Học hành bài bản, diễn xuất cũng tinh tế, nghệ sĩ Diễm Trinh vẫn mãi không thoát được những vai phụ, vai thứ chính từ tỳ nữ, con vật trên sân khấu cho đến bà vú, osin...
Nghệ sĩ Diễm Trinh và bạn diễn.
Vượt qua cửa tử nhưng mang nợ chồng chất
Nằm trên giường bệnh trong căn nhà cũ kỹ ở chung cư Hùng Vương (quận 5, TP.HCM), nghệ sĩ Diễm Trinh (65 tuổi) cứ chảy nước mắt mỗi lần cố gượng trở mình. Trở về từ cửa tử sau ca phẫu thuật quyết định sự sống, sức khỏe của nữ nghệ sĩ vẫn chưa mấy khả quan. Bà cho biết: “Tôi chưa thể hồi phục bởi không ăn uống được, cứ ăn vào lại nôn ra. Bụng tôi lại đau do uống quá nhiều thuốc, vừa rồi còn bị xuất huyết nữa. Nhà tôi ở quận Bình Tân nhưng phải tá túc nhà của em gái ở quận 5 để có người chăm sóc và tiện qua bệnh viện tái khám, cũng như nhập viện khi cần thiết”.
Trong lần tái khám gần đây, bác sĩ lại yêu cầu bà nhập viện để theo dõi nhưng bà xin ở nhà uống thuốc, với hy vọng bệnh tự thuyên giảm. Dù ăn uống không được, bà vẫn cố uống sữa, ngũ cốc, cháo. Bà cứ cầu mong cho bản thân mau khỏe để còn đi quay, kiếm tiền trả nợ và chăm lo cho gia đình. Bà rơi nước mắt chia sẻ: “Tôi bị bệnh, phải phẫu thuật với chi phí quá lớn nên các em và con cái phải vay mượn tiền nóng, tiền lạnh. Bởi vậy, tôi vừa ra viện là đứa nào đứa nấy lo cắm đầu cắm cổ làm để kiếm tiền trả nợ. Con trai bỏ dở ước mơ làm diễn viên để đi bán hàng ở Thế giới di động, con gái làm công cho một cửa hàng trên đường Thành Thái”.
Em gái và em trai của nghệ sĩ Diễm Trinh cũng đã lớn tuổi, yếu ớt nhưng vẫn sát cánh cùng bà. Họ thay nhau dẫn bà ra vào bệnh viện tái khám, chăm sóc bà suốt mấy ngày nằm viện. Thương người thân lo cho mình mà vất vả, nữ nghệ sĩ nhiều lúc nghĩ quẩn muốn chết cho xong. Được mọi người động viên, bà lại cố gắng lạc quan tịnh dưỡng. Thế nhưng, mỗi lần nhớ đến cháu ngoại và người chồng đã hơn 70 tuổi, bà lại xót xa: “Tôi bị bệnh, ai cũng lo chăm sóc và kiếm tiền lo cho tôi nên bỏ bê thằng nhỏ và chồng tôi. Chồng tôi đã già nhưng vẫn cố gắng cặm cụi ngồi bên bàn máy may kiếm vài đồng mua thức ăn cho ổng và cháu ngoại. Cháu ngoại của tôi thì còn nhỏ mà cha lại bỏ đi theo tình nhân, mẹ đi làm, tôi bị bệnh nên không ai chăm sóc, ốm tong teo”.
Nhắc đến thời gian nằm viện, đối diện với căn bệnh quái ác, nghệ sĩ Diễm Trinh rùng mình, cảm thấy ám ảnh. Bà kể: “Cách đây hơn 1 tháng, tôi đang quay một gameshow thì thấy cơ thể suy nhược, không ăn uống được, nhìn thấy thức ăn lại buồn nôn. Thật ra, tôi bị chán ăn từ Tết đến giờ nhưng cứ chủ quan và nghĩ do tuổi tác. Đến khi kiệt sức, tôi được người nhà đưa vào bệnh viện thăm khám và phát hiện mắc bệnh phình động mạch. Tôi được đưa vào bệnh viện Nhân dân 115 để điều trị. Tại đây, các bác sĩ cho biết, tôi bị phình động mạch chủ ở bụng làm nghẽn 2 động mạch ở thận nên bụng to lên. Với hiện trạng sức khỏe của tôi, bác sĩ nói nếu phẫu thuật cũng tiên lượng xấu nên gia đình cần suy nghĩ thêm”.
