Cộng đồng mạng mới đây xôn xao về đoạn video do một người chồng đăng tải, ghi lại cảnh vợ anh trong cơn giận dữ hét lên với con nhỏ, khiến nhiều người bàng hoàng và đồng cảm.
Đoạn video đã thu hút sự chú ý lớn, không chỉ vì nội dung gây sốc mà còn vì nó làm nổi bật vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm lý của phụ nữ sau sinh.
Người vợ hét lên “Mẹ ghét con” gây tranh cãi trên mạng
Trong đoạn video dài chỉ dài vỏn vẹn 6 giây, người chồng ghi lại cảnh vợ mình hét lớn vào mặt đứa trẻ đang nằm trên giường. Người mẹ liên tục nói: “Mẹ ghét con”, “Mẹ ghét đứa trẻ này” với giọng điệu đầy tức giận. Mặc dù người chồng đã cố gắng can thiệp và an ủi, cô vẫn không ngừng mất kiểm soát.
Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt hoàn cảnh.
Đứa trẻ trong video còn rất nhỏ, nằm im lặng trên giường mà không thể hiểu được những lời nói đầy tức giận của mẹ. Nhiều người xem nhận xét rằng người mẹ còn khá trẻ, có lẽ lần đầu làm mẹ và chưa quen với những áp lực sau sinh.
Video người chồng quay lại khoảnh khắc vợ la hét khi mất bình tĩnh.
Sau đó, đoạn video đã được chia sẻ lại với dòng chú thích: “Trầm cảm, tức giận và rối loạn tâm thần sau sinh cần được chú ý hơn”. Hình ảnh chân thực trong video cho thấy những cảm xúc tiêu cực đáng sợ mà một người mẹ có thể phải đối mặt khi kiệt sức hoặc cảm thấy bất lực.
Khi đoạn video được đăng tải, nó nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem và hàng ngàn bình luận. Nhiều người bày tỏ sự lo lắng cho tình trạng của người mẹ và đứa trẻ. Một số ý kiến cho rằng người mẹ có dấu hiệu của trầm cảm sau sinh và cần được hỗ trợ kịp thời.
Người mẹ hét lên trong tuyệt vọng.
Một tài khoản đã để lại bình luận: “Trầm cảm sau sinh có thể thay đổi hoàn toàn con người ta. Nó không chỉ làm hại người mẹ mà còn ảnh hưởng đến cả đứa trẻ và gia đình”. Thực tế, những cảm xúc tiêu cực và sự mệt mỏi kéo dài có thể khiến người mẹ mất kiểm soát, dẫn đến những hành vi đáng lo ngại.
Thiếu ngủ - Yếu tố nguy hiểm với tất cả người mẹ nhưng thường không được để ý
Nhiều bà mẹ chia sẻ rằng thiếu ngủ sau sinh là nguyên nhân chính khiến họ rơi vào trạng thái kiệt sức và suy giảm lý trí. Một người dùng mạng bình luận: “Khi tôi sinh con đầu lòng, chỉ việc không được ngủ trọn vẹn đã khiến tôi phát điên. Tôi không ngạc nhiên khi thấy người mẹ trong video rơi vào tình trạng này”.
Tuy nhiên, việc người chồng quay lại và công khai đoạn video cũng gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng hành động này là không phù hợp và có thể làm tổn thương người mẹ thêm. Tuy vậy, cũng có những người đồng tình rằng đoạn video đã nâng cao nhận thức về thực trạng trầm cảm sau sinh và nhu cầu cần có sự hỗ trợ kịp thời.
Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh - Một tình trạng khẩn cấp cần xử lý ngay
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, rối loạn tâm thần sau sinh là một trong những rối loạn nghiêm trọng nhất trong nhóm các bệnh lý tâm thần. Các triệu chứng bao gồm hoang tưởng, ảo giác, mất liên kết với thực tế, tư duy hỗn loạn và có những hành vi nguy hiểm. Khoảng 1/500 phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng này, và đây là một con số không nhỏ.
Khi mắc phải trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần sau sinh, người mẹ có thể không còn khả năng chăm sóc con mình đúng cách. Đứa trẻ không chỉ thiếu vắng sự yêu thương mà còn có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự giận dữ hoặc hành vi tiêu cực của mẹ. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước.
Các chuyên gia khuyến nghị rằng bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về tâm lý sau sinh cũng cần được xem như tình trạng khẩn cấp. Người mẹ cần được hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là từ người chồng, và tìm đến các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Làm thế nào để hỗ trợ phụ nữ sau sinh?
Xây dựng môi trường hỗ trợ: Gia đình, đặc biệt là người chồng, cần chia sẻ công việc chăm sóc con cái để người mẹ có thời gian nghỉ ngơi.
- Theo dõi sức khỏe tâm lý: Nếu người mẹ có dấu hiệu buồn bã kéo dài, mất hứng thú với mọi thứ hoặc dễ mất kiểm soát, cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý.
- Đảm bảo giấc ngủ: Giấc ngủ rất quan trọng trong giai đoạn này. Gia đình nên thay phiên nhau chăm sóc bé để người mẹ có thời gian phục hồi.
- Tăng cường kết nối: Hãy lắng nghe và đồng cảm với người mẹ, tránh phán xét để cô ấy cảm thấy được yêu thương và thấu hiểu.
Đoạn video về người mẹ mất kiểm soát gào thét với con đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc nhận biết và điều trị trầm cảm sau sinh. Đây không chỉ là vấn đề của riêng người mẹ mà còn là trách nhiệm của gia đình và xã hội.