Đạo diễn Long Vân đã để lại cho nền điện ảnh Việt nhiều bộ phim huyền thoại. Tinh thần làm nghệ thuật nghiêm túc của ông luôn khiến nhiều người phải nể phục.
Sự ra đi của đạo diễn Long Vân đang khiến những người yêu mến điện ảnh Việt tiếc nuối khôn nguôi. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Kim Cương - vợ của đạo diễn Long Vân - chồng bà mất khoảng vào hơn 8h ngày 24/12, sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Những năm cuối đời, sức khỏe ông kém do bị tai nạn ở chân, phải ngồi xe lăn. Mọi sinh hoạt của ông chủ yếu loanh quanh trong căn gác nhỏ ở Nguyễn Thái Học.
Trước khi rời xa cõi tạm, đạo diễn Long Vân đã chinh phục hàng triệu người xem bằng những bộ phim huyền thoại. Sau khi thông tin đạo diễn Long Vân qua đời được công bố, người hâm mộ không khỏi hoài niệm về những bộ phim đã làm nên tên tuổi của ông.
Những bộ phim làm nên tên tuổi của đạo diễn Long Vân
Đạo diễn Long Vân sinh năm 1936 ở Hà Nội, sau đó cùng gia đình theo kháng chiến lên Thái Nguyên. Năm 14 tuổi, ông được gửi sang học tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc cùng GS Nguyễn Lân Dũng, GS Hồ Ngọc Đại. Năm 1955, ông tốt nghiệp Sư phạm và gắn bó với nghề dạy học.
Tuy nhiên, khi biết tin Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển sinh khóa đầu, ông lập tức dự thi và trúng tuyển. Do sĩ số lớp đạo diễn đông, nhà trường gợi ý ông chuyển sang lớp diễn viên và học thêm ngành đạo diễn.
Sau đó, ông đã mất 15 năm đi làm Phó đạo diễn cho lớp đạo diễn đàn anh như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt… Tên tuổi của ông bắt đầu được chú ý khi bộ phim đầu tay do ông đạo diễn là Tiếng Gọi Phía Trước năm 1979 đoạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế tại Moskva. Sau đó, ông tiếp tục ghi dấu ấn với hàng loạt bộ phim thành công như: Nơi Gặp Gỡ Của Tình Yêu, Cho Cả Ngày Mai, Hẹn Gặp Lại Sài Gòn, Những Người Không Mang Họ...
Trong đó, bộ phim Biệt Động Sài Gòn - bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được công chiếu năm 1985 được chú ý hơn cả. Phim đã lập nhiều kỷ lục về số lượng người xem - hàng chục triệu người, gây sốt dư luận và là bệ phóng của loạt diễn viên từ vai chính đến vai phụ. Biệt Động Sài Gòn gồm 4 tập: Điểm Hẹn, Tĩnh Lặng, Cơn Giông và Trả Lại Tên Cho Em. Bộ phim được bấm máy từ năm 1982 và kéo dài khoảng 4 năm.
XEM VIDEO: Dàn sao Biệt Động Sài Gòn tái xuất khán giả truyền hình sau hơn 30 năm.
Đạo diễn Long Vân từng tiết lộ phim có tên Thiên Thần Ra Trận. Tuy nhiên, ông được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (khi ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM) góp ý đổi tên thành Biệt Động Sài Gòn để "cho đúng với thực tế đã diễn ra, thiên thần làm sao lập được chiến công như những chiến sĩ biệt động". Nhờ lời góp ý này, ông quyết định đổi tên bộ phim của mình.
Đạo diễn Long Vân còn tiết lộ sau khi bộ phim quyết toán thì ông vẫn còn nợ xưởng 800 đồng, lại phải mang tiền vợ đi trả. Cát-xê lớn nhất của ông được trả bấy giờ là đôi giày đinh.
Chia sẻ về những cảnh phim kinh điển trong Biệt Động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân nói: "Cảnh tra tấn Huyền Trang cũng để lại cho người xem nhiều ấn tượng. Khi thực hiện cảnh này chúng tôi phải tham khảo nhiều tư liệu, rồi nghe những người đi tù ở Côn Đảo kể lại mới sáng tạo ra cảnh đó.
Những kẹp trên đầu là kẹp sắt giấy, cho nhiều dây dợ chằng lên, dùng đúng mô tơ điện ở trong nhà tù để làm cho khán giả sợ hãi. Cái hay chính là sự thể hiện của Thanh Loan trong cảnh này.
Còn cảnh Sáu Tâm nhảy cầu, địch bắn súng theo anh. Ở dưới sông có giăng thuốc nổ, mỗi lần nhảy xuống là có người giật dây cho thuốc nổ bắn tung nước lên thể hiện đạn của địch. Chúng tôi thực hiện cảnh này rất nguy hiểm vì nếu nhảy đúng vào vùng giăng thuốc nổ là bị thương".
Khoảng năm 2006, ông được đặt hàng làm phim về ngành công an và Những Đứa Con Biệt Động Sài Gòn tiếp tục ra đời. Tại Liên hoan phim truyền hình lần thứ 31 tổ chức ở Đà Nẵng, bộ phim này đã được khán giả bình chọn là bộ phim xuất sắc nhất năm 2011 - 2012.
Được vợ yêu chiều hết mực, "tra tấn" con gái khi làm phim
Đạo diễn Long Vân và nghệ sĩ Kim Cương có cuộc hôn nhân giản dị và hạnh phúc. Ông từng chia sẻ rằng gặp được nghệ sĩ Kim Cương là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình. Ông là người yêu phim trường hơn mọi thứ trên đời nên ông luôn muốn cảm ơn một nửa đã tháo vát chu toàn cho hạnh phúc của cả gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành để ông yên tâm làm phim.
Đạo diễn Long Vân còn chia sẻ mối tình với nghệ sĩ Kim Cương như là mối duyên tiền kiếp. Ông đã si mê cái đẹp của cô văn công nên tình nguyện "trồng cây si", cứ đi theo người đẹp từ chỗ sơ tán đến khu văn công ở Mai Dịch. Thậm chí ông còn đứng ở một góc chờ bà mặc cho bom đạn dội xuống ầm ầm.
Đạo diễn Long Vân từng cho con gái Vân Dung tham gia bộ phim Biệt Động Sài Gòn. Nhân vật em bé bán báo do Vân Dung đảm nhận khiến nhiều người ám ảnh vì bị địch tra tấn bằng cách thả vào thùng rắn độc. Chia sẻ về cảnh phim ấn tượng này, đạo diễn Long Vân cho biết:
"Vai cô bé bán báo do con gái tôi đóng. Khi thực hiện cảnh con bé bị địch tra tấn bằng cách thả vào thùng rắn độc, con bé chỉ yêu cầu tôi làm thế nào để bọn rắn đừng thè lưỡi. Tôi lại cần quay rắn thè lưỡi thì mới gây sợ hãi.
Tôi thuê khoảng hai chục con rắn khỏe của một nhà hàng chuyên bán rắn, phải thuê luôn cả nhân viên cửa hàng rắn đóng người tra tấn để anh ta điều khiển chúng. Tất nhiên, những con rắn này đã được nhổ hết răng nên không còn nọc...".