“Tôi nặng 66kg nhưng từ lúc mắc bệnh, cơ thể xuống dốc nhanh kinh khủng, cân nặng chỉ còn 44kg. Nhìn thấy cơ thể teo tóp của tôi, người thân rất sốt ruột nên quyết định mổ dù cơ hội rất ít. Mổ cũng không chắc chắn nhưng không mổ thì chỉ có chết. Thế là, tôi bước vào cuộc chiến sinh tử trong 7 giờ đồng hồ phẫu thuật thay ống nhân tạo cho đoạn mạch bị phình. Nhờ trời, nhờ bác sĩ tận tâm, ca mổ của tôi thành công một cách thần kỳ. Thế nhưng, hiện tại, sức khỏe vẫn chưa hồi phục, tôi vẫn chưa thể đi lại bình thường. Ngoài ra, gia đình lại mang một số nợ lớn, chắc tôi phải bán nhà để trả nợ”, nữ nghệ sĩ lại rơi nước mắt.
Trong cơn đau và nước mắt, bà lại cố nói với giọng yếu ớt: “Xưa giờ, tôi có chủ động xin show, xin vai để kiếm tiền sinh sống nhưng chưa bao giờ mở lời xin tiền ai. Vậy mà, đợt này túng quẫn quá, tôi đã phải ngậm ngùi dẹp hẳn tự trọng để cầu cứu đồng nghiệp. Bích Hằng, Phi Phụng, cũng như nhiều nghệ sĩ khác đã thương xót mà hỗ trợ tôi rất nhiều. Nhật Kim Anh còn gửi tiền cho Hồ Bích Trâm mang đến tặng tôi. Bích Hằng, Phi Phụng phải đi xin xỏ khắp nơi để quyên góp cho tôi mấy chục triệu. Khán giả biết tin cũng ủng hộ qua số tài khoản của tôi. Tôi còn nhận được tiền của mấy cháu nhỏ gửi và động viên tôi mau khỏe. Số tiền chỉ từ 50.000-100.000 đồng nhưng với tôi, nó thật lớn lao và tình nghĩa”.
Gần 50 năm chưa một lần được đóng vai chính
Lau nước mắt trên má, nghệ sĩ Diễm Trinh tâm sự: “Tôi mới mừng rỡ sau khi nhận được hợp đồng phim đến 45 tập thì lại bệnh và nhập viện. Để không ảnh hưởng đến thời gian của đoàn phim, tôi đành ngậm ngùi trả phim. Lâu lắm rồi, tôi mới có được một hợp đồng phim nhiều tập như vậy. Kể ra, cũng tại cái số không may mắn, trước khi bị căn bệnh này, tôi đã 2 lần bị tai nạn giao thông, nằm viện suốt thôi. Một lần tôi bị chấn thương đầu khâu mấy mũi, rồi dẫn đến tai biến cũng phải điều trị tốn rất nhiều tiền. Một lần khác, tôi bị va quệt, rồi té ngã làm gãy xương sườn, phải nằm một chỗ đến 6 tháng”.
Bà còn cố gắng dí dỏm cho cuộc nói chuyện không quá thê lương khi nhắc đến tai nạn làm chấn thương đầu: “Đợt đó, tôi còn may mắn khi vẫn đi quay được với vết thương trên đầu, và các vết bầm khác khắp cơ thể. Tôi đóng vai bà nội nên hóa trang nhăn nhúm, chẳng mấy ai nhận ra vết thương khâu trên đầu. Tôi bị thương hôm trước, mấy hôm sau đã lao vào diễn xuất để không làm chậm tiến độ của bộ phim. Đạo diễn cảm ơn tôi rất nhiều. Sau đó hơn chục ngày, tôi bị tai biến. Nằm viện mà tôi thầm cảm ơn Trời Phật cho tôi quay xong phim mới phát bệnh”.
