Hội chứng buồn sau sinh có phải là dấu hiệu trầm cảm?

Ngày 16/11/2024 09:00 AM (GMT+7)

Mang thai và sinh con có thể khiến người phụ nữ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Họ thường cảm thấy choáng ngợp, buồn bã hoặc lo lắng trong thai kỳ, nhất là sau khi sinh con. Vậy những cảm xúc này là bình thường hay là dấu hiệu của bệnh trầm cảm?

1. Thế nào là hội chứng buồn sau sinh?

Sau khi sinh, nhất là với người sinh con lần đầu, nhiều sản phụ dễ rơi vào tâm trạng chợt vui, chợt buồn, lo âu, dễ bị kích thích, khó tập trung, mất cảm giác ngon miệng hoặc khó ngủ… Các biểu hiện trên thường không kéo dài và biến mất khi tâm lý người mẹ ổn định. Hiện tượng này được xem là một phản ứng bình thường ở nhiều sản phụ sau sinh.

Theo Học viện Sản phụ khoa Hoa Kỳ, (ACOG), khoảng 2-3 ngày sau khi sinh, một số người bắt đầu cảm thấy chán nản, lo lắng và buồn bã. Họ có thể cảm thấy tức giận với em bé mới sinh, bạn đời hoặc những đứa con khác.

Họ cũng có thể khóc không có lý do rõ ràng, gặp khó khăn trong việc ngủ, ăn và có suy nghĩ không biết mình có thể chăm sóc một đứa bé được không... Những cảm giác này thường được gọi là hội chứng buồn sau sinh, có thể đến rồi đi trong vài ngày đầu sau khi sinh.

Cảm xúc lo lắng, buồn bã kéo dài sau sinh có thể là dấu hiệu trầm cảm.

Cảm xúc lo lắng, buồn bã kéo dài sau sinh có thể là dấu hiệu trầm cảm.

2. Nhận biết dấu hiệu của bệnh trầm cảm

Trầm cảm sau sinh thực sự là vấn đề đáng lo ngại đối với rất nhiều sản phụ, nó thường bắt đầu bằng những cảm xúc lo lắng, buồn bã sau sinh. Tuy nhiên các triệu chứng buồn bã của hội chứng buồn sau sinh thường sẽ thuyên giảm trong vòng vài ngày hoặc 1-2 tuần mà không cần điều trị. Nhưng đối với trầm cảm sau sinh, tình trạng đó kéo dài với các biểu hiện ngày càng nghiêm trọng.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh trải qua cảm giác buồn bã, lo lắng hoặc tuyệt vọng dữ dội khiến họ không thể thực hiện các công việc hàng ngày. Nếu không được điều trị, chứng trầm cảm sau sinh có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng kết nối và chăm sóc em bé và có thể khiến em bé gặp vấn đề về giấc ngủ, ăn uống và hành vi khi bé lớn lên.

Các triệu chứng phổ biến của trầm cảm sau sinh bao gồm:Cảm thấy buồn, tuyệt vọng hoặc choáng ngợp;Khóc nhiều hơn bình thường hoặc không có lý do rõ ràng;Lo lắng;Cảm thấy buồn bã, cáu kỉnh hoặc bồn chồn;Ngủ quên hoặc không thể ngủ được ngay cả khi em bé đã ngủ;Gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ chi tiết và đưa ra quyết định;Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích;Đau nhức cơ thể, bao gồm đau đầu thường xuyên, các vấn đề về dạ dày và đau cơĂn quá ít hoặc quá nhiều;Rút lui hoặc tránh xa bạn bè và gia đình;Gặp khó khăn trong gắn kết hoặc hình thành sự gắn bó về mặt tình cảm với em bé;Liên tục nghi ngờ khả năng chăm sóc em bé của bản thân;Nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc em bé…

3. Cần làm gì khi có dấu hiệu trầm cảm sau sinh?

Mặc dù đôi khi cảm thấy buồn là bình thường nhưng khi có dấu hiệu bất ổn kéo dài trên 2 tuần, các chuyên gia khuyến cáo, sản phụ nên đi gặp bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán xác định đó có phải là dấu hiệu trầm cảm hay không để có biện pháp can thiệp và hỗ trợ tâm lý phù hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho người mẹ và em bé. Không nên đợi đến lịch khám sau sinh mới nói chuyện với bác sĩ.

Đặc biệt, nếu sản phụ là người có tiền sử trầm cảm hoặc đang dùng thuốc chống trầm cảm, cần thông báo với bác sĩ sản phụ khoa ngay từ đầu khi chăm sóc trước khi sinh. Bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp điều trị để ngăn ngừa trầm cảm sau sinh.

Phụ nữ mang thai cần được chăm tốt về sức khỏe thể chất và tinh thần để tránh nguy cơ trầm cảm.

Phụ nữ mang thai cần được chăm tốt về sức khỏe thể chất và tinh thần để tránh nguy cơ trầm cảm.

Để giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh, theo BSCKI Hoàng Hường, chuyên Sản phụ khoa, ngay từ khi mang thai, người phụ nữ cần được chăm sóc tốt về sức khỏe thể chất và tinh thần, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, tránh những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.

Bản thân người mẹ nên chủ động đề nghị những người trong gia đình chia sẻ những khó khăn khi mang thai và chăm sóc em bé để có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. Nếu cảm thấy có dấu hiệu bất ổn về tâm lý, đừng lo sợ hoặc giữ cảm xúc cho riêng mình. Cần chia sẻ với gia đình và đi khám sớm để có được sự giúp đỡ, điều trị kịp thời.

Theo dõi cử động của thai nhi là niềm hạnh phúc của mẹ bầu: Dấu hiệu nào cho thấy em bé ổn định?
Theo dõi cử động của em bé trong bụng không những khiến mẹ bầu hạnh phúc mà còn là phương pháp để biết được tình trạng sức khỏe thai nhi.

Bà bầu cần biết

Theo Thu Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trầm cảm sau sinh