Sau khi hai phần phim của Tam Sinh Tam Thế ra mắt, không ít người so sánh nhân vật Phượng Cửu do Địch Lệ Nhiệt Ba thể hiện với "Bạch Thiển" Dương Mịch.
"Bạch Thiển" Dương Mịch xuất hiện cùng hồ ly Phượng Cửu (Địch Lệ Nhiệt Ba) trong "Chẩm Thượng Thư" (Nguồn video: Weibo)
Vừa qua, web drama Tam Sinh Tam Thế: Chẩm Thượng Thư - bộ phim tiếp nối Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa đã chính thức ra mắt khán giả. Sau khi theo dõi hơn 10 tập đầu tiên, không ít người xem lập tức bày tỏ sự thất vọng bởi nội dung nhàm chán của tác phẩm này. Bên cạnh đó, nhân vật nữ chính Phượng Cửu do "người đẹp Tân Cương" Địch Lệ Nhiệt Ba thủ vai cũng trở thành tâm điểm bàn tán của cư dân mạng.
Nhiều người thẳng thừng so sánh nữ diễn viên sinh năm 1992 với đàn chị vốn từng thành công với vai thượng thần Bạch Thiển trong Thập Lý Đào Hoa. Ngay cả khi sang đến Chẩm Thượng Thư, Dương Mịch dù chỉ xuất hiện vài phút ngắn ngủi với tư cách khách mời, cũng "át vía" đàn em hoàn toàn.
Hồ ly đáng yêu Phượng Cửu vẫn không thể bằng "bà nội thiên hạ" Bạch Thiển.
1. Diễn xuất nhàm chán, một màu
Phải nói rằng, diễn xuất của Địch Lệ Nhiệt Ba trước nay chưa bao giờ nhận được lời khen từ giới chuyên môn. Biểu cảm gương mặt thiếu linh hoạt, ánh mắt gượng gạo, phối hợp diễn không quá tốt. Chưa kể đến việc, Địch Lệ Nhiệt Ba thường xuyên lựa chọn những vai diễn na ná nhau. Chính vì vậy, khán giả dễ cảm thấy nhàm chán khi không tìm được sự tươi mới ở cô.
Địch Lệ Nhiệt Ba vào vai Phượng Cửu trong Chẩm Thượng Thư.
Nhược điểm trong diễn xuất của Địch Lệ Nhiệt Ba thường phần nào lu mờ bởi vẻ ngoài hoạt bát, đáng yêu cùng thời lượng lên hình ngắn. Điều đó thường làm cô để lại ấn tượng mạnh với người xem qua các vai phụ. Khi nắm trong tay vai chính với thời lượng lên hình dài, Địch Lệ Nhiệt Ba thường hụt hơi chạy theo nhân vật do mình thể hiện, đồng thời để lộ hết những yếu điểm của bản thân lên màn ảnh.
Diễn xuất của cô bị đánh giá là không đủ khả năng lên vai chính.
Về phần Dương Mịch, đàn chị của Địch Lệ Nhiệt Ba lại là một diễn viên mang phong độ "trồi sụt". Có những lúc, diễn xuất của cô tốt đến mức làm người xem cảm thấy khó tin vì sự xuất thần ấy, nhưng lại có lúc làm cho khán giả chỉ muốn tắt ti vi.
Dương Mịch đầy thần thái trong Thập Lý Đào Hoa.
May mắn thay, Thập Lý Đào Hoa là một tác phẩm mang nhiều yếu tố giúp Dương Mịch lấy lại phong độ. Vậy nên khi đặt bộ phim này lên bàn cân với Chẩm Thượng Thư, người xem lại đánh giá cao Dương Mịch hơn Địch Lệ Nhiệt Ba.
2. Nhân vật thiếu sự chuyển hóa đa dạng
Trước Chẩm Thượng Thư, Địch Lệ Nhiệt Ba được chú ý khi góp mặt trong những tác phẩm như Người Tình Kim Cương, Lý Huệ Trân Xinh Đẹp, Liệt Hỏa Như Ca. Đa phần các vai diễn của cô đều đóng khung trong một hình tượng: Xinh đẹp, đáng yêu, "cọc đi tìm trâu". Sang tới Chẩm Thượng Thư, nhân vật Phượng Cửu cũng vẫn đi theo tiêu chuẩn nữ chính/phụ không hề thay đổi ấy.