Không chỉ gặp nhiều tai ương trong cuộc sống, công việc của nghệ sĩ Diễm Trinh cũng không mấy thuận lợi. Có lẽ, nếu không có đam mê ca hát, diễn xuất thì bà đã bỏ nghề từ lâu. Trong cơn đau đớn của bệnh tật, mắt bà sáng lên khi nhắc đến thuở mới vào nghề. Bà nhớ: “Năm 17 tuổi, tôi vào đoàn cải lương của nghệ sĩ Út Bạch Lan - Thành Được. Trước đó, tôi mê ca cải lương lắm. Được đi học văn hóa mà tôi toàn ngồi hát lan man, học Toán toàn được điểm 0. Cha tôi biết chuyện liền đánh chửi rất nhiều. Ông nói: 'Mày theo nghề xướng ca vô loài thì tao cạo đầu mày'. Sau đó, ông cạo đầu tôi thiệt, còn quăng cho tôi cái khăn để quấn cái đầu trọc lóc lại”.
Bị đánh mắng, cạo đầu, nghệ sĩ Diễm Trinh vẫn quyết theo nghề hát. Tóc mọc lên đôi phân, bà cắt đầu đinh rồi xin theo đoàn hát. Cha của bà từ mặt con gái suốt một khoảng thời gian dài. Để theo nghề chuyên nghiệp, bà thi vào trường Quốc gia nhạc viện - kịch nghệ. Thời điểm này khoảng năm 1971 - 1972, bà học chung với Thương Tín.
Sau giải phóng, bà thi vào trường sân khấu học hát cải lương do NSND Phùng Há đứng lớp giảng dạy. Tốt nghiệp, bà được phân công về đoàn cải lương Đồng Nai. Tại đây, bà và đồng nghiệp đều phải ăn khoai mì, cơm độn, sống trong chòi lá. Cuộc sống cơ cực nhưng chưa bao giờ bà nghĩ đến việc bỏ nghề. Đến khi lập gia đình và có con nhỏ, bà về đoàn kịch trẻ Bạch Lan, sau đó sáp nhập nhà hát Kịch.
Bà kể: “Lúc mới vào nghề, hát cải lương, tôi phải đóng vai tỳ nữ, chim quạ... Có lúc, tôi bị treo dây, diễn bay nhảy trên không trung, rất nguy hiểm. Đến lúc chuyển qua kịch nói và đóng phim, tôi toàn đóng vai phản diện, rồi vào vai mẹ, bà nội, osin, bà vú... Đóng mấy chục phim, tôi chưa lần nào được đóng vai chính, toàn vai phụ, vai thứ chính thôi. Cũng nhờ tằn tiện, tôi mới tích góp mua được căn nhà 24m2 ở quận Bình Tân, TP.HCM. Nhiều nghệ sĩ khác nghèo đến nỗi phải ở nhà thuê”.
Nhớ lại chuyện nghệ sĩ Mai Trần, Mạc Can lâm bệnh không tiền chạy chữa còn bị khán giả dè bỉu nghệ sĩ mà than nghèo, bà lại ngậm ngùi: “Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, nghệ sĩ cũng có người tột đỉnh vinh quang, có người lay lắt sống nghèo khổ. Cả đời hoạt động cũng không đủ tiền mua ngôi nhà, không tích góp được chút đỉnh hậu thân. Già cả đi đóng phim mà còn gặp cảnh người ta quỵt cát-xê, chầu chực đòi tiền để đi chữa bệnh. Tiền cát-xê lại bị ăn xén, ăn bớt chẳng được bao nhiêu, đi đòi cát-xê còn bị người ta chặn đánh”.