Đây là cách những ông bố, bà mẹ tại các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới làm với con mình để chúng trở thành những đứa trẻ tài năng và vui vẻ.
Trong tuần vừa qua, Liên Hợp Quốc đã tiến hành khảo sát và đưa ra Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2018.
Theo đó, trong tổng cộng 156 quốc gia hội đủ các tiêu chuẩn chung về phúc lợi bao gồm tuổi thọ, hỗ trợ xã hội, sự tin tưởng vào chính phủ, GDP cao hơn bình quân đầu người,... thì Hà Lan, Na-Uy, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Canada…. thuộc danh sách Top 10 Quốc gia Hạnh phúc nhất Thế giới.
Điều gì làm cho một quốc gia hạnh phúc? Trẻ con ở các quốc gia hạnh phúc này được nuôi dạy thế nào? Câu trả lời sẽ ở dưới đây:
Hà Lan - Hệ thống giáo dục trên cả tuyệt vời, nói không với bài tập về nhà
Các nhà nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) từng kết luận rằng so với trẻ em ở 29 quốc gia công nghiệp giàu có nhất thế giới, trẻ em Hà Lan hơn các bạn đồng trang lứa chính nhờ có một tuổi thơ đầy mãn nguyện.
Có thể nói, trẻ em Hà Lan là những đứa trẻ may mắn vì được hưởng chế độ giáo dục tiên tiến. Học sinh tiểu học không có hoặc có ít bài tập về nhà mang tính chất bắt buộc và không phải ôn luyện để thi cử. Đây là niềm mơ ước hay còn có thể nói là điều "xa xỉ” đối với trẻ em nhiều nước trên thế giới.
Trẻ con ở Hà Lan không có bài tập bắt buộc về nhà.
Ngoài ra, cha mẹ Hà Lan hoàn toàn không quan tâm liệu con mình có thể trở thành một thần đồng piano, một kiện tướng cờ vua hay một siêu mẫu nhí nổi tiếng trên Instagam hay không, họ có xu hướng mong muốn con mình có cuộc sống dễ dàng nhất bởi họ có cái nhìn thực tế về việc làm cha mẹ và hiểu rằng bản thân cũng như con mình không phải là hoàn hảo.
Na Uy - Cho con được liều lĩnh
Các nghiên cứu ở Na Uy cho thấy rằng có 1 số hoạt động mà người lớn hiện nay cho rằng liều lĩnh và nguy hiểm, chẳng hạn như trèo cây, thật ra lại tốt cho trẻ con, và có thể giúp chúng được an toàn hơn. Thách thức nhiều dạng rủi ro sẽ giúp trẻ nhỏ thỏa mãn được nhu cầu khám phá đồng thời dần dần giúp chúng tự biết được khả năng của cơ thể mình.
Những đứa trẻ ở Na Uy luôn được dạy về sự liều lĩnh.
Đặc biệt, ở Na Uy khi trẻ được 1 tuổi chúng sẽ bắt đầu đi học ở Barnehage (người Na Uy thường gọi là “vườn trẻ”, là một trung tâm chăm sóc trẻ được nhà nước trợ cấp). Bố mẹ của trẻ phải trả vài trăm đô la một tháng và con cái của họ sẽ được chăm sóc từ 8h sáng cho đến 5 giờ chiều.
Trẻ sẽ được dành nhiều thời gian bên ngoài khuôn viên của trung tâm ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời cực kì lạnh. Việc bạn nhìn thấy một đứa trẻ ở ngoài trời trong mùa đông lạnh giá hay đang ngủ trưa trên xe đẩy ở ngoài trời lạnh là chuyện hết sức bình thường ở đây.
Đan Mạch - Đất nước thiên đường, trẻ chỉ việc vui chơi
Những trò chơi thoải mái rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng vui chơi tự do, một mình hay với bạn bè giúp trẻ bớt lo âu và tăng khả năng thích ứng, đồng thời cải thiện kỹ năng xã hội cho trẻ. Nó cũng làm trẻ cảm thấy như chúng có thể tự kiểm soát được cuộc sống của mình. Điều này dẫn tới khả năng tự quản và tự kiềm chế cao hơn khi trẻ trưởng thành.
