quan trọng nhất.