Từ Cao Văn trong Người Tình Kim Cương...
... Lý Huệ Trân trong Lý Huệ Trân Xinh Đẹp...
... Sang đến Chẩm Thượng Thư, Địch Lệ Nhiệt Ba vẫn mãi "một màu" như vậy.
Trong khi đó, ở nhân vật Bạch Thiển của Dương Mịch lại có yếu tố tạo nên sự thu hút. Từ Tư Âm giả trai, một lòng kính thầy; một Tố Tố người phàm yếu đuối, thân cô thế cô cho đến Thượng thần Bạch Thiển lạnh lùng, cao cao tại thượng. Màn biến hóa qua ba kiếp mang đến cho Bạch Thiển sắc thái đa dạng, đồng thời cũng là một thử thách đối với diễn xuất của Dương Mịch, giúp cô không bị đóng khung vào một hình tượng nhân vật đặc thù nào.
Thượng Thần Bạch Thiển của Dương Mịch.
Qua việc lựa chọn nhân vật cùng kịch bản, Địch Lệ Nhiệt Ba quả nhiên vẫn chỉ là "tay mơ" so với đàn chị, dù cho hồ ly Phượng Cửu rất được yêu thích trong Thập Lý Đào Hoa. Nhưng khi chuyển mình lên tuyến chính, do không tìm được cho mình một lối diễn sáng tạo hơn, Địch Lệ Nhiệt Ba tiếp tục đi vào lối mòn, làm cho nhân vật Phượng Cửu trở nên vô cùng nhàm chán.
3. Thiếu một bạn diễn có tầm
Qua 58 tập phim của Thập Lý Đào Hoa, Triệu Hựu Đình đã chứng tỏ anh là một nhân tố không thể thiếu và quan trọng không kém gì nữ chính Dương Mịch. Diễn xuất của Triệu Hựu Đình đã giúp anh xoay chuyển tình thế, từ người bị cư dân mạng "ném đá" vì tạo hình kém đẹp sang được thừa nhận là Dạ Hoa đích thực bước từ trong truyện ra.
Triệu Hựu Đình và Dương Mịch trong một phân cảnh của Thập Lý Đào Hoa: Chẩm Thượng Thư.
Ngoài ra, Dương Mịch là người rất dễ bị ảnh hưởng bởi diễn xuất của bạn diễn. Khi đối phương có thể dẫn dắt cảm xúc cho cô, Dương Mịch thường nhập vai tốt hơn, đồng thời phối hợp diễn nhuần nhuyễn hơn. Đàn anh họ Triệu cũng góp phần không nhỏ trong thành công mà vai Bạch Thiển mang đến cho Dương Mịch.
Về phần Địch Lệ Nhiệt Ba, khá đen cho nữ diễn viên sinh năm 1992 khi bạn diễn của cô lại là Cao Vỹ Quang. Nam diễn viên sinh năm 1983 thường bị chê bai bởi lối diễn thể hiện quá đà, biểu cảm thiếu đa dạng, nhiều lúc một màu, cứng nhắc. Điểm tương đồng với Địch Lệ Nhiệt Ba là cả hai gây ấn tượng bởi vẻ ngoài hút mắt. Một khi được nâng hạng lên hàng diễn viên chính, lập tức họ đều cho thấy những điểm yếu trong diễn xuất của mình.
Phượng Cửu và Đông Hoa trong Tam Sinh Tam Thế: Chẩm Thượng Thư.
Trong những phân đoạn thể hiện tình cảm mùi mẫn, Địch Lệ Nhiệt Ba cùng Cao Vỹ Quang không mang đến cảm giác "tim đập thình thịch" cho khán giả khi cả hai chỉ trao nhau ánh mắt vô hồn. Có lẽ, các fan của cặp đôi này chỉ đang tự lừa mình dối người rằng họ đang yêu đương thắm thiết qua màn ảnh!
Tuy nhiên, "phản ứng hóa học" của cặp đôi bị đánh giá là mờ nhạt, không thu hút khán giả.
Giữa hai nữ chính của Tam Sinh Tam Thế, việc ai hơn ai kém đã quá rõ ràng. Bạch Phượng Cửu chưa hẳn là vai diễn để đời của Địch Lệ Nhiệt Ba, nhưng Bạch Thiển là nhân vật làm khán giả nhớ mãi không quên và giúp diễn xuất của Dương Mịch được thừa nhận.