Hot mom Phạm Thảo Quỳnh Mai cho biết nên cho con đọc sách càng sớm càng tốt, sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực cho trẻ.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những đứa trẻ được đọc sách hàng ngày sẽ tiếp xúc với khoảng 78.000 từ mỗi năm. Điều đó có nghĩa là trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi được nghe bố mẹ đọc khoảng 1,4 triệu từ. Nghe đọc sách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ trong tương lai. Nhờ điều này, trẻ cũng sẽ đạt được thành công trong học tập.
Bố mẹ đọc sách cho trẻ nghe giúp trẻ làm quen với các âm thanh và từ ngữ khác nhau. Đồng thời, bé cũng sẽ có sự yêu thích và đam mê đọc sách. Ngoài ra, đọc sách còn kích thích trí tưởng tượng của bé, giúp bé tìm hiểu về thế giới xung quanh.
Từng là người làm việc trong lĩnh vực xuất bản sách cho mẹ và bé, chị Phạm Thảo Quỳnh Mai biết được nhiều lợi ích từ việc đọc sách cho con nên đã áp dụng vào việc giáo dục con ngay từ khi còn bé. Hiện chị là một trong những hot mom nổi trội trên các nền tảng mạng xã hội với nickname "Cô Mây đọc sách" với 6 nghìn người theo dõi, những câu chuyện của chị trong quá trình đọc sách cho con từ nhỏ đến hiện tại đều được chia sẻ rộng rãi và nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Chị Phạm Thảo Quỳnh Mai và con trai 4 tuổi.
Chị có quá trình tiếp xúc như thế nào với những cuốn sách cho trẻ nhỏ?
Trước khi sinh con, tôi có 4 năm làm việc trong ngành xuất bản, cụ thể là lĩnh vực sách cho mẹ và bé và sách thiếu nhi, nên quá trình làm việc đó lại chính là quá trình tích lũy kiến thức cho tôi.
Tôi được đọc những cuốn sách làm cha mẹ từ trước khi sách ra mắt, được gặp các tác giả, nhà giáo, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục sớm. Những cơ hội đó truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều về giai đoạn đầu đời đặc biệt trong cuộc đời của mỗi người, và phần nào giúp tôi có được nền tảng kiến thức cho quá trình làm mẹ sau này.
Con chị có hào hứng với việc nghe mẹ đọc sách?
Con tôi là một em bé có tính “khí”, nghĩa là trong bốn nhóm tính khí - “Khí, lửa, đất, nước”, thì con tôi mang tính “Khí” nhiều hơn cả. Đặc điểm nổi bật của các em bé nhóm “Khí” là lạc quan, vui vẻ, nhiều năng lượng, tò mò, sáng tạo, cởi mở và thích giao tiếp.
Con rất yêu thích sách, đọc sách đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong lịch sinh hoạt hằng ngày của con. Con không thể yên tâm mà đi ngủ nếu trước đó chưa được bố mẹ đọc sách cho.
Sau một quãng thời gian dài đọc sách cho con, chị có thể chia sẻ những lợi ích nổi bật nhất từ việc này?
Đối với tôi đọc sách luôn là việc làm đơn giản nhất nhưng mang lại nhiều giá trị ý nghĩa nhất. Có thể kể đến 6 lợi ích rất nổi bật mà tôi và con có được từ những cuốn sách như sau:
Thỏa mãn sự hiếu kỳ và lòng đam mê học hiểu về thế giới của con. Có một thời gian khi con tôi 3 tuổi và bé thích máy bay, những cuốn sách về máy bay, hàng không, đã thực sự mở ra một thế giới mới với bé.
Khả năng tập trung quan trọng đến nỗi mà Montessori từng nói rằng “Toàn bộ tương lai của trẻ sẽ phụ thuộc vào sự tập trung của bé”.
Nhờ những cuốn sách đó con có cơ hội quan sát thật kỹ một sân bay, tự chủ động quan sát và hỏi bố mẹ các khu vực trong sân bay (mà không phải nghe thụ động một chiều như khi xem Youtube), được khám phá các ngóc ngách trong một chiếc máy bay - với những kiến thức chính xác do đội ngũ tác giả và các phi công biên soạn. Nhờ có sách, một đứa trẻ 3 tuổi có thể biết một chiếc máy bay sẽ để nhiên liệu ở đâu, máy bay có các kiểu đuôi thế nào, thủy phi cơ sẽ khác gì với một chiếc máy bay có radar, và bước tiến dài của con người kể từ chiếc máy bay thô sơ đầu tiên đến tàu vũ trụ thám hiểm không gian.