Vì thế người Đan Mạch rất coi trọng việc vui chơi của trẻ, đó đồng thời cũng là lý do vì sao các chương trình giảng dạy trong những năm đầu tiểu học ở đất nước này về cơ bản là xoay quanh việc vui chơi của trẻ.
Vui chơi lành mạnh là những gì bố mẹ Đan Mạch dạy con mình.
Ngoài ra, ở Đan Mạch, bố mẹ sẽ để con cái bên lề đường để con được nhảy nhót, chơi đùa, hít thở không khí trong lành trong lúc bố mẹ đi mua sắm hoặc ăn tối bên trong các nhà hàng. Họ nghĩ rằng điều đó hoàn toàn cần thiết và hữu ích cho sức khỏe cũng như cho sự phát triển của trẻ.
Iceland - Cho bé ngủ ngoài trời lạnh
Những ai đến Iceland lần đầu nhất định sẽ hoảng sợ trước cảnh tượng trên đường có khá nhiều những chiếc xe nôi, dù là vào mùa đông tuyết rơi hay mùa hè, trong xe còn có các bé đang ngủ say.
Tuổi thọ trung bình của người Iceland là 82 tuổi, cao hơn mức trung bình thế giới. Và đây chính là bí quyết sống lâu của họ. Tất nhiên, khi nhiệt độ xuống quá thấp, họ sẽ cân nhắc cho trẻ ngủ trong nôi đặt tại ban công nhà, sân vườn có mái.
Người lớn đặt trẻ con trong nôi, cho ngủ ngoài đường.
Một số người có thể nghĩ đây là một phong tục nguy hiểm, nhưng với các bậc cha mẹ Iceland thì đó là điều tốt cho đứa bé. Họ tin rằng việc để trẻ em tiếp xúc với thời tiết lạnh giá sẽ giúp chúng lớn lên khỏe mạnh hơn và tránh được nhiều bệnh tật. Thậm chí, ngay cả các trung tâm chăm sóc trẻ em cũng làm thế. Có những trường mầm non còn để những đứa trẻ dưới 3 tuổi ngủ ngoài trời trong thời gian ngủ trưa vì họ cũng tin rằng điều đó giúp chúng ngủ lâu và sâu hơn.
Có người lại cho rằng, do nhà cửa chật hẹp, không khí ngột ngạt, nhất là mùi dầu mỡ, khói bếp dễ khiến trẻ ngạt hơi nên bố mẹ phải cho con ra ngoài.
Thụy Sỹ - Dạy con tự lập hoàn toàn từ khi còn nhỏ
Trẻ em Thụy Sỹ không bị ép phải ăn hết phần ăn mà bố mẹ đưa cho. Các bé có thể ăn theo cảm nhận của mình, tự thấy đủ thì có thể ngưng. Các bé tự xúc, tự ăn từ sớm, cha mẹ không sợ bẩn, sẵn sàng thay quần áo và dọn dẹp sau khi con ăn. Bù lại, các con học cách tự xúc ăn và chủ động trong việc ăn uống.
Ba mẹ ở Thụy Sỹ luôn đề cao tính tự lập ở trẻ.
Hay chúng ta thể hiện lòng thương con bằng cách bế liên tục trên tay. Cha mẹ Thụy Sỹ thì ngược lại, thương con là để con tự vận động, được con được thoải mái tự do, phát triển tư duy đầu óc. Việc thay nhau bồng bế không giúp làm trẻ ngoan hơn mà ngược lại, tạo thói quen rất xấu cho trẻ sau này là sai khiến người lớn bế mình, kể cả khi trẻ 3-4 tuổi.
Khi ra khỏi nhà, cha mẹ Thụy sỹ cũng thường để con tự đi giày, mặc quần áo, tự sang đường… nhất quyết không làm giúp con dù đôi khi phải rất lâu để con hoàn thành xong một việc.