Phát triển ngôn ngữ của con, vì khi đọc sách con không chỉ được nghe bố mẹ nói rất nhiều mà còn được nghe các từ ngữ chất lượng cao. Đó là những từ hay, từ đẹp, từ mà chúng ta ít gặp trong văn nói thông thường, và chỉ có thể gặp trong văn bản viết.
Sách giúp con phát huy trí tưởng tượng rất nhiều. Trí tưởng tượng giống như cơ bắp, nếu không được luyện tập, trí tưởng tượng sẽ bị cùn mòn. Những bức tranh trong trang sách chỉ minh họa một phần cho câu chuyện. Để hiểu về câu chuyện, con luôn phải vận dụng trí tưởng tượng của mình bồi đắp thêm cho câu chuyện đó.
Cải thiện khả năng tập trung của con. Sự tập trung - khả năng liên tục tự chú ý của con vào một việc cụ thể, là điều kiện để phát triển những đặc tính quan trọng sau này, như sự quyết đoán, nghị lực và ý chí. Khả năng tập trung quan trọng đến nỗi mà Montessori từng nói rằng “Toàn bộ tương lai của trẻ sẽ phụ thuộc vào sự tập trung của bé”.
Sách mang đến cho con những cảm xúc phong phú, giúp con tự nhận thức được các cảm xúc của mình và trải nghiệm được cảm xúc của những người khác. Càng được đọc nhiều câu chuyện hay, trẻ càng có những suy nghĩ tử tế (Nghiên cứu của Raymond Mar, trường đại học York, Canada năm 2010).
Và điều cuối cùng, sách giúp gắn kết giữa cha mẹ và con. Rất có thể sau này con sẽ không nhớ những cuốn sách mà con đã đọc, nhưng cảm giác về sự ấm áp, an toàn và yêu thương vì được ngồi trong lòng mẹ đọc sách mỗi ngày sẽ theo con đi suốt cuộc đời.
Đọc sách cho con nên bắt đầu từ mấy tuổi, theo chị?
Tôi đã bắt đầu đọc sách cho con khi con ở trong bụng mẹ. Mỗi ngày khi còn mang bầu, vào một giờ cố định, tôi đều đọc cho con nghe những câu chuyện dịu dàng, ấm áp. Trong tất cả các sách về đọc sách cho con mà tôi đọc, lời khuyên luôn là: Không bao giờ là quá sớm để đọc sách cho con. Hãy đọc sách cho con ngay khi chúng ta thấy sẵn sàng dù em bé còn đang trong bụng hay vừa mới ra đời.
Có những trích đoạn/kiến thức nào trong những cuốn sách nuôi dạy con mà chị đọc khiến chị nhớ mãi?
Có rất nhiều trích đoạn như vậy. Một trong các lý do khiến tôi xây kênh Tiktok và Instagram về review sách cho gia đình chính là muốn chia sẻ cho các bố mẹ những đoạn trích đó.
Có một đoạn trích trong sách “Bí ẩn tuổi thơ” của Maria Montessori - nhà lãnh đạo phong trào giáo dục Montessori, người đã khai sáng và mang tới sự thay đổi cách mạng trong việc giáo dục trẻ thơ trên toàn thế giới, khiến tôi rất xúc động.
Đó là một đoạn trích bà Maria viết về tình yêu của trẻ em dành cho người lớn. Chúng ta thường nói về tình cảm mà bố mẹ dành cho con, chứ ít khi nhìn nhận tình cảm mà con cái dành cho bố mẹ. Đoạn trích này khiến tôi nhận thấy quãng thời gian chăm sóc khi con còn nhỏ, còn phụ thuộc vào mình sẽ trôi qua nhanh như thế nào. Và tình cảm của con dành cho tôi là
Từ tận đáy tâm hồn, đứa trẻ sẵn sàng vâng lời người lớn. Trẻ yêu người lớn hơn tất cả những thứ khác.
thứ tình yêu trong sáng nhất, trọn vẹn nhất, nguyên thủy nhất mà nếu không biết trân trọng giờ phút hiện tại, tôi sẽ không bao giờ có lại sau này nữa.
“Từ tận đáy tâm hồn, đứa trẻ sẵn sàng vâng lời người lớn. Trẻ yêu người lớn hơn tất cả những thứ khác.
Vào buổi tối khi đi ngủ, trẻ gọi người mình yêu và van xin người đó đừng bỏ đi. Và khi chúng ta đi ăn tối, đứa trẻ chưa cai sữa, thích được đi cùng, không phải để ăn mà chỉ muốn ở gần để có thể nhìn thấy chúng ta. Người lớn lướt qua tình yêu huyền nhiệm này mà không nhận thấy nó.
Nhưng rồi đứa trẻ bé nhỏ yêu chúng ta nhiều đến thế sẽ lớn lên và biến mất. Ai sẽ yêu chúng ta như đứa trẻ đang yêu chúng ta? Ai sẽ gọi chúng ta khi đi ngủ và nói rằng “Ở với con nhé”? Khi đứa trẻ lớn lên, nó sẽ nói một cách lạnh nhạt “Chúc ngủ ngon”. Lúc ấy, ai sẽ tha thiết chỉ muốn nhìn chúng ta khi chúng ta ăn?
Chúng ta tự vệ chống lại cái tình yêu sẽ qua đi này, và chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một tình yêu khác giống vậy.
Đứa trẻ đến bên người lớn là để nhắc nhở với chúng ta vào mỗi buổi sáng: “Có một cuộc đời khác mà cha mẹ đã quên”.
Hiện chị có bao nhiêu cuốn sách về trẻ nhỏ ở nhà và mua sách có tốn kém không?
Tôi mới có khoảng 100 đầu sách ở nhà, và vẫn còn là một con số khiêm tốn so với những sách đã được xuất bản ngoài kia, chưa kể các sách chưa được xuất bản ở Việt Nam. Mỗi quyển sách có giá khoảng từ 80.000 - 200.000đ.
Đối với tôi sách rất rẻ. Vì sách là kết tinh trí tuệ, là sự đúc rút gan ruột cả cuộc đời trải nghiệm và học tập của mỗi tác giả. Chúng ta cần bao nhiêu tiền để có thể có được 1 giờ tư vấn của chuyên gia?
Với sách, chúng ta chỉ cần hai cốc trà sữa, là có thể đối thoại được với Rudolf Steiner, với Maria Montessori, với John Holt, với cô Doãn Kiến Lợi, với bác Giản Tư Trung. Sách còn là vật phẩm có sức sống lâu bền, có những quyển sách tôi có được mà bên ngoài kia đã không còn xuất bản nữa. Và tôi có ý định giữ gìn nó trong nhà như một tài sản.
Kho sách của chị Quỳnh Mai phong phú, đa dạng nhiều chủ đề.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau trong việc giáo dục con, nhưng có một điểm chung mà tất cả các tác giả tôi từng đọc đều khuyên, đó là “Quan sát”.
Đọc sách nhiều có dẫn đến dạy con sẽ cứng nhắc theo sách vở không, theo chị?
Nếu đọc sách với một tâm trí cởi mở, đón nhận, phản biện và nghiền ngẫm, sẽ thấy rằng càng đọc càng uyển chuyển, càng đọc càng linh hoạt. Có rất nhiều quan điểm khác nhau trong việc giáo dục con, có rất nhiều trường phái và cách tiếp cận khác nhau trong việc tìm hiểu về những em bé, nhưng có một điểm chung mà tất cả các tác giả tôi từng đọc đều khuyên, đó là “Quan sát”.
Luôn luôn quan sát, để biết rằng đứa trẻ bên cạnh mình, cuộc sống của mình, suy nghĩ của mình mới là người đưa đường chỉ lối cho mình trong việc dạy con.
Đã bao giờ chị cảm thấy mình hành động sai với con? Nếu có, lúc đó chị đã sửa sai như thế nào?
Đã có những lúc tôi thấy hành động của mình chưa ổn đối với con. Những lúc đó tôi sẽ tự quan sát lại hành động đó của mình, tự vấn rằng tại sao mình lại làm như vậy, thay vì làm như vậy, mình có thể làm điều gì khác, mình có đang bất ổn từ phía bên trong mình không.
Chị gợi ý cho các bà mẹ có con nhỏ 1 cuốn sách cho con mà theo chị là nên cho trẻ đọc nhất?
Mỗi giai đoạn có quá nhiều sách hay để đọc, mỗi đứa trẻ lại là một tiểu vũ trụ với những sở thích, cá tính, quan điểm, nền tảng khác nhau, nên thật khó để đưa ra một cuốn sách cho các bé ở từng giai đoạn.
Nhưng tôi có thể giới thiệu cho các mẹ một cuốn sách nên đọc về… đọc sách. Với cuốn sách đó, các cha mẹ sẽ có kiến thức về thế nào là một cuốn sách hay, mỗi giai đoạn trẻ sẽ có các đặc điểm thế nào và phù hợp với loại sách nào, để từ đó các cha mẹ có thể chủ động trong việc chọn được sách tốt cho trẻ theo từng giai đoạn. Đó là cuốn “Nuôi dưỡng một người đọc tí hon” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh - người sáng lập và điều hành dự án “Sách ơi mở ra”.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ.